Các tỉnh Đông Nam bộ không chỉ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2016 mà còn nâng cao chất lượng thu hút đầu tư.
Khu Công nghiệp VSIP II - tỉnh Bình Dương
Những điểm sáng
Thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy, thu hút vốn FDI của tỉnh năm 2016 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Đây là kết quả thu hút FDI cao nhất từ trước đến nay và có ý nghĩa lớn khi Đồng Nai đã chuyển hướng sang thu hút FDI có chọn lọc. Như vậy, tính đến nay, tỉnh này đã thu hút được trên 1.653 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 30,2 tỷ USD.
Tại Bình Dương, cuối tháng 11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký kết biên bản ghi nhớ với lãnh đạo Tập đoàn Kolon Industries (Hàn Quốc) triển khai Dự án Nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô đặt tại KCN Bàu Bàng với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Như vậy, năm 2016 ,Bình Dương thu hút khoảng 2 tỷ vốn FDI cấp mới và tăng vốn. Tính đến tháng 12/2016, tỉnh này đã có trên 2.818 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn trên 25,6 tỷ USD.
Năm 2016, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thu hút được khoảng trên 400 triệu USD vốn đầu tư FDI mới và tăng thêm, nâng tổng số dự án FDI lên con số 302, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 27 tỷ USD.
Mặc dù đã mất ngôi vị đứng đầu và tụt xuống xếp ở vị trí thứ 5 về thu hút đầu tư FDI nhưng ước tính năm 2016, TP. Hồ Chí Minh cũng thu hút được 800 triệu USD vốn FDI cấp mới và trên 500 triệu USD tăng vốn.
Tạo điều kiện nhưng có lựa chọn
Bên cạnh các yếu tố thiên thời địa lợi thì việc các địa phương xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, chú trọng chất lượng dự án… đã mang lại thành công, giúp các tỉnh Đông Nam bộ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong hoạt động thu hút vốn FDI.
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, một trong những điểm nổi bật về sự duy trì được tốc độ thu hút vốn FDI vào Bình Dương chính là điểm tựa từ cơ sở hạ tầng giao thông và cải cách hành chính.
Về cải cách hành chính, tỉnh đã và làm tốt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ DN. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, điện, cấp nước, xử lý môi trường.
Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Nguyễn Anh Triết - cho hay: Từ đầu năm đến nay, cơ quan này cũng từ chối khoảng 20 nhà đầu tư ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, với lý do các dự án này không bảo đảm các tiêu chí theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Trong năm 2017, tỉnh vẫn tiếp tục chọn lọc nhà đầu tư để nâng chất cho các dự án FDI đầu tư vào tỉnh.
Với TP.Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thu hút FDI có phần chững lại, UBND TP.Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI như tăng cường xúc tiến tại chỗ để các dự án gần hết hạn đầu tư tiếp tục mở rộng hoạt động. Đồng thời, yêu cầu các ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải xem xét để mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà xưởng của hai nhà đầu tư lớn hiện nay là Hàn Quốc và Nhật Bản...
Ngọc Thảo / baocongthuong