Việc triển khai các cam kết trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động tích cực đối với ngành du lịch, tuy nhiên cơ hội luôn đi liền với thách thức. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, đón nhận dòng khách trong nội khối TPP, ngành du lịch phải có những bước chuẩn bị nội tại.
Tham gia TPP du lịch Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội gia tăng dòng du khách quốc tế, kinh doanh. Ảnh minh họa |
TPP là hiệp định thương mại đa phương đầu tiên ngoài khuôn khổ ASEAN mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên sáng lập và tham gia vào quá trình soạn thảo. Do đó, TPP có vai trò là bước ngoặc khác trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bằng cách gắn Việt Nam sâu hơn vào mạng lưới thương mại và sản xuất khu vực, là Hiệp định có thể giúp Việt Nam trở thành một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng đối với các nước thành viên.
Đối với ngành du lịch, khi tham gia TPP, lĩnh vực này sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Nhận định từ ngành du lịch cho thấy, đó là sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước nội khối sẽ giúp tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm kiếm việc làm kết hợp với du lịch. Theo đó sẽ gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch- kinh doanh, du lịch- hội họp ngay trong nội khối TPP mà Việt Nam là một thành viên. Mặt khác, đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau.
Ngoài ra, cơ hội mà TPP mang lại cho ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam đó là du khách quốc tế sẽ có cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP. Mặt khác, các thành viên TPP đều thông qua và duy trì trong hệ thống văn bản pháp luật của mình quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Vì vậy sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lao động ngành du lịch. Đặc biệt, cạnh tranh trong TPP tạo áp lực buộc người lao động phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết gắn với các nhóm lao động đặc thù và lợi ích xã hội khác nhau. Xu thế chuyển dịch lao động nội khối vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho lao động giữ cơ hội việc làm.
Trả lời báo chí về ảnh tác động của TPP đối với ngành du lịch tại cuộc họp báo triển khai kế hoạch năm 2016 mới đây, ông Hà Văn Siêu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành không biên giới, vì vậy sau WTO là TPP chúng ta đang đứng trước cơ hội về đầu tư, kinh doanh, thị trường rất lớn. Để chủ động hội nhập với TPP buộc chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới, đủ khả năng thích ứng với các cam kết trong nội khối.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch khuyến cáo hiện thách thức nặng nề nhất là khối doanh nghiệp lữ hành. Bởi khi thực hiện cam kết trong TPP doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa khách vào thị trường trong nước buộc doanh nghiệp nội phải chia sẻ thị phần. Nếu không có năng lực và có một chiến lược cạnh tranh doanh nghiệp nội sẽ rất dễ thua trên sân nhà… Do vậy, theo ông Hà Văn Siêu chúng ta cần xem xét các quy định, rào cản để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực, liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn nhằm gia tăng thị phần.
Ngoài ra, với ngành du lịch nói chung cần có bước chuẩn bị để phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, hội họp khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP được tạo ra; tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách hơn là số lượng. Mặt khác, phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho du khách, kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, ngoại giao, cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, một số tồn tại như môi trường du lịch, tình trạng đeo bám du khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm cần giải quyết một cách triệt để. Đồng thời tích cực tăng cường liên kết, kết nối trong khu vực để đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thu hút khách từ nước thứ ba, cũng như trao đổi khách giữa các nước.
Hoa Quỳnh / baocongthuong.com.vn