Cho đến thời điểm này hơn 52.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch tại Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng phải tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh sự hỗ trợ của doanh nghiệp và Nhà nước, nhiều người cũng tự tìm cách xoay xở để sống qua mùa dịch.
Hướng dẫn viên cho nhóm khách du lịch Hàn Quốc tại nhà thờ Con Gà, thành phố Đà Nẵng những ngày chưa có dịch. Ảnh: Nhân Tâm
“Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”
Chỉ còn một số ít phần trăm số nhân viên làm việc trực tiếp trong ngành du lịch đang làm việc tại các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành hay cửa hàng còn có việc để làm. Dù ít việc nhưng họ còn may mắn hơn rất nhiều so với những người làm nghề hướng dẫn viên vì 100% hướng dẫn viên hiện thất nghiệp.
Chị An Định, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu chuyên chăm sóc các đoàn khách Hàn Quốc đến Huế và Đà Nẵng. Kể từ chuyến tour cuối cùng vào tháng 2, chị về nhà ở Đà Nẵng chăm con và bán hàng online. “Dịch xả ra, mất việc, tôi phải ở nhà. Nhưng nó cũng là cơ hội để tôi ở gần với con hơn, chăm sóc con kỹ hơn”, chị Định chia sẻ và cho biết việc bán hàng online cũng giúp chị trang trải chi tiêu hằng ngày, còn tiền tiết kiệm bấy lâu này chị dùng để phòng thân.
Chị nhờ một số đối tác và bạn bè ở Huế cung cấp các loại đặc sản như bánh nậm, bánh lọc, bánh ít và các loại hải sản và rao bán trên mạng. Ngoài việc cung cấp đặc sản tươi sống, chị còn bày cách cho khách hàng chế biến các món đặc sản này.
Làm việc cho một công ty du lịch lớn tại Đà Nẵng, chị Trần Kim Ngân cũng đang nghỉ việc không lương và bán hàng online để kiếm thu nhập qua ngày chờ hết dịch đi làm lại. Khác với chị Định, chị Ngân làm đại lý và nhà phân phối cho nhiều sản phẩm gia dụng và cá nhân khác nhau từ hàng gia dụng nội địa của Nhật đến hàng Mỹ.
Chị tích cực viết bài giới thiệu sản phẩm hằng giờ và tương tác với khách hàng trên trang Facebook của mình.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online nhiều nhân viên du lịch cũng đang tạm thời chuyển nghề chờ ngày quay lại nghề họ đam mê. Thậm chí, giám đốc một số doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ cũng kết hợp với nhân viên của mình tổ chức bán thực phẩm online.
Họ là trong số hơn 13.000 lao động trực tiếp tại Thừa Thiên - Huế và hơn 39.600 lao động trực tiếp tại Đà Nẵng đang tạm ngưng việc, chiếm hơn 90% tổng số lao động trong ngành, chưa kể lao động gián tiếp, theo thông tin từ các sở du lịch địa phương cung cấp.
Cần hỗ trợ từ nhiều phía
Khó khăn là tình cảnh chung của người lao động trong ngành du lịch hiện tại. Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng duy trì việc chi trả một phần thu nhập nhất định cho người lao động, với mục tiêu bảo đảm được đời sống (tối thiểu) cho nhân viên và giữ chân lao động khi dịch bệnh kết thúc.
Những vị đại diện của công ty Vietravel tại Huế và Đà Nẵng đều cho biết tổng công ty đang vận dụng tối đa nguồn lực để lo đời sống nhân viên tốt nhất có thể. Công ty vẫn duy trì lương cho một số lao động và cam kết sử dụng lại số lao động cho nghỉ việc khi dịch kết thúc.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cung cấp sau khi khảo sát sơ bộ, các khách sạn, resort lớn, tính đến tháng 4 này, vẫn đang duy trì mức lương phù hợp cho người lao động. Ví dụ như khách sạn Mondial đang còn giữ mức lương trong tháng 4-2020 bằng 60% so với trước đó.
Đoàn khách Hàn Quốc nghe thuyết minh tại Kinh thành Huế, thành phố Huế. Ảnh: Nhân Tâm
Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cũng đang làm theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh triển khai sớm các gói hỗ trợ của Chính phủ đến doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giãn nợ vay ngân hàng và thuế cho các doanh nghiệp du lịch. Điều này được thực hiện càng sớm thì doanh nghiệp có cơ sở hỗ trợ nhân viên họ tốt hơn.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố cũng chuẩn bị gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch để làm cơ sở báo cáo chung cho lãnh đạo thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó, Sở đề nghị Trung ương nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí). Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới là giải pháp cụ thể.
Bên cạnh đó, Sở cũng cam kết sẽ tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau ảnh hưởng dịch bệnh (bồi dưỡng hướng dẫn viên; chuẩn bị về nghiệp vụ, chiến lược phục vụ khách du lịch các thị trường Ấn Độ, Nga; tư duy dịch vụ, cách lập ngân sách kinh doanh, các lớp nghiệp vụ buồng VTOS; các lớp phổ biến các Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch…).
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.