"Đầu năm đón lộc cầu duyên. Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò" Câu ca dao nói về một phiên chợ được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings tôn vinh 1 trong “100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam”, đó là Chợ Gò huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Toàn cảnh chợ Gò - Ảnh: MINH CẦN. |
Biểu diễn võ thuật trong Lễ hội chợ Gò. Ảnh: MINH CẦN. |
Người dân bán chủ yếu là trầu cau. Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG. |
Đi chợ - Ảnh: Trường Đăng |
Các môn võ chuẩn bị biểu diễn ở Lễ hội chợ Gò. Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG. |
Cảnh buôn bán - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG |
Từ 0 giờ mùng 1 tết, trong cái lạnh như cắt, người dân đã đưa hàng ra chợ. Người thì chở bằng xe đạp, xe máy, nhưng chủ yếu người dân vẫn đến chợ bằng cách truyền thống: những cụ già, chị phụ nữ quảy gánh, bưng thúng đi đến chợ. Chợ đông đúc, nhộn nhịp người mua bán từ sau giao thừa.
Chợ mỗi năm chỉ họp một lần. Người mua bán chủ yếu là lấy lộc đầu năm. Hàng hóa chủ yếu là trầu cau, các loại rau, những sản vật, nông cụ do chính người nông dân làm ra. Chợ mua bán lâu ngày trở thành lễ hội thu hút hàng ngàn người từ các nơi trong tỉnh về tham gia.
Truyền thống họp chợ này đã tồn tại hàng trăm năm nay từ thời Tây Sơn đến nay. Tương truyền nơi đây quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, vua chỉ dụ cho phép mở hội vui Xuân tại Chợ Gò - Trường Úc để nhân dân bản địa, ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, để vợ chồng, người thân gặp nhau.
Theo thông lệ thì mỗi năm chợ chỉ họp hai phiên vào ngày mùng 1 và mùng 2 tết. Chợ họp trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là chợ Gò.
Cụ Nguyễn Thị Thảo (86 tuổi), người dân thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước hào hứng kể: “Từ lúc 12 tuổi tôi đã theo ba mẹ đi chợ Gò. Lúc đó chợ nhỏ, không có cầu qua bến Trường Úc phải bắc 2 cây để đi đến chợ. Đến giờ đã 86 tuổi, không năm nào tôi không đi chợ. Giờ con cháu bảo lạnh lắm, đừng đi nhưng không đi thì nhớ. Chợ Gò là chợ truyền thống được gìn giữ từ bao đời nay, giờ đã khang trang hơn, nhiều hoạt động hơn và trở thành lễ hội rồi”.
Bà Lê Thị Châu (91 tuổi) cho biết: “Tui ở cách đây 15 cây số nhưng quen rồi, từ nhỏ giờ năm nào tui cũng đi chợ bán trầu cau. Đi chợ là thói quen nhưng cũng là để bán lấy lộc đầu năm. Chưa bao giờ tui bỏ phiên chợ này”.
Phiên chợ nhưng thực chất mang tính lễ hội, ngoài hoạt động mua bán còn có nhiều hoạt động của lễ hội như biểu diễn võ thuật, các trò chơi dân gian, đánh bài chòi, có cả bầu cua tôm cá, đỏ đen… Tất cả tạo nên một lễ hội đầu xuân rất nhộn nhịp và đậm đà bản sắc.
Người đi chợ không lam lũ như phiên chợ quê mà ăn mặc đẹp, sắc màu sặc sỡ của một ngày lễ hội. Từ người già đến trẻ em, ai cũng ăn diện theo ngày tết để đi chợ, người già mua bán, trẻ con vui chơi, nam thanh nữ tú thì hẹn hò, tìm duyên.