Đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy phát triển du lịch sau đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai. Thay vì chờ đến khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát mới khởi động như đợt trước, hiện tại doanh nghiệp du lịch đã tính đến kế hoạch "sống chung" với dịch, thích ứng với tình trạng Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Việc thực hiện kích cầu du lịch sau giai đoạn thứ hai của dịch bệnh cũng đã được tiến hành theo quan điểm "thích ứng để sống còn" như trên. Sự cạnh tranh về giá đã trở thành nội dung thứ yếu, vấn đề an toàn được đặt ra hàng đầu và là điểm quan trọng nhất, kế đó là sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn.
Du khách đi du lịch Côn Đảo vào đầu tháng 9 này. Ảnh: Minh Mẫn
Dịch bệnh có thể quay lại, phải sẳn sàng "chiến đấu"
Trong buổi tọa đàm về kích cầu du lịch nội địa do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức vào chiều nay (24-9), ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết dù đã trải qua những đợt suy giảm khách như dịch SARS vào năm 2003 và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009 nhưng ông và rất nhiều doanh nghiệp trong ngàng đều không thể lường trước được những ảnh hưởng của Covid-19.
Những tưởng dịch chỉ kéo dài vài tháng nhưng hiện đã hơn 8 tháng rồi vẫn chưa kết thúc và những đợt kích cầu, phát động trở lại đều phải thay đổi vì dịch cứ dịu lại rồi bùng phát. Như trước đợt dịch lần hai vừa rồi, du lịch đã kích cầu thành công, khách tăng kỷ lục nhưng sau đó lại giảm đến đáy khi ca bệnh ở Đà Nẵng xuất hiện.
Hiện tại, dịch đã tạm yên nhưng nếu tháng 11, 12 tới lại bùng phát thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu. "Chúng ta phải vừa kích cầu vừa phải nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn nhằm giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch", ông nói.
Theo ông, Covid-19 đã làm phần lớn doanh nghiệp du lịch phải tạm ngưng hoạt động, hàng triệu lao động không có việc làm. Vì thế, nếu chờ đến khi hết dịch mới tính chuyện phát triển du lịch, làm ăn thì nền doanh nghiệp cũng như nền kinh tế sẽ không cầm cụ nổi. "Chúng ta đã có kinh nghiệm để không bất ngờ và sẳn sàng chiến đấu nếu dịch quay lại", ông nói.
Trao đổi với TBKTSG Online trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng có nhận định tương tự. Du lịch đã quá kiệt quệ, nếu các hạn chế về du lịch vẫn quá thắt chặt, chờ đến khi dịch hoàn toàn yên mới vận hành trở lại thì sẽ không gượng nổi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, nếu nghiêng về đóng cửa, quá thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại, kinh doanh để chống dịch thì kinh tế sẽ suy thoái sâu hơn. Hiện tại, một số nước ở khu vực châu Âu đã thực hiện sống chung với dịch, chỉ khi các chính phủ chấp nhận thay đổi và giải thích cho người dân hiểu vấn đề thì kinh tế, du lịch mới có thể chuyển động.
Trong tọa đàm chiều nay, đại diện từ Hãng hàng không VietJet cũng cho rằng, trong tương lai có thể sẽ còn xảy ra dịch bệnh tương tự. Vì thế, để thích ứng và vận hành tốt trong điều kiện này, các địa phương phải có quy trình, bộ hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho du khách.
Địa phương cần phải đưa ra cam kết đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, phòng trường hợp điểm đến bị phong tỏa vì dịch bệnh như ở Đà Nẵng vừa rồi thì khách cũng không phải chờ quá lâu để có thể trở về nhà.
Du khách tại một khu nghỉ dưỡng ở Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan
An toàn là từ khóa then chốt
Cũng liên quan đến chuyện "sống chung" với dịch, nội dung mà nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đề cập đến trong kế hoạch thực hiện đợt kích cầu du lịch nội địa sắp tới là chuyện an toàn, bao gồm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho khách hàng, nhân viên và truyền thông cho khách hàng biết về điều này.
Theo đó, trong đợt kích cầu trước, tuy lượng khách tăng trưởng rất cao nhưng doanh nghiệp đã giảm giá đến không còn gì để giảm và đã xảy ra tình trạng, lượng khách tăng nhưng tình hình tài chính không cải thiện.
Sau đợt dịch lần hai, tâm lý khách hàng đã thay đổi. Tâm lý lo lắng về nguy cơ lây nhiễm và khả năng có thể bùng phát dịch ngày càng nặng nề nên cách thức tiếp cận khách hàng phải khác. Các nhà cung cấp dịch vụ phải giải tỏa được tâm lý này thì mới có thể tăng sức mua. Thêm vào đó, trong tình trạng quá kiệt quệ vì suy giảm khách như hiện tại, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại nếu lao vào cuộc đua giảm giá.
"Trong tháng 8, chúng tôi mất gần 1 triệu lượt khách. Chúng tôi đã giảm giá đến không còn gì để giảm nữa. Để thu hút khách đi du lịch trở lại sau đợt dịch lần 2 thì việc đầu tiên cần làm là cho người dân hiểu đây là thời điểm an toàn để đi du lịch", bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Sun World thuộc Tập đoàn Sun Group nói.
Trong buổi tọa đàm về kích cầu, hầu như các doanh nghiệp đều giới thiệu về quy trình phòng chống lây nhiễm được thực hiện tại khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng... để bảo đảm an toàn cho khách hàng.
Đại diện nhiều cơ quan quản lý du lịch địa phương cũng cho rằng, an toàn là vấn đề cốt lõi để du lịch vận hành, thu hút khách trong thời gian tới, kế đó mới là những việc như đưa ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng của du khách sau dịch bệnh, làm mới dịch vụ.
Trong đó, ở TPHCM, Sở du lịch còn lên kế hoạch cùng doanh nghiệp cam kết thực hiện bộ tiêu chí an toàn để thực hiện mục tiêu này. Chỉ khi thiết lập được các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách thì mới có thể tính đến chuyện thu hút khách hàng trở lại.
Tuy tình hình hiện tại của ngành du lịch, hàng không vẫn còn rất khó khăn nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường.
Trong đó, Hãng hàng không VietJet cho biết lượng khách nội địa đang phục hồi tốt, có chuyến bay như chuyến đi Đà Lạt kín chỗ hai ngày trước khi khởi hành. Dự kiến, đến ngày 30-9 tới, hãng sẽ khai thác lại đường bay Seoul (Hàn Quốc) - TPHCM. Tuy lượng khách ban đầu chưa phải là khách du lịch nhưng sẽ là bước thử nghiệm tốt để chuẩn bị cho kế hoạch kết nối rộng hơn trong thời gian tới.
Vào ngày 21-9, Vietnam Airlines cũng đã phục hồi hoàn toàn thị trường nội địa sau ảnh hưởng của Covid-19 lần 2. Theo thông tin từ hãng này, số lượng hành khách trên các chuyến bay nội địa đạt gần 40.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Vào hôm qua (23-9), Vietnam Airlines cũng thông báo mở bán rộng rãi vé máy bay cho chuyến bay VN417 từ Seoul đến Hà Nội.
Một số công ty lữ hành như Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, TST Tourist, Lữ hành Fiditour... cũng cho biết đã có khách hàng đăng ký tour trở lại.