Trong giai đoạn phát triển mới, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt chú trọng tới những xu hướng mới của các thị trường khách du lịch, xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, khai thác triệt để các yếu tố đặc thù,... nhằm thu hút du khách.
Du lịch sông nước ĐBSCL luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, vùng ĐBSCL có hệ thống tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng cả về tự nhiên và nhân văn, trong đó nổi bật là thế giới sông nước, miệt vườn. Bên cạnh đó, các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, biển đảo, giá trị văn hóa nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực cũng là những tài nguyên du lịch quan trọng của vùng.
Tuy tiềm năng rất lớn, song phát triển kinh tế du lịch của vùng ĐBSCL nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng. Thời gian qua, lượng khách du lịch đến ĐBSCL tăng bình quân 11%/năm. Riêng năm 2015, toàn vùng đón tiếp và phục vụ trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 8,27% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 10,63 triệu lượt khách nội địa. Tổng số khách nội địa đến các địa phương trong vùng là 18,1 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch của toàn vùng đạt 8.636 tỷ đồng. Kết quả này mới chỉ chiếm chưa tới 3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước mặc dù ĐBSCL đứng ở vị trí trung bình so với các vùng khác trên cả nước về lượng khách du lịch nhưng lại xếp ở vị trí cuối cùng về giá trị tổng thu từ khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - du lịch vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng một phần là do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản. Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ trong quảng bá xúc tiến giữa các địa phương, đặc biệt là nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến du lịch còn hết sức eo hẹp. Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn của du lịch ĐBSCL là vấn đề các sản phẩm du lịch trùng lặp, các địa phương chưa có sản phẩm đặc thù. Việc liên kết khai thác, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL với các vùng trong cả nước còn hạn chế…
Từ thực trạng này, theo Tổng cục Du lịch, vùng ĐBSCL cần phát triển đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và những xu hướng mới của các thị trường khách du lịch đến vùng; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; ứng dụng E-marketing trong xúc tiến quảng bá du lịch; khai thác triệt để các yếu tố đặc thù, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch vùng có tính cạnh tranh cao.
Ngoài ra, các tỉnh thành trong vùng cần tăng cường vai trò hợp tác, liên kết vùng, đẩy mạnh kết nối trong nội vùng và mở rộng với các vùng khác. Ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù” của vùng ĐBSCL.