Trong danh sách 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 trong lĩnh vực kinh doanh do Forbes Việt Nam bình chọn bà chủ “đế chế vàng bạc Phú Nhuận” Cao Thị Ngọc Dung là một trong những gương mặt được vinh danh.
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 (Đinh Dậu) tại Quảng Ngãi, là cử nhân kinh tế thương nghiệp (ĐH Kinh tế TP HCM).
Bà Cao Thị Ngọc Dung hiện đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Để có được sự thành công của PNJ chính là nhờ sự chèo lài của Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty, người thuyền trưởng suốt 26 năm qua, bà đóng vai trò quyết định cho sự thành công của PNJ, giúp cho doanh nghiệp này có những con số ấn tượng, vượt qua những hoài nghi về khả năng công ty này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong tương lai.
Vì thế, chẳng có gì lạ khi nhắc đến PNJ, hay thậm chí chỉ cần nhắc đến “vàng bạc, nữ trang, đá quý” là người ta nhắc đến bà Ngọc Dung và ngược lại. Hình ảnh của bà không chỉ là linh hồn của một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam mà còn là đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân bản lĩnh, quyền lực mà vẫn đầy nữ tính.
Năm 1988, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch Cty Nông sản – Thực phẩm Quận Phú Nhuận, bà Dung được bổ nhiệm làm GĐ Cty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, với vỏn vẹn 20 nhân sự và tài sản chỉ đúng bằng 7,4 lượng vàng.
Bà Dung cho biết những năm mới thành lập, hoạt động của PNJ tập trung vào kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ở thời kỳ đó, 4 năm đầu thành lập, việc kinh doanh vàng còn hạn chế đối với các DN tư nhân, thì hoạt động trong lĩnh vực vàng miếng lãi lớn và là nguồn thu nhập chính của Cty.
Tuy nhiên, những món lợi lớn trước mắt không khiến bà quên đi con đường dài cần phải vạch ra và đi tới, vì bà ấp ủ một mong muốn PNJ không chỉ là một cửa hàng. Có lẽ vì vậy mà chỉ sau hai năm đảm nhiệm quản lý, năm 1990, Cửa hàng đã được nâng cấp thành Cty Mỹ nghệ Kiều hối Phú Nhuận, trực thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy. Thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng của PNJ cũng ra đời từ thời điểm này, đánh dấu tầm nhìn xa của người quản lý về vấn đề sản phẩm riêng, thương hiệu riêng – gạch nối của PNJ để bước thời kỳ kinh doanh với quy mô DN thực sự.
Tuy nhiên, ngay sau khi PNJ đặt được viên gạch đầu tiên của mình, với những kinh nghiệm quản lý bắt đầu từ cấp Trưởng, phó phòng sau khi bà Dung tốt nghiệp đại học, với tín nhiệm và thành quả có thể thấy được từ việc xây dựng một DN chỉ mới manh nha trong trứng nước là Cửa hàng Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, bà Dung được Thành ủy TP HCM điều động sang làm Giám đốc Trung tâm tín dụng Phú Gia. Nhiều người sẽ tưởng đây là một bước “thăng chức” cho xứng đáng với nỗ lực của bà. Nhưng không! Nhiệm vụ mới của bà là giải quyết đổ vỡ ở Trung tâm này.
Song song đó, bà vẫn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tại PNJ. Thêm một thử thách cho bà Dung, lúc đó còn là một cô gái trẻ vô cùng năng động. Sau khi đạt được kết quả trả vốn cho dân, giải quyết được ổn thỏa ở trung tâm Tín dụng Phú Gia, bà Dung có thêm nhiều kinh nghiệm.
Đó là nền tảng để bà và một số thành viên mạnh dạn đứng ra lập DongA Bank, theo sự khuyến khích của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm. Thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng về sau còn được xuất xưởng thêm một sản phẩm là Phượng Hoàng – Đông Á, và nhanh chóng trở thành lựa chọn quen thuộc của người dân trên thị trường vàng. Mãi cho đến năm 2012, do chính sách của Ngân hàng Nhà nước, mới bị xóa sổ.
Nhưng thương hiệu riêng về vàng miếng vẫn không phải là đích đến duy nhất của PNJ, cũng không phải là lối đi riêng mà nữ tướng đã chọn. Mặc dù việc xóa sổ vàng miếng mang thương hiệu Phượng Hoàng, Phượng Hoàng– Đông Á và việc thu hẹp lại cánh cửa kinh doanh vàng miếng đã khiến PNJ bị tác động. Tác động thấy rõ là quý I/2013, kết quả kinh doanh của PNJ đã giảm sút 30%.
Tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước thông báo đặt Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt. PNJ là cổ đông lớn của ngân hàng này với số lượng sở hữu 38,5 triệu cổ phần, giá trị ghi sổ 395 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu DongABank được PNJ mang thế chấp cho 2 khoản vay từ Ngân hàng Á Châu (ACB).
Từ trước khi NHNN công bố thông tin chính thức, giá cổ phiếu PNJ đã lao dốc liên tục và mất 20% trong vòng nửa tháng.
Đứng trước biến cố này, bà Dung nhanh chóng tổ chức họp báo công khai thông tin về khoản đầu tư tại DongABank cùng các đơn vị liên quan và trích lập dự phòng đầy đủ. Theo đó, công ty trích lập dự phòng 311 tỷ cho khoản đầu tư tại NH Đông Á và 30 tỷ cho khoản đầu tư trị giá 92 tỷ vào CTCP Địa ốc Đông Á.
Điều này đương nhiên ảnh hưởng nặng đến kết quả kinh doanh năm 2015. Doanh thu thuần của công ty dù vẫn tăng gần 7% và đạt 7.698 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 160,4 tỷ đồng – giảm 37,5% so với năm 2014.
Tuy nhiên đó là việc bắt buộc phải làm. Điều mà cổ đông đánh giá cao ở đây là sự nhanh chóng và kịp thời trong việc công bố thông tin và trấn an cổ đông.
Có thể thấy, trong vài năm qua, bà Dung và Ban lãnh đạo PNJ đã định hướng chiến lược hoạt động giảm tỷ trọng vàng miếng – vốn là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận thấp và tập trung vào trang sức. Bỏ vàng miếng đi và kinh doanh trang sức tại mọi phân khúc, từ cao cấp đến phụ kiện thời trang nhưng trang sức cao cấp sẽ là át chủ bài.
Hiện tại, doanh thu từ vàng trang sức chiếm gần 80% doanh thu và lợi nhuận gộp chiếm 99%. Nếu như tổng doanh thu chỉ tăng 7% thì doanh thu trang sức tăng tới 14%.
Nếu nhìn vào thành quả và cả tham vọng hiện nay của PNJ, nhiều người sẽ phải thừa nhận sự khâm phục hoàn toàn có lý này: Nói riêng về trang sức, cùng với DoJi, PNJ hiện đang thống trị thị trường với 20% thị phần trang sức vàng và 70% thị phần trang sức bạc (tính đến cuối năm 2012).
Cao Thị Ngọc Dung là một nữ doanh nhân có nhiều tham vọng, nhưng có lẽ tham vọng lớn nhất của vị “nữ tướng” này là mong muốn đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực.
Hiện nay, bà đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, “chiếc ghế nóng” này đã được bà nắm giữ hơn 10 năm (từ năm 2004 đến nay).
Cùng với đó, bà còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những DN khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Cty CP Địa ốc Đông Á – Chức vụ này, bà nắm giữ với “thâm niên” còn lâu hơn cả tại PNJ.
Ngoài ra, trước đấy bà còn đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Cty CP Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí ở những công ty khác nhau. “Đế chế” PNJ dưới thời “trị vì” của bà tự hào đang sở hữu các nhãn hiệu trang sức có uy tín và đẳng cấp nhất tại Việt Nam như: trang sức vàng PNJ, trang sức bạc PNJ Silver, dòng trang sức cao cấp CAO Fine Jewellery…
PNJ đã được xếp vào Top 10 công ty sản xuất và kinh doanh kim hoàn lớn ở khu vực châu Á. .
Bà Dung cũng từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á vào năm 2016. Top 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 trong lĩnh vực kinh doanh do Forbes Việt Nam bình chọn.
Hiện tại, với việc sở hữu hơn 9,96 triệu cổ phiếu PNJ, tổng tài sản của bà Dung khoảng 752 tỷ đồng.
Thành công từ yếu tố cốt lõi văn hóa gia đình, tuy nhiên trong định hướng phát triển sấp tới bà cũng chia sẻ mình muốn chuyển giao cho thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, chèo lái con thuyền PNJ, nhưng vì nhiều lý do sự chuyển giao này chưa thực hiện được. Theo bà Dung đến 2017, PNJ sẽ có sự chuyển giao lớn về đội ngũ lãnh đạo tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đưa PNJ vươn xa với tầm cao mới.
Quá trình công tác của bà Cao Thị Ngọc Dung Từ năm 2004 : Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận Từ năm 1990 : Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia Từ năm 2005 đến năm 2011 : Chủ tịch HĐQT Công Ty CP Năng lượng Đại Việt Từ năm 1988 đến năm 2003 : Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận Từ năm 1992 đến năm 1997 : Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á Từ năm 1991 đến năm 1992 : Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận Từ năm 1985 đến năm 1987 : Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Nông sản thực phẩm Quận Phú Nhuận Từ năm 1983 đến năm 1985 : Công tác tại Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận |