Do ảnh hưởng của Covid 19 nên doanh thu dự kiện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) có thể giảm 30%, thậm chí là 40% trong năm nay. Tuy nhiên, con số cụ thể sẽ được VRG công bố cụ thể tại Đại hội cổ đông của tập đoàn dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới.
Đó là thông tin được ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT VRG đưa ra tại buổi lễ trao chứng nhận Chứng chỉ rừng bền vững cho ba công ty con của VRG là Bình Long, Dầu Tiếng và Phú Riềng vào ngày 17-5 tại TPHCM.
Năm 2019, tổng doanh thu của VRG đạt khoảng 25.000 tỉ đồng, trong đó 51,4% đến từ mủ cao su, đóng góp tiếp theo cho doanh thu của tập đoàn là sản phẩm liên quan đến gỗ khi chiếm 32%. Còn lại là đến từ các sản phẩm cao su, khu công nghiệp và dịch vụ khác…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá cao su xuất khẩu trong tháng 3-2020 là 1.438 đô la Mỹ/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, ngoài giá giảm, xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng giảm trong thời gian qua.
Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, lũy kế 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 228.000 tấn, tương đương giá trị thu về hơn 331 triệu đô la Mỹ, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện của VRG và Bộ NN&PTNT trao chứng chỉ rừng bền vững cho các công ty thuộc VRG. Ảnh: BTC cung cấp.
Ba công ty cao su là Bình Long, Dầu Tiếng và Phú Riềng đã nhận chứng chỉ quản lý rừng Việt Nam (VFCS/FM) cho gần 11.500 héc ta rừng cao su và chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (VFSC/CoC) cho 6 nhà máy chế biến mủ cao su. Hiện ba công ty này đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho gần 60.000 héc ta trong thời gian tới.
Ông Thuận cho biết, theo kế hoạch đến 2025, gần như toàn bộ diện tích cao su trong nước của VRG sẽ đạt chứng chỉ rừng bền vững được chứng nhận trong nước và quốc tế. Tính dến cuối năm 2019, diện tích cao su của VRG đạt hơn 405.000 héc ta, trong đó, diện tích trong nước đạt 288.400 héc ta, chiếm 30,5% diện tích cả nước, còn lại là tại Campuchia khoảng 90.000 héc ta và tại Lào khoảng 26.600 héc ta.
Trên bình diện cả nước, theo Bộ NN&PTNT hiện cả nước có 250.000 héc ta đạt chứng chỉ rừng bền vững và mục tiêu đến 2025 sẽ có 1 triệu héc ta đạt chứng chỉ rừng bền vững. Hiện Việt Nam có khoảng 4,3 triệu héc ta rừng trồng, trong đó, có 3,5 triệu héc ta là rừng sản xuất.