Khó khăn trong việc xin visa vào Việt Nam làm khách quốc tế chuyển sang đi Thái Lan, Singapore... Chuyên gia cho rằng, những hạn chế của du lịch Việt Nam đang bị đối thủ biến thành lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua hút khách nước ngoài.
‘Bẻ lái’ hành trình ngay vì không xin được visa Việt Nam
Chia sẻ với PV.VietNamNet, CEO một đơn vị lữ hành tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) kể rằng công ty của bà vừa phải hủy toàn bộ dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng,... đặt cho đoàn khách gần 25 người Iran. Họ định đi du lịch Việt Nam vào đầu tháng 2, tự lo việc xin visa.
“Biết là thủ tục xin visa vào Việt Nam có nhiều rắc rối, lại rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày nên chúng tôi đã nhắc khách xin visa sớm, trước 18-19/1, vì ra Tết mới xin e không kịp. Tuy nhiên, do chủ quan, cộng với việc thông tin cho câu trả lời khi nào được cấp visa cứ bị lùi đi lùi lại mãi, từ 3/2 đến sau 15/2, khiến khách chán nản, chuyển luôn sang đặt vé máy bay đi Thái Lan”, bà kể.
Đoàn khách này khi đến nghỉ ở Phukhet còn vui vẻ gửi ảnh như để “khiêu khích”. "Đến giờ này, tôi vẫn không thể lý giải nổi tại sao việc xin visa vào Việt Nam lại khó khăn đến vậy. 10 năm trước tôi trả lời trên truyền hình về vấn đề này, bây giờ vẫn như thế”, bà buồn bã nói.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhưng xảy ra gần đây nhất, khiến chính sách visa lại một lần nữa được nêu ra như là rào cản ngáng chân khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong khi các cơ quan, DN du lịch và hàng không nỗ lực đi xúc tiến thu hút khách quốc tế, thì 'nút thắt' visa lại đang ngăn cản họ đến Việt Nam (Ảnh: VJA quảng bá kéo khách Ấn Độ)
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không, từng nhấn mạnh nhiều lần, xin visa luôn là một thủ tục khó chịu đối với bất kỳ ai, kể cả với chính chúng ta, mỗi khi đi ra nước ngoài. Đó là lý do tại sao các nước chú trọng phát triển du lịch (như Thái Lan, Singapore, Malaysia) bỏ thủ tục khó chịu đó cho du khách càng nhiều nước càng tốt.
Mới đây nhất, trong Sách trắng 2023, các chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam hiện yêu cầu khách quốc tế phải có thị thực trước khi khởi hành là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao. Trong khi khách Trung Quốc hay Nga còn hạn chế, thì việc mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực sẽ giúp đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước.
“Cấp thị thực du lịch ba tháng cho khách du lịch từ châu Âu muốn đi nghỉ dài, đặc biệt là trong kỉ nghỉ lễ mùa đông của châu Âu, sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao. Thị thực du lịch dài ngày như vậy thường được sử dụng bởi những người đã nghỉ hưu có kinh phí và thời gian để lưu trú lâu hơn bình thường. Việc Việt Nam chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho 25 quốc gia, thời gian miễn thị thực 15 ngày cũng ngắn hơn nhiều so với các nước khác trong ASEAN (30 ngày trở lên) không chỉ gây hạn chế về thời gian cho du khách, mà còn gây khó khăn cho các công ty lữ hành trong việc thiết kế kế hoạch du lịch”, chuyên gia của EuroCham chỉ rõ.
Lo ngại đối thủ sẽ ngày càng bỏ xa
Là đối thủ cạnh tranh, nhưng Thái Lan luôn được đưa ra làm dẫn chứng về hình mẫu tiêu biểu cho cách làm du lịch, về chính sách và sản phẩm, dịch vụ xuất sắc. Nhiều chuyên gia, lãnh đạo DN du lịch cho rằng, để thu hút khách quốc tế, du lịch Việt Nam chỉ cần học hỏi Thái Lan.
Điển hình là chính sách thị thực hết sức táo bạo và thông thoáng, khi kéo dài thời gian từ 30 lên 45 ngày đối với khách quốc tế được miễn thị thực và từ 15 lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.
Nhờ đó, năm 2022, Thái Lan đón được hơn 11,8 triệu lượt khách quốc tế, mang về 16 tỷ USD. Tỷ lệ phục hồi của Thái Lan cả về số lượt khách quốc tế (25%) và doanh thu từ khách quốc tế (28,6%) đều vượt xa Việt Nam. Đây là cơ sở đến Thái Lan phấn đấu đạt 25 triệu khách quốc tế trong năm nay và đặt mục tiêu 80 triệu khách quốc tế mỗi năm vào năm 2027, gấp đôi con số của năm 2019.
(Nguồn: Hội đồng tư vấn du lịch)
Còn du lịch Việt Nam thì sao? Tuy là một trong những nước mở cửa đầu tiên đón khách quốc tế sau đại dịch Covid-19, chỉ số phục hồi của du lịch Việt Nam lại xếp cuối bảng trong khu vực. Năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% mục tiêu đề ra. Từ chỉ thua Thái Lan 2 lần về số khách đón được (18 triệu so với 40 triệu năm 2019), nay khoảng cách đó bị nới rộng lên 3 lần.
Nhiều ý kiến e ngại, nếu cứ đà này, các nước trong khu vực sẽ ngày càng bứt phá, bỏ xa chúng ta nhờ tận dụng được chính những điểm tồn tại của du lịch Việt Nam, đặc biệt là về chính sách visa.
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, cho rằng, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của Việt Nam năm nay không dễ đạt được, khi các quốc gia láng giềng đang tung ra rất nhiều chiến lược cạnh tranh, trong khi các chính sách của nước ta chưa đủ sức hấp dẫn.
Không cần miễn phí, vấn đề là thủ tục
Khách quốc tế đến Việt Nam, mặc dù chỉ bằng khoảng 1/5 số khách du lịch nội địa, nhưng đóng góp vào tổng doanh thu du lịch nhiều hơn (khoảng 1,4 lần). Chưa kể, còn đem lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước. Đặc biệt, với đặc điểm khách quốc tế chi tiêu cao hơn rất nhiều khách nội địa, việc hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ giúp nhanh chóng phục hồi du lịch, mà còn kích cầu các lĩnh vực liên quan như hàng không, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, lao động việc làm,...
Khách quốc tế đến Việt Nam đang dần hồi phục, nhưng so với các đối thủ thì chúng ta vẫn bị bỏ lại trong cuộc đua. Ảnh: Nam Khánh.
Trong số nhiều vấn đề cần xem xét tháo gỡ, chính sách visa vẫn luôn được đặt lên đầu tiên. Nói như vị nữ CEO trên, chỉ cần chúng ta cải tiến thủ tục visa, đẩy mạnh chính sách visa online, không cần miễn phí. Bởi từ thực tế cho thấy, khách inbound của DN này đang chán ở Thái Lan, muốn sang Việt Nam chơi mấy ngày mà xin visa khó khăn đành chuyển tới Singapore. Trong khi đây toàn là khách chi tiêu cao, không ngại bỏ tiền xin visa. Vấn đề là ở thủ tục.
Bà Trần Nguyện thì đề xuất, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho 80 quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để tranh thủ đón khách ngay trong dịp hè này.
Về dài hạn, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó tăng thời hạn thị thực lên 90-180 ngày; thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép khách nhập cảnh nhiều lần.
Trong Sách trắng, các chuyên gia EuroCham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn visa 3 hoặc 6 tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam. Đồng thời, nên mở rộng danh sách miễn visa cho tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu, kéo dài thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và xem xét miễn visa ngắn hạn cho một số trường hợp nhất định, đặc biệt để tổ chức triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại, sự kiện thể thao.