An Giang - vùng đất của những cồn nước mênh mông, những con sông phù sa bồi đắp ruộng đồng, tôm cá, những vườn cây trái trĩu quả, có thành phố Long Xuyên cửa ngõ giao thông, kinh tế quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Châu Đốc - thành phố ngã ba sông với ghe thương tấp nập, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An.
Miếu bà Chúa Xứ - điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của An Giang
Những khởi sắc
Dù là địa phương “đi sau” nhưng ngành công nghiệp không khói của An Giang được ghi nhận là có nhiều khởi sắc. Số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015 lượng du khách đến tham quan tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu du lịch tăng 17%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành du lịch đạt 4%/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang - ông Phạm Thế Triều - cho hay, An Giang phát triển du lịch chậm hơn các địa phương khác, cách đây 5 - 6 năm người dân chưa hiểu biết nhiều về cách làm du lịch dẫn tới phát triển manh mún, không định hướng. Tuy nhiên, gần đây với sự vào cuộc quyết liệt, cầu thị của chính quyền; đặc biệt nhờ sự hỗ trợ của Dự án EU (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) đào tạo về kỹ năng làm du lịch, người dân địa phương đã mạnh dạn tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ, từng bước tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cho du lịch An Giang.
“Với kết quả đạt được, tỉnh đang tiến tới mục tiêu xây dựng du lịch An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, có đặc trưng riêng, uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, xây dựng và hình thành thương hiệu để đưa An Giang vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia” - ông Triều cho biết.
Nỗ lực cải thiện dịch vụ
Mục tiêu mà An Giang đặt ra được cho là đúng hướng, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế mà địa phương sẵn có. Tuy nhiên, đây đang là thách thức không nhỏ đối với địa phương. Thực tế, du lịch An Giang đang tồn tại nhiều bất cập, yếu kém về hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, sản phẩm để phát triển bền vững.
Đến thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, chúng tôi đều ấn tượng bởi cảnh quan non nước hữu tình, được trải lòng mình với thiên nhiên hào phóng. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch trên địa bàn vừa thiếu, vừa yếu, nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng chèo kéo du khách, ăn xin tràn lan, gây khó chịu và làm mất mỹ quan.
Bà Trần Thị Tuyết Em - Trưởng ban quản lý Khu di tích văn hóa, lịch sử và du lịch Núi Sam - cho biết, mặc dù lượng khách du lịch tâm linh rất lớn, đạt 4,2 triệu lượt năm 2015, nhưng số du khách lưu trú thấp nên hầu như các dịch vụ gia tăng tạo nguồn thu cho địa phương không đáng kể.
Ông Phạm Thế Triều cũng thừa nhận, dịch vụ thiếu và kém hấp dẫn là điểm yếu kém nhất của du lịch An Giang. Để cải thiện tình hình, níu chân du khách dài ngày, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp, với quyết tâm cao nhất. Ngoài mở rộng các tuyến điểm du lịch, An Giang sẽ huy động và khuyến khích các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp; xây dựng hệ thống trạm dừng chân, dịch vụ mua sắm, ẩm thực tại thành phố Long Xuyên, Châu Đốc và các khu, điểm du lịch trên địa bàn, trong đó, tập trung đầu tư cho Châu Đốc để trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.
Mục tiêu của du lịch An Giang từ nay đến năm 2020 đón hơn 6,8 triệu lượt khách; có trên 680.000 lượt khách lưu trú, đóng góp 8% GDP của tỉnh. Du lịch phát triển trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững. |