Nha khoa là 1 trong 5 loại hình du lịch y tế được TP.HCM chọn làm mũi nhọn phát triển.
Là một Việt kiều Úc, sau khi nghỉ hưu, bà Lê Vân vừa có chuyến thăm quê dài ngày tại Việt Nam. Như những đồng hương khác, chuyến đi này ngoài du lịch, bà còn tranh thủ trồng 4 chiếc răng implant trước khi về lại Sydney. Bà cho biết giá làm implant tại TP.HCM là 1.000 USD/cái (khoảng 22,7 triệu đồng), trong khi tại Úc, giá cao gần gấp 3, bảo hiểm thường không chi trả. Bà Vân không phải là trường hợp hiếm khi du lịch nha khoa là một nhu cầu đang tăng nhanh tại Việt Nam, kéo theo tiềm năng phát triển khổng lồ.
Du lịch nha khoa là một hình thức khá phổ biến tại những nước châu Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia... và chỉ là một phần của thị trường du lịch chữa bệnh toàn cầu có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, ước đạt 143,8 tỉ USD vào năm 2020.
Trong khi Singapore nổi tiếng về điều trị ung thư; Hàn Quốc, Thái Lan nổi danh về phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi giới tính... thì nha khoa là 1 trong 5 loại hình du lịch y tế được TP.HCM chọn làm mũi nhọn phát triển để đem lại ngoại tệ và thu nhập cao cho cộng đồng. Lý do cơ bản để du lịch nha khoa tại Việt Nam thu hút là giá làm răng tại Việt Nam thấp hơn các nước từ 3-10 lần. So với Thái Lan, vốn đã nổi tiếng về du lịch nha khoa, giá tại Việt Nam vẫn thấp hơn 30%. Làm một chiếc răng sứ ở Việt Nam tốn từ 60-300USD (1,36-6,8 triệu đồng), thì ở nước ngoài đắt gấp 5 lần. Gói thiết kế nụ cười (design smile) làm tại Việt Nam khoảng 200 triệu đồng (khoảng 8.800USD), thì ở Canada từ 50.000USD trở lên. Sự chênh lệch này đến từ chi phí đào tạo nha sĩ, giá vật liệu, chi phí nhân công.
Theo nha sĩ Phạm Nhật Huy, chủ phòng nha Dr.Beam, nha khoa Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. Các phòng khám ra đời sau được cập nhật trang thiết bị mà không phải phòng nha ngoại nào cũng chịu chi, như có phòng lab riêng, trang bị máy CT Scan, có trên 10 giường khám... Bác sĩ Việt Nam ngoài lợi thế bàn tay châu Á nhỏ gọn, dễ thao tác, còn có tính thẩm mỹ và chịu học hỏi nâng cao tay nghề. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, mỗi năm có khoảng gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam để chữa răng, đem về gần 150 triệu USD. Số lượng bệnh nhân được dự đoán sẽ tăng 2,5 lần trong 5 năm tới.
Trong năm 2017 đã có 14 phòng khám là thành viên của Câu lạc bộ. Các đơn vị phòng khám muốn tham gia vào Câu lạc bộ Nha khoa Du lịch phải đáp ứng tiêu chuẩn về nhân lực và cơ sở vật chất. Đổi lại, Câu lạc bộ sẽ hỗ trợ cách thức, định hướng hoạt động hướng đến một hình ảnh quốc gia về du lịch nha khoa, mà đến nay mới chỉ phát triển tự phát. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 200 phòng nha nằm trong hệ thống này, phục vụ khoảng 3,5 triệu lượt khách với công suất 9.600 ca/ngày; lập trung tâm giải đáp thắc mắc, dịch vụ khách hàng du lịch nha khoa tại các sân bay quốc tế và các điểm du lịch tập trung đông du khách.
Theo một nha sĩ đầu ngành, mô hình “bánh sinh nhật” trong đó phân tầng bác sĩ theo trình độ chuyên môn, mỗi người tùy thực hiện công việc theo khả năng của mình là mô hình phù hợp, không chỉ cho nha khoa mà còn cho những ngành y tế khác, thì chưa được thực hiện tại Việt Nam. Ví dụ, một bác sĩ giỏi chỉ phụ trách những ca phức tạp, cho phép một bác sĩ hỗ trợ cho nhiều phòng nha khác nhau, thì sẽ tối đa hóa được nguồn lực và chi phí cho người bệnh.
Tuy vậy, nha khoa du lịch đang là một miếng bánh nhiều tiềm năng. Nhất là với nhà đầu tư khi sáng lập ra các phòng nha thường là bác sĩ nha khoa phụ trách về chuyên môn mà khó quan tâm đúng mức đến kinh doanh hay quảng bá. Nha khoa du lịch là sản phẩm phù hợp với những phòng nha có mức đầu tư cấp trung trở lên. Với mức đầu tư từ 10-15 tỉ đồng/phòng khám, đại diện Câu lạc bộ Nha khoa Du lịch cho biết, với hướng phát triển phù hợp, sẽ thu hồi vốn sau 3 năm.
Tại Malaysia, trong năm 2016, đồng ringit của nước này mất giá, giảm 6,5%, chạm đáy thấp nhất trong 19 năm trở lại đây. Nhưng tác động này lại giúp thị trường du lịch chữa bệnh của Malaysia tăng kỷ lục 25%, trong đó nha khoa chiếm đến 80%. Nhìn lại Việt Nam, nước ta đang hội tụ đủ những điều kiện cần và đủ, đang được trông chờ là điểm đến tiếp theo trên bản đồ du lịch nha khoa và tất cả chỉ đang ở vạch xuất phát
Lan Anh/ NCĐT