Thị trường du lịch hiện tại đã chuyển động mạnh mẽ hơn bằng việc kích cầu mảng du lịch nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành nhận định khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn và còn kéo dài.
Khu du lịch Cồn Sơn ở Cần Thơ.Ảnh: Đào Loan
“Máy” bắt đầu chạy
Mảng du lịch nội địa đã rầm rộ tái khởi động bằng hàng loạt chương trình kích cầu. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn hợp tác tung ra nhiều tour trọn gói giảm giá đến vài chục phần trăm so với bình thường.
Các địa phương cũng thực hiện các chương trình kích cầu phục hồi du lịch sau khi phải đối mặt với tình trạng lượng khách du lịch giảm chạm đáy. Từ tuần rồi, tỉnh Quảng Ninh đã miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh đến hết tháng 5 và một số ngày lễ trong tháng 6 và 7 sắp tới. Tỉnh Thừa Thiên - Huế giảm 50% phí tham quan các di tích; Nghệ An giảm giá dịch vụ lưu trú đến 40%, dịch vụ nhà hàng, vui chơi, giải trí giảm giá từ 20-30%...
Thêm vào đó, thị trường sẽ có thêm các gói dịch vụ giảm giá lên đến vài chục phần trăm từ chương trình do Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đối tác thực hiện.
Thách thức vẫn kéo dài
Thị trường được đánh giá là phản ứng khá tích cực với việc tái khởi động của ngành du lịch, do nhu cầu muốn “ra khỏi nhà” của du khách trong nước tăng cao sau những ngày dài phải ở nhà vì dịch bệnh. Trong báo cáo tại hội nghị “Giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam” diễn ra vào cuối tuần rồi tại Thanh Hóa, thông tin từ đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương cho biết, bắt đầu ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4-2020. Trong sáu tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những thuận lợi này không có nghĩa là du lịch sẽ phục hồi sớm và lượng khách nội địa có thể đem về doanh thu đủ lớn để thay thế nguồn thu mất đi từ mảng khách quốc tế, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hết khó khăn. Thực tế trong những năm qua cho thấy, dù mảng khách quốc tế chỉ chiếm phần nhỏ so với mảng khách nội địa - trong năm ngoái là 18/85 triệu lượt, nhưng doanh thu luôn chiếm phần lớn hơn.
Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải đương đầu với nhiều thách thức khi kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa được xem là chấm dứt hoàn toàn. Trong đó, áp lực về chi phí đang đè nặng các nhà điều hành.
Chi phí cao nhưng doanh thu, lợi nhuận được dự báo là sẽ thấp hơn nhiều so với trước vì lượng khách ít hơn do người dân chưa dám đi du lịch nhiều và do mùa du lịch hè - mùa du lịch lớn nhất trong năm ngắn hơn, quy mô đoàn nhỏ hơn và giá dịch vụ phải giảm rất lớn để cạnh tranh. Tuy nhiên, hầu hết các công ty vẫn chấp nhận mức lợi nhuận thấp, thậm chí ở mức hòa vốn, với mục đích chính là vận hành bộ máy, tạo công ăn việc làm cho nhân viên.
“Tình trạng khó khăn này có thể sẽ phải kéo dài ít nhất là đến hết tháng 7 tới. Chỉ khi dịch bệnh lắng xuống, người dân cảm thấy an toàn hơn để lên đường thì du lịch mới khởi sắc thật sự. Còn hiện tại, nhiều nơi chỉ mới chạy để duy trì bộ máy”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, nhận định.
Doanh nhân này cho rằng, dù thực hiện nhiều hoạt động để kích cầu nhưng du lịch nội địa vẫn khó phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay.
Một số doanh nhân khác nhận định, trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp đóng vai trò trung gian như các công ty lữ hành sẽ khó khăn hơn so với những nhà cung cấp dịch vụ đầu cuối như khách sạn, khu du lịch. Trong khi đó, những đơn vị trung gian nhưng thực hiện kết nối khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ đầu cuối bằng công nghệ như các trang web du lịch trực tuyến hay các công ty lữ hành có trang web bán hàng tốt sẽ thuận lợi hơn.
Theo khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch và VnExpress thực hiện trong tháng này, có 44,1% trong số 1.700 người được hỏi cho biết tìm đến các nền tảng trực tuyến khi đặt phòng khách sạn, tour; 29,3% liên hệ trực tiếp với những đơn vị cung cấp dịch vụ; 16,9% chọn các công ty du lịch lớn và 9,7% chuộng các công ty du lịch nhỏ mà họ tin tưởng.