Thị trường du lịch đang “đóng băng” nhưng các công ty lữ hành vẫn duy trì hoạt động, để sẵn sàng cho ngày quay lại thị trường.
Hơn 20 năm làm trong ngành du lịch, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, chưa khi nào trải qua hoàn cảnh mất trắng như hiện nay. Có những năm du lịch Việt Nam khủng hoảng du khách quốc tế, nhưng vẫn còn thị trường nội địa bù đắp.
Tuy nhiên, thay vì ngập trong khủng hoảng, công ty đang vận hành hoạt động theo cách riêng. Theo đó, đơn vị lữ hành này đã xây dựng xong sản phẩm Vietluxtour, tập trung vào các chương trình du lịch cao cấp và hạng sang. Sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của du khách khi mua tour của công ty và thường được thiết kế riêng, sẽ được tung ra lúc thị trường hồi phục. Công ty đã thăm dò du khách và nhận được sự ủng hộ, cũng như góp ý để chương trình hoàn thiện hơn.
Trong quãng thời gian không có khách này, công ty cũng "gia cố" các chương trình tour nội địa bằng cách kết nối với đối tác cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, điểm đến... để có giá tốt nhất. Từ đó, công ty sẽ cho ra sản phẩm phù hợp với thị trường và chào bán cho du khách một khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra là các sản phẩm free & easy (khách mua dịch vụ của công ty du lịch) được dự báo du khách sẽ quan tâm nhiều trong thời gian tới.
"Cứ hình dung như đang chơi môn điền kinh. Muốn chạy nhanh phải khởi động làm nóng. Chuẩn bị kỹ cùng với theo dõi tốt diễn biến thị trường du lịch, khi ‘phất cờ’ là bắt nhịp được ngay. Chứ không phải cứ ngồi im, lúc đó sẽ không có sức để chạy", ông Dũng nói.
Cả du lịch trong nước, du lịch ra nước ngoài và đón khách nước ngoài vào Việt Nam đều phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ thời điểm này, nếu không, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau khi quay trở lại thị trường. "Tùy theo sự phục hồi của thị trường để có thể bắt tay ngay khi dịch bệnh được kiểm soát chứ không phải ngồi chờ. Như thế mất rất nhiều thời gian và chắc chắn sẽ thua", ông Dũng nói thêm.
Thị trường du lịch không hoạt động nhưng một số bộ phận của các công ty vẫn phải làm việc để xử lý những vấn đề liên quan. Trong ảnh là nhân viên TST Tourist đang xử lý visa, vé máy bay cho khách vào tháng 3. Ảnh: Nguyễn Nam.
"Du khách cá nhân hoặc khách thích xê dịch, nhu cầu du lịch cao nên chỉ cần dịch bệnh được khống chế, kiểm soát sẽ sẵn sàng đi ngay. Trong khi đó, với khách đoàn thì chưa thể vì sự an toàn của nhân viên, rủi ro có thể xảy ra... nên nhu cầu sẽ chậm hơn với khách lẻ", ông Dũng dự đoán. Theo ông, từ tâm lý cách ly xã hội để trở lại hoạt động du lịch bình thường cần có thời gian thích nghi vì du khách còn e dè.
Bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó Tổng Giám đốc BenThanh Tourist cũng khẳng định, giai đoạn này có nhiều công việc phải giải quyết. Ví như phòng kinh doanh không bán sản phẩm nhưng vẫn duy trì liên hệ với khách hàng thân thiết để có thể thăm hỏi, chăm sóc; làm việc với đối tác thương lượng giá cả dịch vụ... sẵn sàng để du lịch ấm lên sẽ tung sản phẩm ra thị trường. Công ty cũng đang nâng cấp phần mềm quản lý, nền tảng công nghệ, lọc dữ liệu khách hàng... vì thế, một số nhân viên vẫn phải làm việc.
"Đây là giai đoạn khó khăn nhưng phù hợp để hệ thống và nâng cấp lại các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó thống kê, nắm tình hình thị trường để nhanh chóng triển khai khi hết dịch", bà Vinh nói.
Đại diện công ty du lịch TST tourist cho biết, bộ phận kinh doanh ở công ty luôn chủ động liên hệ để thăm hỏi, nhằm gắn kết chặt chẽ hơn với du khách. Qua đó, nắm bắt được nhu cầu của du khách để có thêm những dữ liệu cần thiết, đáp ứng được thị hiếu tốt hơn.
Trong khi đó, một số phòng ban ở các công ty khác lại phân tích những ngành nghề không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 để công ty hướng tới trong việc tiếp cận khách hàng khi dịch bệnh được khống chế. Các đơn vị lữ hành khẳng định, du lịch nội địa sẽ là thị trường được triển khai đầu tiên ngay khi kiểm soát được dịch bởi có nhiều du khách đang cảm thấy "bức bối, cuồng chân".
Tâm lý khách Việt Nam rất ưa chuộng du lịch biển, đảo. Đây sẽ là những điểm đến được dự báo hút khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Nam.
Với những công ty chuyên khách nước ngoài, thời gian này, họ tập trung xử lý những việc tồn đọng liên quan đến dịch vụ trong nước. Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Asia Trails cho biết, từ giữa tháng 3 đến hết tháng 5/2020, tất cả tour inbound của công ty bà đã bị hủy. Thời điểm này, công ty bà chủ yếu tập trung làm việc với các đối tác trong nước để thương thảo giá dịch vụ; xây dựng lại sản phẩm để chào các đối tác nước ngoài cho mùa du lịch năm sau.
"Chúng tôi làm tour inbound nên phục thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên thế giới. Dù vậy, thời điểm này có nhiều thời gian để tập trung làm mới sản phẩm", bà Thủy Tiên nói.
Dù thị trường du lịch đang ‘đóng băng’ nhưng các đơn vị lữ hành vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng. Hầu hết công ty lữ hành vẫn làm việc trực tuyến. Họ chú trọng xây dựng lại đường tour, chuẩn hóa chương trình du lịch để phục vụ khách hàng tốt hơn sau khi dịch được kiểm soát.
Các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch ở các địa phương trong cả nước đều bị hủy, như Ngày hội du lịch của Sở Du lịch TP HCM, hay Hội chợ du lịch quốc tế do ngành du lịch Việt Nam tổ chức vào tháng 9 cũng chưa thể khẳng định tổ chức hay không. Vì thế, các công ty lữ hành tập trung quảng bá, xúc tiến online để tiếp cận du khách.
Theo ông Trần Thế Dũng, từ khoảng 3 năm trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều chú trọng nâng cấp nền tảng công nghệ; chuyển đổi phương thức kinh doanh, marketing truyền thống sang trực tuyến vì vậy, đây là lúc họ tận dụng được lợi thế này.
"Quảng bá trực tuyến mang lại hiệu quả, nhất là trong thời điểm này. Chi phí cho hoạt động trực tuyến cũng rẻ hơn so với truyền thống. Vì thế, phương thức online sẽ được chúng tôi hướng tới", ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc công ty du lịch Hi Travel nhận định.