Sự vào cuộc của những nhà đầu tư lớn đang hình thành nên những tổ hợp du lịch giải trí hiện đại, tăng khả năng cạnh tranh và độ hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong khu vực. Song để giữ chân du khách và khéo léo rút ví họ, cần thêm bí quyết khác, rẻ hơn nhiều.
“Ấn tượng về một khu du lịch đẹp không chỉ nằm ở sự bề thế, hoành tráng của những công trình mà hằn sâu trong những nụ cười, thái độ phục vụ của những nhân viên tại khu du lịch đó”. Thế thì, có khó gì để không nhân rộng bí kíp thu hút khách này?
Tín hiệu lạc quan
Nửa đầu năm 2017, du lịch Việt Nam đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, trung bình mỗi tháng đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế - một con số có thể nói chưa bao giờ ấn tượng đến thế.
Đây là kết quả từ những nỗ lực chuyển mình của Du lịch Việt Nam, mà nói như phát biểu của ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch" được tổ chức cuối tháng 8.2017, thì "du lịch Việt Nam đã từng bước hình thành được hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh từ nội lực".
Tuy nhiên, để có thể bám đuổi sát hơn nữa với những nền kinh tế du lịch mạnh trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, thì chính Tổng cục Du lịch cũng phải thừa nhận du lịch Việt Nam vẫn "thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực".
Liên hoàn "rút ví khách"
Nhìn ra nước ngoài, những tổ hợp du lịch được đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, các giá trị gia tăng khác không hiếm. Đây mới là những nơi có thể "móc túi" du khách ngay từ khi đặt chân tới cho đến lúc "chào tạm biệt" chứ không phải những danh thắng trời ban.
Như Resort World Genting chẳng hạn. Trước năm 1965, cao nguyên Genting (Malaysia) chỉ là một khu vực hoang vu, nơi lui tới của những người đốn gỗ và khai thác đá. Lọt mắt nhà đầu tư có tầm nhìn xa, rất nhanh, Genting đã trở thành thành phố giải trí trong mây nổi tiếng không chỉ ở Malaysia mà trên toàn thế giới, với một phức hợp du lịch gồm 6 khách sạn, 2 khu vui chơi giải trí, 2 sòng bài, 2 khu nhà nghỉ trên đỉnh đồi, sân golf Awana Genting và khu nghỉ mát khác dành cho người dân địa phương, 170 nhà hàng và cửa hàng mua sắm…
Ở Genting, chưa thấy ai không rút ví khi đến đây. Quý ông muốn thử vận may ở casino, quý bà có thể mua từ Channel đến Louis Vuitton hay Hermès… Còn với các gia đình, lạc chân vào Theme Park là “khó có đường ra”, bởi có quá nhiều trò chơi hấp dẫn. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày có từ 3.000 đến 4.000 lượt du khách đến Genting, lúc cao điểm lên đến 8.000 lượt, 2/3 là khách nội địa. Tính riêng trong năm 2016 vừa qua, doanh thu từ "thành phố giải trí trên mây" này của Malaysia đã đạt gần 9 tỷ RM, tương đương hơn 2 tỷ USD.
Tại Hong Kong, Hong Kong Disneyland Resort (gồm Hong Kong Disneyland theme park, Hong Kong Disneyland Hotel, Disney's Hollywood Hotel, Disney Explorers Lodge và một số các hạng mục ẩm thực, bán lẻ và giải trí khác) đón 6,8 triệu lượt khách và doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ USD/năm. Tại Nhật Bản, Tokyo Disney Resort với hai công viên chủ đề, 3 khách sạn Disney hotels, 6 khách sạn không thuộc Disney hotels, và một tổ hợp mua sắm, mỗi năm đem lại doanh thu trên dưới 4 tỷ USD.
Chuyển mình “bắt kịp” thế giới
Tiến sỹ Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Du lịch) cho rằng: "Nội dung quan trọng của sản phẩm du lịch sau khi có tài nguyên hấp dẫn, khả năng tiếp cận là sự hiện hữu, đầu tư hình thành của các loại hình cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi cũng như kèm theo đó là hệ thống các dịch vụ cần thiết giúp khách du lịch có thể trải nghiệm, khám phá, thưởng ngoạn được các giá trị tài nguyên du lịch".
Rõ ràng, thời gian qua, sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khách sạn có quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Từng bước, Việt Nam được nhắc đến như một điểm đến sang trọng của du lịch toàn cầu, với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay…
Sự vào cuộc của những Tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… đã góp phần không nhỏ tạo nên sức hút mới mẻ cho những điểm đến quen thuộc như Hạ Long chẳng hạn. Ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, năm 2016, ngay sau khi Hạ Long ra mắt tổ hợp Sun World Ha Long Complex cùng với công viên chủ đề Dragon Theme Park với hơn 30 trò chơi hiện đại hàng đầu thế giới, công viên nước Typhoon Water Park, Quảng Ninh đã chứng kiến một sự thay đổi lớn của du lịch. Chỉ tính riêng dịp Tết Đinh Dậu 2017, doanh thu từ du lịch của Quảng Ninh ước đạt 900 tỷ đồng. "Nhờ có những tập đoàn như Sun Group đầu tư, khách du lịch đến Hạ Long, giờ có thể ở lại từ 2 - 5 ngày mới chơi được hết các trò chơi" - ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, có một thứ quan trọng không kém việc gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi, và chi nhiều tiền hơn, đó chính là thái độ, sự chuyên nghiệp trong phục vụ du lịch, bởi theo ông Hoàng Việt Cường, Phó TGĐ Tập đoàn Sun Group, tại buổi Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch" thì: “ấn tượng về một khu du lịch đẹp không chỉ nằm ở sự bề thế, hoành tráng của những công trình mà hằn sâu trong những nụ cười, thái độ phục vụ của những nhân viên tại khu du lịch đó”. Ông Cường trích dẫn một ý kiến: “Chỉ cần những nụ cười chân thật của người bản xứ là đủ để một du khách cảm mến và tương tư một đất nước hơn bất kỳ khẩu hiệu chiến dịch tuyên truyền nào khác”.
Những trăn trở của một nhà đầu tư du lịch có lẽ cũng là "gợi ý" cho ngành du lịch Việt Nam. Đầu tư cho du lịch để thu hút du khách, tiền thôi chưa đủ, chúng ta cần cả những "nụ cười".
PV