Tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sớm phục hồi hoạt động kinh doanh và nhận được những hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ.
Các doanh nghiệp du lịch tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc-xin, mong sớm đẩy lùi Covid-19 để hoạt động du lịch được phục hồi
Ủng hộ chủ trương xã hội hóa vắc-xin
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có công văn gửi các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp có liên quan và hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố về việc xã hội hóa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kêu gọi các doanh nghiệp tích cực đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.
Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung những giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung một số chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong thời gian tới..
Sau hơn 10 ngày gửi văn bản đề nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương, doanh nghiệp và số lượng người đăng ký đóng góp kinh phí tiêm vắc-xin phòng Covid-19 rất đông đảo.
Nhấn mạnh tiêm vắc-xin phòng dịch là con đường chính, quan trọng nhất hiện nay để đẩy lùi Covid-19, ông Bình bày tỏ hy vọng, sự đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và giảm tải gánh nặng ngân sách của Nhà nước dành để tiêm phòng Covid-19 cho toàn dân. Trên cơ sở này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với Bộ Y tế đề nghị cho phép hệ thống doanh nghiệp du lịch được đóng góp kinh phí để tiêm phòng vắc-vin cho các cán bộ, nhân viên trong đơn vị du lịch và gia đình.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đại diện doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần chung là ủng hộ chủ trương xã hội hóa chương trình vắc-xin. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, việc tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe toàn dân, mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, thể hiện sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp trước lời kêu gọi của Chính phủ.
“Chúng tôi rất muốn được đóng góp kinh phí cho mũi tiêm của mình và khách hàng, đồng thời tích cực kêu gọi cán bộ, nhân viên ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19”, ông Duy nhấn mạnh.
Mong sớm phục hồi
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang cho biết, bên cạnh việc chuyển hướng phục vụ khách du lịch nội địa để đảm bảo hoạt động trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Công ty vẫn liên tục kết nối với các hãng du lịch nước ngoài để phát triển sản phẩm, sẵn sàng đón khách quốc tế khi được phép. Sau khi chương trình tiêm chủng
vắc-xin phòng Covid-19 được thực hiện ở một số quốc gia như Anh, Mỹ..., các đối tác đã rục rịch kết nối trở lại.
Khách hàng của Lux Group đánh giá cao những kết quả của hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, bên cạnh 4 điểm mạnh là văn hóa, ẩm thực, con người và cảnh quan. Tuy nhiên, họ cho biết, yếu tố an toàn vẫn được đặt lên hàng đầu, nên rất trông chờ vào kết quả tiêm chủng vắc-xin và lộ trình đón khách an toàn của Việt Nam.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sớm có những chương trình xúc tiến, quảng bá Việt Nam - điểm đến an toàn với nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn để thu hút du khách chi trả cao sau khi Covid-19 được khống chế, đồng thời cũng tạo hiệu ứng để các doanh nghiệp, hãng bay, nhà xe sẵn sàng khởi động trở lại”, ông Phạm Hà bày tỏ.
Tương tự, bà Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, bộ phận inbound của đơn vị đã nhận được những kết nối từ đối tác nước ngoài. Các sản phẩm đang được quan tâm nhất vẫn là tour trọn gói với các tuyến truyền thống như xuyên Việt khám phá văn hóa, ẩm thực 3 miền.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là đảm bảo an toàn cho du khách khi Covid-19 vẫn còn diễn tiến phức tạp. Do đó, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia châu Á có nền công nghiệp du lịch phát triển mạnh như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... vẫn rất cân nhắc việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại, hay triển khai mô hình hộ chiếu du lịch như thế nào cho an toàn.
Theo ông Vũ Thế Bình, hiện đã có một số đối tác tại châu Âu hỏi về kế hoạch mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam, nhưng câu trả lời vẫn còn để ngỏ. Bởi, Việt Nam vẫn đang trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và thực tế mới có khoảng 1% dân số được tiêm chủng. Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang tích cực kêu gọi, động viên các doanh nghiệp tham gia chương trình xã hội hóa tiêm vắc-xin Covid-19.
Theo thống kê, đến nay, chỉ còn 10% doanh nghiệp du lịch đang duy trì hoạt động, 90% đã tạm ngừng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần thêm các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài chính sách thuế, phí, tiền điện được nêu trong những đề xuất trước, Hiệp hội còn đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa; cho phép chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng, bằng với mức quy định cho doanh nghiệp lữ hành nội địa.
Trước những tín hiệu đáng mừng từ chương trình xã hội hóa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và mong muốn sớm được đi du lịch của du khách, các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng, Chính phủ sớm có những hỗ trợ thiết thực cho ngành kinh tế xanh và hoạt động kinh doanh du lịch sẽ sớm được phục hồi.