Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Vinh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa
Sân bay Vinh hiện có công suất khai thác 2 triệu hành khách/năm. Thời gian qua, cảng hàng không này có sự tăng trưởng rất nhanh. Nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải, lượng khai thác thực tế vượt so với dự báo.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, nhằm phù hợp với Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất quy hoạch sân bay Vinh giai đoạn đến 2030 là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp 1. Sân bay có công suất 8 triệu khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 25, loại tàu bay khai thác B747, B787, A350 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng được quy hoạch đón 14 triệu khách/năm và 35.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay là 40. Loại tàu bay khai thác B747, B787, A350 và tương đương.
Nhiều hạng mục của sân bay Vinh bị quá tải (Ảnh minh họa)
Với đường cất, hạ cánh, giai đoạn đến 2030, giữ nguyên đường cất, hạ cánh hiện hữu kích thước 2400 x 45 m. Cải tạo, sửa chữa khi có nhu cầu đồng thời xây dựng đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3000 x 45 m. Tầm nhìn đến năm 2050, giữ nguyên theo quy mô xây dựng tại giai đoạn trước.
Về sân đỗ tàu bay, giai đoạn đến năm 2030 có thể tiến hành cải tạo, mở rộng sân đỗ máy bay hiện hữu đạt công suất 4-5 triệu khách/năm nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác trong giai đoạn trước mắt (giai đoạn đến năm 2025). Ngoài ra, có thể làm sân đỗ máy bay mới đồng bộ với nhà ga hành khách T2 dự kiến xây dựng thêm. Số vị trí đỗ máy bay dự kiến là 25.
Sau khi đưa nhà ga T2 vào khai thác quốc nội, chuyển đổi công năng nhà ga T1 hiện hữu thành khai thác quốc tế, sân đỗ máy bay hiện hữu thành sân đỗ của nhà ga quốc tế.
Về nhà ga hành khách, giai đoạn đến 2030, cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách T1 đạt công suất 4-5 triệu hành khách/năm nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác trong giai đoạn trước mắt (giai đoạn đến năm 2025). Có thể xây dựng mới nhà ga hành khách T2 tại khu vực giữa 2 đường cất hạ cánh đạt công suất 8 triệu hành khách/năm (giai đoạn đến năm 2030).
Sau khi đưa nhà ga T2 vào khai thác quốc nội, tiến hành chuyển đổi công năng nhà ga T1 hiện hữu thành khai thác quốc tế.
Ngoài ra, xây dựng nhà ga hàng không chung tại khu vực nhà ga quốc tế hiện hữu khi có nhu cầu.
9 sân bay được đề xuất xây dựng
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đưa vào quy hoạch 9 sân bay mới khi đủ điều kiện.
Theo đó, Cục đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay gồm Tân Quang (Hà Giang), Yên Bái, Na Hang (Tuyên Quang), Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa), Đăk Nông, Tây Ninh. Các địa phương được yêu cầu lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.
Hàng loạt sân bay được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển hàng không quốc gia (Hình minh họa)
Với đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về quy hoạch sân bay Mộc Châu, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng có thể thiết lập được sân bay tại đây, tuy nhiên vị trí khu đất trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Sơn La cũng đánh giá việc đầu tư thêm cảng mới tại Mộc Châu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của sân bay Nà Sản trên địa bàn và vị trí cách xa trung tâm hành chính TP Sơn La. Do đó, tỉnh Sơn La đề nghị Mộc Châu là sân bay chuyên dùng, chỉ sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng để chở hành khách, hàng hóa mà không phải vận chuyển công cộng.
Trước đó cuối năm 2021, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 sân bay, đến năm 2050 có 31. Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung.
6 tiêu chí để quy hoạch sân bay gồm sản lượng hàng hóa, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, điều kiện tự nhiên, cự ly tiếp cận (100 km với sân bay đồng bằng và 200 km với sân bay miền núi).