Đã gần hết những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5/2020, nhiều điểm du lịch trong đất liền nổi tiếng của miền Trung vốn đông đúc du khách vẫn vắng vẻ. Trong khi đó, du lịch biển đảo tại một số địa phương lại đông vui. Bức tranh du lịch của miền Trung đang có những gam màu đối lập, đây là cơ hội và cũng là thử thách cho việc khai thác các sản phẩm du lịch sắp tới của các địa phương.
Các điểm du lịch, Khu nghỉ dưỡng được phép mở cửa trở lại sau hơn hai tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là “phép thử” cho ngành kinh tế mũi nhọn này trong thời gian tới và cho những tháng cuối năm. Dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên, nhưng tại các điểm du lịch cho thấy, du khách đã bắt đầu quay lại với du lịch và cơ hội để kích cầu du lịch nội địa đang được các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành và khai thác du lịch tận dụng.
Không sôi động như kỳ nghỉ lễ các năm trước nhưng các điểm tham quan du lịch của Phú Yên như: Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, Bãi Môn - Mũi Điện, Tàu Không số - Vũng Rô, Tháp Nhạn... vẫn thu hút khách.
Đo thân nhiệt cho du khách. Ảnh: Xuân Triệu
Sát khuẩn tay cho du khách tại điểm tham qua của Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu
Riêng tại danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) mỗi ngày có từ 1.000 2.000 vé tham quan được bán ra (chưa kể người dân địa phương được miễn vé). Hầu hết khách tham quan là khách nội địa đến từ các tỉnh Tây Nguyên, Khánh Hòa, Bình Định, Cần Thơ...
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, du khách đã tự trang bị khẩu trang. Tổ Quản lý danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa (thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh Phú Yên) đã thực hiện đo thân nhiệt, miễn phí nước sát khuẩn tay. Các xe dịch vụ đưa đón khách được lau, phun khử khuẩn và bố trí ngồi giãn cách theo quy định.
Tổ trưởng Tổ Quản lý danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa cho biết: Sau khi được mở cửa trở lại từ ngày 27/4 đến nay khách tăng dần đều. Cao điểm là ngày 1/5 với hơn 2.000 lượt khách gồm cả người dân địa phương.
Trong khi đó, 3 ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách đến Lý Sơn (Quảng Ngãi) tăng đột biến. Ba ngày qua đã có gần 30 lượt tàu vận tải khách tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn được tăng cường chở khách ra đảo, tăng hơn 20 lượt tàu so với những ngày trước đó. Các phương tiện vận tải khách tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn phải hoạt động cuốn chiếu để đưa được hết du khách ra đảo.
Lý Sơn đón du khách tham quan có lẽ đông nhất trong các điểm du lịch của miền Trung dịp này
“Trong thời gian dịch, mỗi ngày chỉ khai thác một chuyến ra một chuyến vào đất liền, nhưng hôm nay khách đông nên tăng cường thêm 3 lượt tàu ra và 3 lượt tàu vô và có khả năng tăng thêm. Mở cửa đón khách trở lại, bà con nhân dân trên đảo rất phấn khởi” đại diện tàu Super Biển Đông cho biết.
Trái ngược với Lý Sơn, di tích Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An và đảo Cù Lao Chàm được ghi nhận là rất vắng vẻ. Dù mở cửa miễn phí để kích cầu du lịch, nhiều địa điểm du lịch, di tích lịch sử Chùa Cầu, Chùa Ông, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa nước Cẩm Thanh trên địa bàn TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vắng vẻ, bình yên.
Phố cổ Hội An vắng vẻ
Sông Hoài lặng lẽ trôi bên những ngôi nhà cổ im lìm sau đại dịch Covid-19
Trong các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ghi nhận tại một số khu, điểm vui chơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sau khi có văn bản của UBND thành phố cho phép một số cơ sở kinh doanh, khu điểm du lịch, khu di tích danh lam thắng cảnh (trừ các hoạt động trong nhà) hoạt động trở lại, một số khu, điểm du lịch đón khách trở lại nhưng số lượng khá khiêm tốn, phần lớn du khách tham gia các hoạt động dã ngoại: leo núi Sơn Trà, tắm biển, tham quan Bà Nà…
Trong khi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Cửa Đại, An Bàng (Hội An) vẫn khá vắng du khách
Thì biển Quy Nhơn (Bình Định) lại như... được mùa
Tại các Khu nghỉ dưỡng Đà Nẵng, lượng du khách đăng ký và đặt phòng nghỉ không đáng kể. "Khách sạn bắt đầu mở cửa đón khách từ ngày 1/5 nhưng số phòng được đặt và đến ở không đáng kể"- ông Nguyễn Văn Duẩn, giám đốc Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng cho biết. Trong khi đó, các bãi biển thì chỉ đông du khách khoảng 17-19 giờ tối.