Nhiều dự án điện gió huy động hàng nghìn nhân lực, máy cẩu siêu trường để lắp trụ gió, phát điện trước thời điểm hết ưu đãi giá.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Giữa trưa nắng tháng 8, tại công trường dự án điện gió Hoàng Hải (ở xã Húc, huyện Hướng Hoá), hơn 800 công nhân hoạt động cùng hàng trăm phương tiện, máy móc, cẩu siêu trường siêu trọng để lắp đặt các trụ gió. Những ngày này, dự án Hoàng Hải chạy đua tiến độ trước khi mùa mưa kéo đến vào tháng 9 tới.
Tại một quả đồi sau lưng UBND xã Húc, các công nhân đang vận hành cần cẩu lắp đến đốt thứ ba của trụ điện gió. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, ít gió, một trụ cần 5 đến 7 ngày để hoàn thành việc lắp đặt. Sau đó, cần cẩu được tháo rời, vận chuyển đến trụ khác. Ở quả đồi bên cạnh, cần cẩu cao 120 m đã lắp ráp xong, đang lắp đốt thứ nhất của trụ điện gió.
Một trụ điện gió đã hoàn thành phần móng bê tông, chờ lắp đặt thiết bị, trong khi trụ phía sau đang lắp đặt phần thân trụ. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Nguyễn Văn Nghị, Phó giám đốc Ban quản lý dự án điện gió Tài Tâm – Hoàng Hải, cho biết, dự án đang thần tốc vận chuyển thiết bị và lắp đặt để đảm bảo tiến độ. Trước đó, dự án chỉ có 4 cẩu lắp, nhưng nay huy động thêm 4 để kịp tiến độ. 2 dự án Hoàng Hải và Tài Tâm có 31 trụ gió, khoảng 70% trụ đã hoàn thành đổ móng bê tông. Song hành, dự án lắp đặt xong 5 trụ điện gió.
Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển thiết bị, do một số hộ dân trên đường 587, nối từ thị trấn Khe Sanh vào vùng dự án, tái lấn chiếm lòng đường để đòi tiền đền bù. Ngoài ra, một số hộ dân dựng rào tre rất cao, chòi và lợp mái tôn ở các khúc cua nhằm đòi tiền đền bù khi xe chở cánh quạt điện gió đi qua và va quệt vào các công trình trên. Thiết bị điện gió đều là những thiết bị siêu trường siêu trọng, nhất là cánh quạt dài đến 74 m nên khi vào cua sẽ vướng vào các công trình, cây cối cao 2 bên đường.
"Vận chuyển thiết bị vào công trường mới có thể lắp đặt để dự án kịp phát điện thương mại trước 31/10 tới. Nếu chúng tôi không chịu đền bù giá cao thì người dân sẽ không cho vận chuyển thiết bị qua phần đất của họ, dù thiết bị chỉ đi qua trên khoảng không", ông Nghị nói.
Ông Nghị cho biết dự án đã đền bù khoảng 200 tỷ đồng cho người dân, và đề nghị nhà chức trách địa phương vào cuộc, hỗ trợ giải toả các trường hợp tái lấn chiếm lòng lề đường, và vận động những hộ dân xây dựng công trình cao sát lề đường đồng ý tháo dỡ.
Vận chuyển thiết bị về chân trụ điện gió tại dự án Hoàng Hải. Ảnh: Hoàng Táo
Tương tự, tại dự án điện gió Phong Huy, Phong Nguyên, tất cả móng trụ bê tông đã hoàn thành, nhưng chỉ mới lắp đặt xong 4/24 trụ điện gió. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc 2 dự án này cho biết đang nỗ lực hết sức, tăng cường thêm công nhân, vận chuyển thiết bị cả trong đêm đến công trường để lắp đặt. Trong điều kiện thuận lợi nhất, dự án cần 5 đến 6 tuần để hoàn thành việc lắp đặt. Dự án điện gió Liên Lập đã hoàn thành 9/12 trụ điện gió và dự kiến hoàn thành 3 trụ còn lại trong tuần này.
Sau khi hoàn thành việc lắp đặt phần cơ, các trụ điện gió cần trải qua thời gian để chuyên gia nước ngoài cân chỉnh, cài đặt trước khi chạy thử và phát điện. Hiện nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, giao thông khó khăn, các chuyên gia nước ngoài mất nhiều thời gian đi lại và cách ly. Một số dự án điện gió tại Hướng Hoá đề xuất Quảng Trị cho phép chuyên gia tự cách ly tại dự án, nhằm vừa phòng dịch, vừa hỗ trợ dự án kịp tiến độ.
Theo Sở Công thương Quảng Trị, tỉnh này có 29 dự án điện gió, tổng công suất 1.117,2MW, với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, đang thi công. Dự kiến, 16 dự án kịp phát điện thương mại trước ngày 31/10 để hưởng giá FIT.