Ngành du lịch các tỉnh miền Trung đang bị thiệt hại nặng nề do việc cá chết bất thường từ những ngày qua
Ngày 24-4, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp về vấn đề thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng.
Chuyển hải sản sang… dê, thỏ
Tỉnh Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với những hang động đẹp lung linh huyền ảo như động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng… mà còn là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp. Tuy nhiên, những ngày qua, các bãi tắm ở đây trở nên vắng vẻ lạ thường.
Có mặt dọc bờ biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới) vào chiều 24-4, chúng tôi ghi nhận xác cá chết vẫn đầy trên bãi biển, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu trong khi các hàng quán kinh doanh vắng như chùa bà Đanh. Các bãi tắm như Quang Phú (TP Đồng Hới), Đá Nhảy, vũng Chùa - đảo Yến (huyện Quảng Trạch)… cũng rơi vào cảnh vắng khách, dịch vụ kinh doanh ăn uống ế ẩm.
Chị Bùi Thị Nhung - chủ quán đặc sản biển Minh Nhung, ở bờ biển Quang Phú - lo lắng: “Trước đây, khách đến quán ăn đặc sản biển mỗi ngày có cả chục bàn nhưng từ khi xảy ra tình trạng cá chết, lượng khách cứ giảm dần. “Chỉ còn mấy ngày nữa là đến dịp lễ 30-4 và 1-5. Cứ đà này chúng tôi lo lắng quá”.
Bãi tắm Nhật Lệ, một bãi tắm nổi tiếng của Quảng Bình, trong mấy ngày qua vắng khách du lịch vì biển nhiễm độc. Ảnh: Hoàng Phúc
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết do cá biển chết và nước biển nghi bị ô nhiễm trong những ngày qua đã làm du khách có tâm lý e ngại khi đến Quảng Bình nghỉ dưỡng, tắm biển và thưởng thức hải sản. “Chỉ cần một vụ ngộ độc hải sản xảy ra, dù nhỏ thôi, cũng sẽ là tai họa cho du lịch biển cũng như du lịch chung của Quảng Bình trong mùa hè này” - ông Kỳ nói.
Tại cuộc họp trên, để ứng phó tình hình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình thống nhất đưa ra các phương án khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh các bãi tắm; vận động các nhà hàng, khách sạn chuyển đổi từ thức ăn hải sản sang thịt gà đồi, bò, dê, thỏ đang được nuôi ở địa phương.
Lăng Cô cũng “mất mùa”
Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế với trên 6.000 con cá nuôi của người dân bị chết; ngoài ra, cá biển chết dạt vào bờ tại đây cũng khá nhiều. Cảnh xác cá phơi đầy bãi biển những ngày qua ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch biển của địa phương này.
Vịnh Lăng Cô được bầu chọn là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới. Tại Lăng Cô hiện có trên 40 khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến cao cấp và gần 10 nhà hàng chuyên cung cấp các món ăn hải sản cho khách du lịch. Nhưng từ khi xảy ra tình trạng cá nuôi và cá biển chết, nhiều nhà hàng ở đây rơi vào cảnh buôn bán khó khăn.
Ông Phan Thanh Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết các nhà hàng, khách sạn ở đây hiện chủ yếu phục vụ các loại hải sản như nghêu, sò từ địa phương khác về. “Trước kia, các quán chủ yếu bán cá nuôi tại địa phương, giờ cá chết hết rồi nên chẳng có mà bán nhưng bán cũng chẳng ai ăn, người dân đang lo lắng, ngư dân thì tạm ngưng đi đánh cá” - ông Giảng nói.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay chỉ biết khuyến cáo người dân không kinh doanh, ăn các loài cá đã bị chết chứ cá biển còn sống không biết có nhiễm độc hay không.
Theo ông Bình, tình trạng nhiễm độc ở Thừa Thiên - Huế thấp hơn những địa phương khác nhưng tâm lý người dân rất lo sợ nên một số nơi không ăn cá biển.
Hoàng Phúc - Quang Nhật / nld.com.vn