Năng lực và kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong nước có xu hướng tụt hậu so với các nước trong khu vực trong vòng 5 năm qua và một điểm đáng lưu ý là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn của Campuchia đến 52 bậc.
Nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, không được như công nghệ mới và hiện đại của doanh nghiệp này -Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Đây là một trong những nội dung đáng lưu ý trong một báo cáo với tựa đề: "Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm 2011-2015" vừa được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố.
Cụ thể, cơ quan thống kê đã dẫn một báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ rằng, phần lớn các doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang.
Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thấp và trung bình năm 2012 chiếm trong tổng số doanh nghiệp lên tới 88%, chỉ có 12% số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Và tỷ trọng công nghệ cao chiếm trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành tuy đã tăng 12,74% năm 2011 lên 17,22% năm 2012 và 18,37% năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra là 30% vào năm 2015; đồng thời cũng thấp hơn mức đã đạt được của nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Malaysia là 51% và Singapore là 73%.
Trong báo cáo của GSO cũng cho thấy tỷ lệ đổi mới công nghệ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 đặt ra là tăng bình quân mỗi năm 13%, nhưng kết quả chỉ tăng 10,68%/năm.
Mức độ sẵn sàng về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới. Đây cũng là một trong những con đường ngắn và nhanh nhất để cải thiện một cách cơ bản năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế. Tuy nhiên, ở trụ cột này, theo xếp hạng năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 102 thế giới, trong đó mức độ ứng dụng công nghệ là rất thấp.
Mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ của Việt Nam đang giảm sút mạnh trong thời gian gần đây. Theo đánh giá của WEF, trong giai đoạn 2008-2014, mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ mới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 71/134 trong năm 2008-2009 xuống vị trí 134/148 năm 2013-2014, thấp hơn rất nhiều so với Malaysia (37), Philippines (47), Indonesia (60), Thái Lan (75) và ngay cả vị trí 82 của Campuchia.
Báo cáo còn cho thấy, khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn “tụt dốc” nhanh hơn (tụt 81 bậc), từ hạng 54 năm 2008-2009 xuống 135 trong năm 2013-2014, thấp hơn nhiều so với Malaysia (33), Philippines (40), Indonesia (46) Thái Lan (50) và Campuchia (82).
Về hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2013-2014, Việt Nam xếp thứ 103, giảm 46 bậc sau 5 năm, trong khi Malaysia thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39, Philippines 42 và Campuchia 44.
Về hiệu quả đổi mới, năm 2013-2014 Việt Nam xếp thứ 86 (tụt 45 bậc so với hạng 41 của năm 2008-2009), trong khi Malaysia xếp thứ 15, Indonesia 24, Philippines 48, Thái Lan 87 và Campuchia 71. Chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam xếp hạng 89 (tụt 4 bậc sau 5 năm), trong khi ở chỉ tiêu này, Malaysia xếp thứ 27, Indonesia 46, Thái Lan 60, Philippines 91 và Campuchia 101.
Chi cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp Việt Nam năm 2013-2014 xếp thứ 59 (giảm 17 bậc sau 5 năm), trong khi Malaysia xếp thứ 17, Indonesia 23, Philippines 51, Thái Lan 60 và Campuchia 57.
Riêng chi của Chính phủ cho các sản phẩm công nghệ mới của Việt Nam xếp hạng khá nhất trong số các tiêu chí, đạt vị trí thứ 30 trong năm 2013-2014, nhưng vẫn giảm 9 bậc so với 5 năm trước. Về lĩnh vực này, Singapore dẫn đầu trong khối ASEAN với vị trí thứ 2 thế giới, Malaysia thứ 4, Indonesia 25, Campuchia 46, Philippines 85 và Thái Lan 105.
Về hợp tác phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp và các trường đại học, Việt Nam xếp hạng 87 năm 2013-2014, tụt 17 bậc sau 5 năm (Malaysia xếp thứ 16, Indonesia 30, Thái Lan 51, Philippines 69 và Campuchia 105).
Số lượng nhà khoa học và kỹ sư của Việt Nam hiện xếp thứ 88 trên thế giới (giảm 37 bậc so với 2008-2009), trong khi thứ hạng của Malaysia là 19, Indonesia 40, Thái Lan 56, Philippines 87 và Campuchia là 110.
Tỷ lệ bằng sáng chế và ứng dụng bình quân một triệu dân của Việt Nam năm 2013-2014 xếp thứ 92 thế giới, tụt 4 bậc sau 5 năm, trong khi tỷ lệ này của Malaysia xếp thứ 31, Thái Lan 71, Philippines 84, Indonesia 103 và Campuchia 126.
Quốc Hùng / thesaigontimes.vn