Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tích cực cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp... là những giải pháp thiết thực tỉnh Điện Biên đã và đang thực hiện nhằm thu hút đầu tư và hợp tác với các nhà đầu tư.
Dự án Nhà máy sản xuất ghép thanh và ván dăm (Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc) tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức lương trung bình 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. |
Điện Biên có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, như: thủy điện, khoáng sản, cửa khẩu, du lịch với quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ - 1 trong 23 di tích quốc gia đặc biệt... Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hàng loạt các kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm. Tỉnh đã xây dựng bộ ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó cụ thể hóa danh mục dự án, tiềm năng cơ hội đầu tư, địa bàn đầu tư cũng như chính sách ưu đãi đầu tư. Hệ thống dữ liệu, thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư cũng được chuẩn hoá từ cơ sở dữ liệu về hạ tầng, hệ thống quy hoạch, chính sách, thủ tục cho đến quy trình đầu tư. Đến nay, tỉnh ta đã lập quy hoạch sử dụng đất ở 3 cấp: tỉnh, huyện, xã; công khai quy hoạch sử dụng đất ở địa phương làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhiều hoạt động gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh được tổ chức hàng năm có ý nghĩa quan trọng để UBND tỉnh nắm tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Bằng nhiều giải pháp thu hút đầu tư, trong 5 năm (2011 - 2015), UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 47 dự án với tổng số vốn đăng ký 8.870,6 tỷ đồng. Một số dự án lớn, như: thủy điện Nậm He (468 tỷ đồng), thủy điện Nậm Mức (1.493 tỷ đồng), thuỷ điện Trung Thu (782 tỷ đồng)... Đến thời điểm này, đã có 12 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 2.418,5 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đang tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh 52 dự án, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực thủy điện, nông - lâm nghiệp, công nghiệp - sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, kết quả thu hút các nguồn vốn ODA, phi chính phủ nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, thủy lợi, cấp nước, y tế, giáo dục, nâng cao năng lực… cũng đạt những kết quả tích cực, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận và sử dụng vốn ODA từ các nhà tài trợ cho 6 chương trình, 22 dự án: Chương trình JICA; chương trình WB (dự án giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Điện Biên; chương trình đô thị miền núi phía Bắc – tỉnh Điện Biên); chương trình ODA Na Uy; chương trình ODA Phần Lan; Kuwait; 2KR… với tổng vốn cam kết 1.816 tỷ đồng. Đến nay đã có 8/11 dự án (thuộc chương trình JICA) hoàn thành và đưa vào sử dụng; dự kiến đến hết năm 2015 tiếp tục hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 8 dự án; 6 chương trình dự án sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo Ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tỉnh ta cần khắc phục được những những khó khăn, hạn chế như: Một số quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu và quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết; công tác quy hoạch lãnh thổ, ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm còn yếu và thiếu; chưa ban hành được cơ chế “một cửa liên thông’’ trong giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, do đó một số địa phương, sở, ngành chưa nắm rõ quy trình, cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính không đồng bộ dẫn đến thời gian giải quyết thủ tục hành chính kéo dài, mức độ hài lòng của các nhà đầu tư chưa cao; chất lượng, tiến độ triển khai dự án sau cấp phép đầu tư còn chậm, nhiều dự án phải thu hồi do vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư...
Để tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung, thời gian tới Điện Biên chú trọng những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến khích doanh nghiệp phát triển trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu tư, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cho các doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, tiếp cận đất đai, nguồn vốn tín dụng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách miễn, giảm, giãn nợ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, xây dụng.
Minh Thùy - dienbientv.vn