Du khách nước ngoài từ tàu du lịch World Dream đến Việt Nam. Ảnh: Đào Loan |
Du lịch đã thực sự trở thành điểm sáng của nền kinh tế khi đem về doanh thu 510.900 tỉ đồng trong năm 2017. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục trong những năm qua, vấn đề tái cơ cấu ngành công nghiệp không khói được đặt ra.
Năm của những cột mốc
Theo thông tin từ buổi tiệc cảm ơn khách hàng của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist diễn ra hồi tuần trước, trong năm 2017, công ty này đón 870.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế với doanh thu chuyên doanh lữ hành lên đến 4.250 tỉ đồng (gần 200 triệu đô la Mỹ), tăng 10% so với năm 2016. Trong vòng chưa đến chín năm, doanh thu của công ty đã tăng thêm gần 150 triệu đô la Mỹ, đi nhanh hơn kế hoạch và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm sau.
Saigontourist là một trong những câu chuyện thành công trên thị trường du lịch đang sôi động và đầy những tín hiệu lạc quan. Năm 2016, ngành công nghiệp không khói lập kỷ lục với 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa với tổng thu từ khách du lịch hơn 400.000 tỉ đồng. Năm 2017, ngành lại tiếp tục làm nên chuyện khi tăng lượng khách quốc tế lên 12,9 triệu lượt; khách nội địa lên 73,2 triệu lượt, đem lại tổng thu 510.900 tỉ đồng.
Không chỉ lạc quan với những con số tăng trưởng, 2017 cũng là năm mà hàng loạt quyết sách quan trọng liên quan đến du lịch được ban hành. Vào đầu năm, du lịch bước sang trang mới khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng gấp đôi so với năm 2016. Sau đó, các cấp - từ Chính phủ đến địa phương, đều có những chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này và cụm từ “đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” trở thành cụm từ “nóng”, được nhắc đi nhắc lại trong hầu hết hội thảo, hội nghị về du lịch.
Đến giữa năm, Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt, cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch với số vốn ban đầu lên đến hàng trăm tỉ đồng để thực hiện các hoạt động tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực... Điều này một lần nữa tạo cột mốc mới về chính sách cho du lịch.
Theo ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, ngành du lịch vẫn còn nhiều hứa hẹn ở phía trước bởi điểm đến Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn và các thị trường du lịch trên thế giới tiếp tục tăng trưởng; thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa nhờ nhu cầu du lịch của người dân tăng cao. “Hầu như cứ đến ngày nghỉ, ngày lễ là các hộ gia đình, các nhóm bạn đều nghĩ đến chuyện du lịch khiến cầu tăng mạnh”, ông Việt nói.
Và chuyện tái cơ cấu
Tuy vậy, trong các hội nghị về du lịch, cùng với những thông tin lạc quan về lượng khách đến, về doanh thu cũng có không ít những ý kiến lo ngại về khả năng phục vụ của hạ tầng, dịch vụ và nguồn nhân lực cho du lịch. Các vấn đề về tái cơ cấu, vốn đầu tư phát triển, nguồn lực, sản phẩm, dịch vụ, thị trường, năng lực quản lý... được đặt ra. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng sao cho đồng bộ với sự tăng trưởng của du lịch được cho là vấn đề cấp bách.
Dòng khách du lịch đổ dồn đến một số địa phương như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc... đang gây nên một áp lực rất lớn cho hạ tầng. Chuyện quá tải tại các điểm tham quan ở Hội An, Nha Trang, chuyện rác thải đầy trên đảo ngọc Phú Quốc; chuyện du khách bị cắt ngắn thời lượng tour để kịp ra sân bay vì tình trạng tắc đường tại TPHCM; chuyện thừa khách sạn loại nhỏ nhưng thiếu khách sạn tốt ở Đà Nẵng... là những vấn đề cần phải có giải pháp rốt ráo. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excursions, tỏ ra băn khoăn: “Nhìn cảnh du khách Trung Quốc xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh ở Cam Ranh, cảnh vận tải hàng không phải tăng cường nhiều chuyến bay đêm nhưng sân bay vẫn thường chật kín, tôi lo là sẽ uổng mất một điểm đến đang có sức hút”.
Sau nhiều năm chạy theo số lượng khách thì vấn đề chất lượng nguồn khách được đặt ra. Từ chỗ hoan hỉ với hàng chục, hàng trăm chuyến bay thuê bao đổ khách du lịch xuống mỗi tuần tại các điểm du lịch, người ta bắt đầu đặt vấn đề về nguồn thu thực tế từ số lượng khách đến và cũng hoang mang về sự mất cân đối trong cơ cấu thị trường. Trong số 12,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam có tới hơn 30% khách đến từ Trung Quốc; nếu cộng thêm hai nước Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc và Nhật Bản thì tổng lượng khách từ thị trường này chiếm khoảng 55%. Cơ cấu thị trường đang mất cân đối, nếu không được cơ cấu lại để tạo sự đa dạng về nguồn khách thì ngành du lịch sẽ chịu thiệt hại lớn khi có biến động từ những thị trường chính. Chuyện du lịch Khánh Hòa, Bình Thuận... “đói” khách vào năm 2014 khi lượng khách Trung Quốc và Nga đột ngột giảm sút là những kinh nghiệm cần phải được rút tỉa đến tận cùng.
Để đa dạng nguồn khách cũng như phục vụ tốt nguồn khách hiện hữu, ngành du lịch cần có những sản phẩm mới, cách tiếp thị mới và những chính sách hỗ trợ phát triển thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng du lịch đang tiếp thị “chay”, tức chỉ giới thiệu điểm đến và sản phẩm cũ; còn doanh nghiệp thì vẫn đang phải tự xoay xở trong việc tạo sản phẩm mới và mở rộng mạng lưới. “Cần có chính sách hỗ trợ cho các công ty thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, mở văn phòng kéo khách từ bên ngoài, như chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nói.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng tuy chính sách cho du lịch có nhiều nhưng lại nhỏ giọt và có độ trễ lớn. Chẳng hạn việc miễn thị thực cho một số thị trường quan trọng như Tây Âu vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và gia hạn từng năm khi đến sát thời điểm; hay nghị định của Bộ Chính trị có đề cập việc sẽ có chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao, nhưng cho đến nay, doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế cao.
Để tái cơ cấu ngành du lịch, có ý kiến cho rằng nên thành lập Bộ Du lịch thay vì Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch như hiện nay, nhằm tạo nên bộ máy quản lý tập trung và mạnh mẽ. Nhưng dù là mô hình nào thì vấn đề quan trọng là phải tạo được sự chủ động, hiệu quả của bộ máy mà quan trọng là những con người vận hành bộ máy. Nếu không thì cũng sẽ như việc tách, nhập sở du lịch với sở văn hóa thể thao và du lịch, dù đã làm vài lần nhưng chưa thấy sự khác biệt rõ rệt về mặt quản lý và những hiệu quả phát triển đi theo.
Trò chuyện với TBKTSG, ông Scott Hodgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon Hotel & Towers, vui vẻ cho biết năm nay khách sạn làm ăn tốt hơn so với kỳ vọng. Tuy bày tỏ sự lạc quan về thị trường nhưng vị doanh nhân này vẫn băn khoăn về những rào cản trong việc kéo khách đến. Chẳng hạn ngành du lịch muốn tăng lượng khách MICE (khách du lịch kết hợp tham gia sự kiện) nhưng quy định lại chưa thông thoáng để nhập trang thiết bị phục vụ những đoàn khách này. Chỉ khi nào những quy định không hợp lý, những rào cản được tháo gỡ thì du lịch mới có những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững thật sự.
Đào Loan (TBKTSG)