Là một trong những hang động được đánh giá là đẹp nhất xứ Thanh, động Từ Thức gắn với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên khiến nhiều du khách luôn tò mò được “mục sở thị”.
Động Từ Thức nằm trong lòng một ngọn núi thuộc dãy Tam Điệp, tiếp giáp giữa huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Động được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất xứ Thanh.
Hang động này gắn liền với nhân vật Từ Thức trong truyện dã sử Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Ông quê ở Thanh Hóa, được hư cấu gặp được tiên... Sử cũ chép, Từ Thức là một nhân vật lịch sử có thật sinh sống dưới thời Trần, thế kỷ XIV, làm quan ở Tiên Du, Bắc Ninh. Ông nổi danh là người thông minh, ham học, làm quan song luôn có lòng thương dân. Ông thường dành lương bổng mua thóc gạo phát chẩn cho dân những năm đói kém mất mùa.
Cổng lên Động Từ Thức
Tương truyền, Từ Thức vốn thích ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn phong cảnh và làm thơ. Trong một lần dự hội xem hoa, chàng bắt gặp một thiếu nữ tuyệt sắc giai nhân, khi ngắm hoa đã vô ý làm gãy cành mẫu đơn và bị nhà chùa giữ lại. Với tấm lòng nghĩa hiệp, chàng liền cởi chiếc áo gấm mặc ngoài để giúp người thiếu nữ chuộc tội. Sau đó, Từ Thức từ quan về quê để vui thú non nước.
Một hôm, trông ra cửa biển Thần Phù, chàng thấy có áng mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen. Từ Thức bèn chèo thuyền ra phía núi và bước vào bên trong một hang động. Khi bước vào, chàng say đắm trước cảnh tiên bồng và biết được đây chính là nơi ở của nàng tiên hội hoa năm nào. Kể từ đó, chàng Từ Thức sánh duyên cùng nàng tiên Giáng Hương.
Động Từ Thức dài khoảng 200 m, rộng hàng nghìn m2, vòm hang chỗ cao nhất chừng 40 m. Khung cảnh bên trong và xung quanh động vẫn còn giữ được nét hoang sơ và thơ mộng. Động nằm trên sườn một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Đường lên động là những bậc thang dài chừng 100m. Cây cối mọc um tùm, những cành dây leo đan bện lại, mềm mại như những chiếc võng trời.
Động được thiên nhiên ban tặng cho nhiều nhũ đá, người dân địa phương đã tưởng tượng ra những câu chuyện thần tiên như kho vàng, núi bạc, tượng phật... gắn với từng mảng thạch nhũ khiến nhiều du khách thêm mê hoặc, cuốn hút. Dưới ánh điện màu càng làm cho hang núi thêm lung linh huyền ảo.
Khu động chính gồm có 2 phần: phần ngoài khá rộng, bên trên là mái trần hình vòng cung giống như một chiếc bát khổng lồ úp xuống. Bên dưới mái vòng cung là một nhũ đá mang hình dáng của trái đào tiên – vì vậy mà động trước đây có tên gọi là “Bích Đào”.
Càng đi sâu vào bên trong, cảnh tượng càng lung linh huyền ảo
Nền đá bên dưới khá phẳng và nhẵn, đặc biệt vẫn còn lưu lại vết tích của đền thờ Từ Thức. Gần đó, những đụn nhũ thạch lấp lánh nhiều màu sắc: Nhũ thạch màu xanh chảy từ trên xuống với những hình tròn xếp chồng lên nhau được gọi là “kho tiền”; Nhũ thạch màu vàng giống như từng thỏi đá óng ánh màu hoàng kim được gọi là “kho vàng”; Nhũ thạch nhỏ hơn và có màu trắng toát được gọi là “kho muối”; còn nhũ thạch màu nâu bạc với những hòn đá mịn và gắn chặt vào nhau được gọi là “kho gạo”.
Với tâm niệm, niềm tin cũng như trí tưởng tượng của người Việt bao thế hệ, mỗi tảng đá, nhũ đá vôi trong hang động lại được gắn với những “mảnh” truyền thuyết về chàng Từ Thức gặp Tiên. Động Từ Thức được chia thành các cảnh lớn như: Từ Thức gặp Tiên, Từ Thức ở trên trời, Từ Thức về quê.
Suốt chiều sâu của động là hàng loạt các khung cảnh từ chốn bồng lai tiên cảnh đến nơi thôn quê nhà dân dã được tưởng tượng thông qua các nhũ đá vôi. Nhũ thì lấp lánh nhiều màu: vàng, trắng như kho vàng, kho bạc; nhũ thì tỏa xuống từ lớn đến nhỏ, từ nhỏ đến lớn tựa như những trái bồng đào. Nhiều nhũ đá có hình thù như một trái tim, một áng mây trôi, một bàn tay hoặc một chiếc áo cà sa.
Suốt chiều sâu của động là hàng loạt các khung cảnh từ chốn bồng lai tiên cảnh đến nơi thôn quê nhà dân dã được tưởng tượng thông qua các nhũ đá vôi
Nhiều tảng đá có hình thù như những linh vật: con rồng biểu tượng cho “con lạc cháu rồng”, “trứng rồng lại nở ra rồng”; con rùa, con cóc, con voi,… Nhiều nhũ đá lại tựa như những bông hoa mẫu đơn, bông hoa quỳnh. Đặc biệt hoa mẫu đơn thì nhiều hơn cả vì trong truyền thuyết đây cũng là loài hoa làm nên cơ duyên chàng Từ Thức gặp Tiên.
Trên vách động, nhiều bài thơ do các bậc tao nhân mặc khách như Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn… khi đến thưởng ngoạn đã khắc lên.
Đã hơn sáu trăm năm trôi qua, nhưng vẫn còn đó những vết tích của cuộc tình duyên chốn tiên cảnh: đó là buồng tắm của Giáng Hương, là thư phòng của Từ Thức, là những trái đào tiên, là vầng trăng và cả đôi chim thạch nhũ. Đó còn là dàn nhạc cụ bằng đá với đủ cả đàn và trống. Nếu gõ vào thanh nhũ, ta sẽ được thưởng thức nhiều thanh âm có cung bậc khác nhau.
Động Từ Thức được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1992, mỗi năm nơi đây đón hàng vạn lượt khách tham quan, vãn cảnh.
Nguyễn Thùy / dantri