"Chúng ta sẽ không than khóc, phải nén những cảm xúc tiêu cực lại, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, minh mẫn để sẳn sàng hành động, đối phó với dịch bệnh. Nếu cần phải thắt lưng buộc bụng, chúng ta sẽ làm. Trong đó, ban lãnh đạo công ty và các lãnh đạo, quản lý cấp trung sẽ là lực lượng tuyến đầu".
Hướng dẫn viên du lịch (phải) hướng dẫn khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: Đỗ Châu Quyên.
Ông Vũ Đình Quân, Tổng giám đốc Bến Thành Tourist đã mở đầu như thế trong bức thư gửi toàn thể cán bộ công nhân viên để động viên tinh thần, cho người lao động hiểu chủ trương ứng phó với khó khăn của doanh nghiệp trong suy giảm khách do Covid-19.
Trong thư, CEO của Bến Thành Tourist cũng hứa: "Ngay lúc này đây, tôi và ban tổng giám đốc, các anh chị lãnh đạo trong toàn hệ thống công ty đang nỗ lực cùng nhau tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ, để đảm bảo nguồn thu nhập cho nhân viên, cũng như gìn giữ gia đình Bến Thành Tourist được toàn vẹn".
Trong khi đó, thư của lãnh đạo Tổng công ty Du lịch Sài Gòn gửi nhân viên có đoạn "Trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh mang tính bất khả kháng, lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo các đơn vị thành viên sẽ luôn chung tay sát cánh cùng tất cả cán bộ công nhân viên - người lao động".
Những ngày qua, khi ngành du lịch rơi vào tình trạng "bất động" vì dịch bệnh Covid-19, những lá thư động viên, kêu gọi người lao động chung tay vượt qua khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều. Ở một số công ty, những người đứng đầu đã tự giảm lương trước khi tính đến việc giảm thu nhập của nhân viên.
Nhiều doanh nhân cho biết, trong trường hợp xoay xở hết mức mà vẫn không thể cầm cự được thì mới báo để nhân viên chọn hướng khác. Như vậy, doanh nghiệp có thể giúp nhân viên chủ động hơn để tìm kiếm sinh kế nhưng nếu vẫn còn một khe cửa hẹp thì vẫn phải cố gắng vượt qua.
Cùng với việc "lên dây cót" tinh thần cho người lao động, nhiều công ty đang nỗ lực tìm một số công việc tạm thời cho nhân viên duy trì cuộc sống.
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, bắt đầu từ tháng 3-2020, tất cả cán bộ quản lý đã giảm lương, về cùng một mức lương với toàn bộ nhân viên trong công ty để góp phần duy trì quỹ lương.
Những tháng tiếp theo, công ty sẽ có những tính toán tiếp. Chủ trương của công ty này là cố gắng hết sức để giữ nhân sự và tranh thủ thời gian nhàn rỗi đào tạo nhân viên để có thể làm việc trở lại ngay sau dịch.
Ban giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour đang tìm nhiều cách giúp nhân viên có thêm thu nhập bù đắp vào phần mất đi do suy giảm khách.
Trong đó, công ty hợp tác với đối tác bảo hiểm cho nhân viên bán dịch vụ; bán các combo sản phẩm khác để người lao động có tiền hoa hồng; cho phép những nhân viên vẫn có thể bán các dịch vụ du lịch trong mùa này được hưởng trọn phí dịch vụ...
"Với nhiều nhân viên, chỉ cần giảm một phần thu nhập thì cuộc sống của gia đình họ sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng cho nên chúng tôi phải cố gắng hết sức", ông nói.
Cũng theo ông, điều may mắn là có rất nhiều nhân viên muốn chung sức để giữ công ty. Có những người đã chủ động đề nghị giảm lương, làm việc không lương để cùng cùng công ty vượt qua khó khăn.
"Hiện đã có gần 100 người đăng ký làm việc không lương từ tháng 4-2020", ông Dũng nói.
Một số doanh nhân khác cũng cho thông tin tương tự, cho biết tuy rất buồn và lo lắng cho trong bối cảnh suy thoái hiện tại nhưng phần lớn người lao động đã chia sẻ khó khăn với người điều hành doanh nghiệp.
"Nhiều nhân viên tình nguyện đi làm và cho biết sẳn sàng giảm lương. Có những người giữ vị trí quản lý bậc trung đề nghị giảm 50% đến khi tình hình kinh doanh khởi sắc hơn", giám đốc một khách sạn ở trung tâm TPHCM cho biết.