Bánh gai không chỉ là món ăn truyền thống vào ngày rằm tháng 7 của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của bà con nơi đây.
Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, rằm tháng 7 là một trong ba cái Tết quan trọng và lớn nhất của năm. Với bà con nơi đây, rằm tháng 7 là dịp để các thành viên gia đình trở về nhà đoàn tụ, bày lên ban thờ mâm cỗ và tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
Trong ngày này, trên mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không thể thiếu một món ăn truyền thống là "péng tái" hay còn được gọi là bánh gai.
Bánh gai là món ăn truyền thống để dâng lên bàn thờ, cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng (Ảnh: Hoàng Hợp).
Theo người dân địa phương, bánh gai không chỉ là món truyền thống trong ngày rằm tháng 7 nơi đây mà còn ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt, mang giá trị văn hóa sâu sắc. Ít ai biết được rằng, nguồn gốc thực sự của chiếc bánh này là nhằm mục đích tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ 11.
Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc. Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Quảng Hòa - Cao Bằng ngày nay, nhiều quân binh cùng Nùng Trí Cao đã tử trận.
Để bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc, nhân dân địa phương đã quyết định lấy ngày 14/7 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ của quân binh. Trong ngày này, người dân thường làm "péng tái" hay còn gọi là bánh gai để cúng vong hồn binh sỹ.
"Péng tái" dịch ra nguyên nghĩa Tiếng Việt là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.
Tuy có vẻ ngoài bình dị nhưng món bánh này cũng đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, thể hiện sự tinh tế, khéo léo và chất chứa tấm lòng thành của đồng bào dân tộc nơi đây.
Bánh gai gồm hai thành phần nguyên liệu chính là lớp vỏ màu đen làm từ gạo nếp, lá bánh gai và phần nhân được chế biến từ đường phên, đỗ xanh. Ở một số nơi, người dân còn thêm cả dừa bào sợi vào nhân để tăng hương vị thơm ngon cho món ăn.
Để làm vỏ bánh, người ta sẽ dùng gạo nếp, ngâm qua đêm rồi đem xay thành bột lỏng. Cho bột vào túi vải, đem treo lên cao hoặc dùng vật nặng đè lên túi khoảng nửa ngày cho đến khi nước chảy hết, chỉ còn lại bột mềm. Đem bột ra nặn, đến khi thấy bột không bị nhão hay dính tay là được.
Người dân thu hái lá gai về làm bánh cúng rằm tháng 7 (Ảnh: Nông Thảo Ly).
Lá gai được thu hái trước đó mấy ngày, rửa sạch, bỏ gân lá, đem phơi thật khô. Đun lá đến khi thật nhừ rồi vớt ra rửa lại với nước, vắt thật khô và thái nhỏ cho thật mịn.
Lá gai được phơi khô trước khi đem chế biến (Ảnh: Nông Thảo Ly).
Lá chuối được phơi dưới nắng cho dẻo, dai hơn, giúp bánh khi gói dễ dàng và có mùi thơm (Ảnh: Nông Thảo Ly).
Đường phên đun chảy, trộn với lá gai đã thái mịn để tạo thành hỗn hợp mật sền sệt. Đổ hỗn hợp này vào bột gạo đã chuẩn bị, cho vào cối đá giã nhuyễn đến khi thấy bột có màu đen mịn, dẻo quánh, dậy mùi thơm của cả bột nếp, lá gai và mật đường phên.
Bột gạo trộn với đường sên và lá gai thái mịn, tạo thành hỗn hợp dẻo đặc màu đen, dậy mùi thơm (Ảnh: Hương Giang).
Tiếp tục nặn bánh, cho nhân lạc hoặc đỗ xanh vào giữa rồi nắm chặt lại, gói với lá chuối. Lá chuối cần được phơi nắng trước khi gói để lá mềm, dẻo, giúp bánh ngon và thơm hơn.
Bánh gai sau khi được hấp chín trở thành đặc sản không thể thiếu trong rằm tháng 7 của bà con Tày, Nùng ở Cao Bằng (Ảnh: Nông Thảo Ly).
Cuối cùng là công đoạn hấp bánh. Người Tày, Nùng ở Cao Bằng có một "mẹo" để biết bánh chín khá độc đáo. Đó là thắp một nén nhang khi hấp bánh. Khi nhang cháy hết cũng là lúc bánh chín.
Món bánh gai hấp dẫn mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của người dân địa phương (Ảnh: Hương Giang).
Những chiếc bánh được xiên lại thành từng đôi và treo lên. Chờ bánh khô, người dân chọn ra đôi bánh đẹp, chất lượng nhất để đặt lên bàn thờ tổ tiên trong hai ngày 14-15/7 âm lịch.