Gốm làng Ngòi thuộc xã Tư Mạ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là một thương hiệu mới trên thị trường nhưng sự độc đáo từ tạo hình, màu sắc đến những nét văn hóa dân gian hiển hiện trên mỗi sản phẩm đã giúp dòng gốm này có chỗ đứng riêng, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến giới thiệu về quy trình sản xuất tranh gốm
Chinh phục khách hàng bằng chiếc áo văn hóa dân gian
Nhắc đến gốm làng Ngòi hầu hết những người trong nghề đều nghĩ ngay tới nghệ nhân đã khai sinh ra dòng gốm độc đáo-Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến. Theo chia sẻ của nghệ nhân có tuổi đời còn rất trẻ này, so với các thương hiệu gốm cổ có tiếng của Việt Nam như: gốm Bát Tràng, gốm Quyết, gốm Chu Đậu… thì gốm làng Ngòi còn rất mới mẻ chỉ với trên 10 năm góp mặt trên thị trường. Tuy nhiên, gốm làng Ngòi đã sớm hình thành được kênh riêng bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất nhưng rất có phong cách với hai màu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Đặc biệt, việc tái hiện lại bằng hình ảnh các nét văn hóa dân gian của dân tộc trên chất liệu gốm nâu sành giản dị đã mang lại sự khác biệt và sức hút mạnh mẽ cho sản phẩm.
Tranh gốm là dòng sản phẩm đặc biệt, hút khách nhất của gốm làng Ngòi, dòng tranh tường khổ lớn, đắp nổi được ghép từ các mảnh gốm dày, có bức dày tới 10cm rất khó làm, đòi hỏi độ tỉ mỉ trong chế tác và kỹ thuật nung cao. Độ co ngót của tranh tường trong quá trình nung tới 14% vì vậy nếu hỏng một mảnh buộc phải làm lại cả bức. Cũng chính bởi khó làm nên giá thành của tranh tường khá đắt, khoảng 5 triệu đồng/m².
Cùng với dòng tranh tường, dòng sản phẩm gốm tượng dân gian, như: tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc hay nhiều loại tượng phù điêu khác cũng đang rất được ưa chuộng. Theo Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, dòng sản phẩm này tuy không phải lo về độ cong vênh giữa các mảnh ghép nhưng rất dễ bị “xé”, thậm chí nổ vì vậy trong quá trình nung cần theo dõi chặt chẽ nhiệt độ.
Cho dù là tranh tường hay gốm tượng các sản phẩm của gốm làng Ngòi đều khoác trên mình chiếc áo văn hóa dân gian rất đặc trưng và cuốn hút người thưởng lãm bằng nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí và cách thể hiện.
Để làng Ngòi trở thành làng nghề thực sự
Hiện nay, gốm làng Ngòi ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, thậm chí cung không đủ cầu. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất gặp khá nhiều khó khăn và tại làng Ngòi hiện chỉ có duy nhất một cơ sở sản xuất của Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến. Để tạo thêm cơ sở sản xuất vệ tinh, nghệ nhân cũng đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức đào tạo nghề cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, gốm là nghề đòi hỏi có khả năng nghệ thuật, độ khéo léo cao trong khi đó làng Ngòi không có truyền thống về nghề gốm, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu cũng như năng lực về vốn, tổ chức sản xuất yếu nên rất khó bám nghề. Hơn nữa, việc mở rộng quy mô của cơ sở sản xuất gốm làng Ngòi cũng đang rất vướng do không có mặt bằng, vốn.
Để hỗ trợ phát triển nghề gốm, UBND huyện Yên Dũng đã tạo điều kiện cho cơ sở thuê mặt bằng mới với diện tích 10.000m². Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến - cho biết: “Tôi muốn dân làng thấy nghề gốm sẽ trở thành một nghề chung của cả làng chứ không phải của riêng tôi và mong sẽ có thêm nhiều lò gốm nữa để làng Ngòi trở thành một địa danh nổi tiếng về gốm. Tuy nhiên, tổ chức sản xuất trong làng sẽ rất chật chội, ở xa thì không thuận tiện cho người lao động, vì vậy cần có quy hoạch cụ thể để người dân phát triển nghề bài bản”.
Ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Gốm làng Ngòi là dòng gốm rất đặc biệt, có triển vọng trở thành thương hiệu của Bắc Giang. Với điều kiện thuận lợi về cảnh quan, môi trường, nguồn nguyên liệu, Bắc Giang có thể phát triển gốm làng Ngòi theo hướng gắn với du lịch. |