Du lịch TPHCM đang đứng trước đợt suy giảm chưa từng có vì Covid-19 nhưng mục tiêu tăng trưởng về tổng thu trong 5 năm tới là rất cao, từ 12-14 tỉ đô la Mỹ, hơn gấp đôi so với năm 2019. Người đứng đầu ngành du lịch thành phố, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đưa ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
TPHCM thường đón hơn 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch thành phố kỳ vọng sẽ đạt tổng thu từ 12-14 tỉ đồng vào năm 2025.
Theo số liệu từ Sở Du lịch TPHCM, lượng khách du lịch đến TPHCM đã bắt đầu sụt giảm mạnh từ tháng 1 năm nay do ảnh hưởng từ việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến tháng 3 khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu” cùng với những biện pháp mạnh từ chính phủ để ngăn dịch như tạm dừng cấp thị thực du lịch, tạm dừng đường bay thương mại quốc tế thì du lịch thành phố rơi vào trạng thái gần như tê liệt.
Lượng du khách quốc tế và doanh thu du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính, trong năm nay lượng khách quốc tế chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 84,8% so với năm ngoái; khách du lịch nội địa 15.000.000 lượt, giảm 54,2%. Tổng thu du lịch đạt khoảng 84.000 tỉ đồng, giảm hơn 56.000 tỉ đồng so với năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch, dự báo sau đại dịch, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của khách du lịch quốc tế sẽ suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TPHCM nói riêng.
Với thách thức này, việc tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và thường xuyên nâng cao năng lực cạnh tranh là điều cần phải làm để thực hiện tầm nhìn đưa TPHCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á vào năm 2030.
Người đứng đầu ngành du lịch thành phố cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, du lịch TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng khách du lịch từ 8% - 9%; tổng doanh thu đến năm 2025 đạt từ 12 - 14 tỉ đô la Mỹ.
Theo bà, để thực hiện mục tiêu trên, trước hết ngày du lịch phải tập trung công tác phòng chống Covid-19 đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Những biện pháp hỗ trợ bao gồm thực hiện các chương trình kích cầu, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng chuyển đổi số cũng như kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Thực tế, những chính sách như ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động du lịch khó khăn... chưa được triển khai mạnh mẽ như kỳ vọng nên cơ quan quản lý du lịch sẽ tiếp tục tham mưu và kiến nghị các chính sách phù hợp.
Cùng với nhóm giải pháp trên, Sở Du lịch TPHCM dự kiến sẽ thực hiện 8 nhóm giải pháp khác. Trong đó, sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; thúc đẩy liên kết, liên minh giữa các doanh nghiệp để tăng giá trị chuỗi và tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch và hỗ trợ phát triển thương hiệu du lịch.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý du lịch cũng sẽ kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển du lịch; phát triển du lịch thông minh, chú trọng xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp của thành phố, phát triển hệ sinh thái kinh doanh thông minh. tăng tiện ích và trải nghiệm cho du khách.
Sở tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm và 4 nhóm sản phẩm tiềm năng để tạo sự khác biệt cho TPHCM gồm du lịch đường thủy, du lịch MICE (du lịch kết hợp tham gia các sự kiện), du lịch y tế, du lịch giải trí và hoạt động về đêm.
Những chương trình liên kết du lịch 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cùng các tỉnh, thành khác cùng với các hoạt động quảng bá hình ảnh ở trong và ngoài nước để quảng bá thương hiệu du lịch thành phố gắn với khẩu hiệu “Vibrant” cũng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn này.