Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nhưng vẫn còn cần nhiều hơn nữa các giải pháp để tạo cú hích cho du lịch Việt Nam.
Đã có một sự cải thiện đáng kể về số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khi số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2016 tăng 6,3% so với tháng trước đó và tăng mạnh 34,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung, 8 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 6,45 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, các thị trường khách trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan tiếp tục tăng trưởng tốt. Thậm chí, lượng khách Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm tăng 57,9% so với cùng kỳ. Thị trường khách từ các nước Tây Âu, như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, sau khi được miễn thị thực, tiếp tục có mức tăng cao, bình quân tăng 62%. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, khách Anh tăng 22,8%, khách Pháp tăng 13,4%, khách Đức tăng 17,7%, khách Ý tăng 31,8%, khách Tây Ban Nha tăng 27,6%. Còn khách từ Bắc Mỹ, cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng, khi 8 tháng đầu năm, đã có khoảng 470.000 lượt khách đến từ thị trường Mỹ và Canada, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài các khu nghỉ dưỡng chất lượng, Việt Nam còn cần các tour du lịch độc đáo để hấp dẫn du khách quốc tế.
Lý giải về sự cải thiện này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, một phần là do chính sách miễn thị thực mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện từ giữa năm ngoái đối với khách du lịch từ 5 nước châu Âu. “Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu để từ năm 2017, Việt Nam có thể áp dụng visa điện tử. Đây sẽ là một trong những bước đột phá, nhằm giúp du khách tiết kiệm thời gian tìm hiểu và làm thủ tục visa, qua đó, thúc đẩy khách du lịch quốc tế tới Việt Nam”, ông Đức cho biết.
Thực tế, dù được xếp hạng một trong những điểm đến an toàn, nhưng về khoản thị thực, Việt Nam đang có bất lợi lớn so với các nước khác trong khu vực - nơi mà thủ tục visa đều đã được đơn giản hóa. Chẳng hạn, Campuchia, Lào, Indonesia cấp visa trước khi nhập cảnh mà không tính phí; Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore thì miễn thị thực cho du khách các nước châu Âu, Bắc Mỹ…
“Việc cải cách thủ tục visa sẽ thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là thu hút du khách từ Mỹ và Canada”, ông Oliver Martin, Công ty Tư vấn Twenty 31 có trụ sở tại Canada nói.
Tuy nhiên, chuyện khách du lịch quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh trong năm ngoái, hay du lịch Việt Nam chưa phát triển bằng một số nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan. Theo các chuyên gia, không hẳn chỉ vì visa, mà còn vì sản phẩm du lịch Việt Nam chưa phong phú, chất lượng dịch vụ kém và cũng vì quảng bá du lịch Việt Nam chưa tốt. Nhiều du khách quốc tế chưa biết đến Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam trên trường quốc tế năm 2015 chỉ vào khoảng 2 triệu USD, bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và thậm chí chỉ bằng 1,9% của Malaysia. “Dù quốc gia hay doanh nghiệp sở hữu sản phẩm du lịch hay, chất lượng dịch vụ tốt, nhưng cũng khó có thể thu hút du khách khi mà họ không biết đến sản phẩm đó như thế nào? Hơn nữa, nếu quảng bá mà lại không đúng sự thật thì sẽ lại càng mất điểm trong mắt du khách, nhất là du khách đến từ các nước phát triển như Mỹ, Canada…”, bà Mary Mendoza, Phó chủ tịch Tiếp thị của The Grand Hồ Tràm Strip nói và chia sẻ rằng, ở các quốc gia này, mạng xã hội rất phát triển, do vậy nhiều khi sự hài lòng của 20 khách hàng không “phát tán” nhanh bằng sự phàn nàn của một khách hàng.
“Do vậy, ngoài quảng bá quốc tế, điều quan trọng là quốc gia, doanh nghiệp phải thành thật về sản phẩm của mình. Nếu khách hàng phàn nàn, hãy lắng nghe và đưa ra các hành động phù hợp”, bà Mendoza chia sẻ kinh nghiệm mà The Grand Hồ Tràm Strip đã làm trong suốt thời gian qua để thu hút khách hàng.
Thực tế cho thấy, từ khi hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp, kiểu như các khu Vinpearl, hay Hồ Tràm Strip, rồi Banyan Tree Lăng Cô… được xây dựng và đưa vào hoạt động, dưới sự quản lý của các tên tuổi lớn, du khách quốc tế đã tới Việt Nam nhiều hơn. Sức hấp dẫn càng lớn hơn đối với các khu nghỉ dưỡng tích hợp nhiều tiện ích, từ khách sạn, sân golf, casino đến các dịch vụ vui chơi, giải trí gia đình… như của Hồ Tràm Strip.
“Hồ Tràm vẫn còn khá mới mẻ với nhiều du khách, nên vừa rồi chúng tôi cũng đã quyết định tham gia Hội chợ Triển lãm du lịch ITE 2016 tại TP.HCM để giới thiệu mạnh mẽ hơn về vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển, cũng như các dịch vụ tiện ích đa dạng của Hồ Tràm. Các khu du lịch khác nếu cũng làm như vậy thì sẽ quảng bá tốt hơn tới du khách của mình”, bà Mendoza nói.
Không chỉ cần các khu nghỉ dưỡng có chất lượng, mà theo ông Đức, Việt Nam cũng cần các tour du lịch độc đáo, có chất lượng, bởi thời gian qua, không ít du khách phàn nàn về việc phải trải nghiệm các tour du lịch quá giống nhau.
“Phải có sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời tạo được sự hợp tác chặt chẽ giữa các dịch vụ lữ hành, hàng không, các khu du lịch, nghỉ dưỡng…, để mang lại cho du khách những trải nghiệm an toàn, thú vị khi đến Việt Nam. Và tất nhiên là thủ tục visa cũng phải đơn giản, nhanh chóng”, ông Đức nói.
Nhã Nam / baodautu.vn