Với chiều cao 986 m, núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Không chỉ hút du khách hành hương lễ phật, núi Bà Đen còn là điểm đến hấp dẫn của người đam mê leo núi.
Núi Bà Đen nằm trong quần thể di tích Núi Bà thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. So với hai ngọn núi còn lại trong quần thể là Núi Heo và Núi Phụng, Núi Bà Đen nổi bật với chiều cao 986 m và là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ. Quanh năm mây trắng lượn quanh đỉnh núi khiến Bà Đen trông giống như đang khoác một tấm lụa mỏng, bởi vậy núi còn có tên gọi Vân Sơn. Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng, nửa như muốn thách thức, nửa như quyến rũ khách du lịch ghé thăm.
Núi Bà Đen nhìn từ xa mờ ảo trong làn mây che phủ. Ảnh: duongbo.vn.
Để lên Điện Bà trên núi Bà Đen, du khách có 3 cách là cáp treo, máng trượt và đi bộ. Nếu chọn cáp treo bạn chỉ mất 20 phút. Hệ thống cáp treo ở Bà Đen dài 1,2 km, cao 225 m với gần hai chục cột sắt khỏe khoắn, vững chãi, như những ga tàu trên không nối đuôi nhau lên xuống. Từ cáp treo nhìn xuống là những hang động, cây cỏ xanh tươi, dây leo chằng chịt. Du khách sẽ cảm giác như đang đi vào cõi Phật với khói hương lan tỏa trong rừng cây kẽ lá, tiếng chuông chùa văng vẳng đâu đây.
Nhanh và tiện lợi không kém cáp treo là hệ thống máng trượt. Đường máng trượt ở núi Bà Đen uốn lượn bám theo đường cáp treo gồm hai tuyến: tuyến kéo (tuyến lên) dài 1.190 m và tuyến trượt (tuyến xuống) dài 1.700 m. Trong các hình thức di chuyển, máng trượt là thú vị nhất. Nếu như đi lên du khách phải di chuyển hết sức chậm chạp nhưng được thư thả chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình của non nước hai bên thì khi trượt xuống, khách du lịch sẽ được tận hưởng cảm giác tóc gió tung bay khi lao nhanh qua nhiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Giá vé cho một lượt cáp treo và trượt máng là 80.000 đồng/ người.
Máng trượt thu hút nhiều du khách trên đường lên núi Bà Đen. Ảnh: wikimapia.
Đi bộ lên núi cũng là cách nhiều người nhiều người lựa chọn. So với hai hình thức trên, đi bộ tuy vất vả hơn với một giờ đồng hồ leo núi nhưng chinh phục 1.000 bậc thang từ chân núi lên Điện Bà bằng cách đi bộ là cách thể hiện lòng thành khi hành hương hướng Phật. Dù chọn hình thức nào thì cũng chỉ đưa du khách đến khoảng giữa ngọn núi, nơi Điện Bà nguy nga tráng lệ là điểm dừng chân.
Đây là điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc hệ thống chùa trên núi Bà Đen gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Vào những ngày rằm và lễ hội, Điện Bà chật kín du khách đến thăm quan và hành hương lễ Phật.
Với những người muốn chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ thì chỉ có một cách duy nhất là tiếp tục men theo đường mòn sau lưng Điện Bà, len qua những tảng đá và hang động để lên đến đỉnh. Đường lên đỉnh núi Bà Đen quanh co, khúc khuỷu với cây rừng, đá núi và sông suối hai bên. Càng lên cao không khí càng mát dịu, khác xa với tiết trời oi nóng đặc trưng đất Tây Ninh.
Từ nóc nhà Đông Nam Bộ, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh xung quanh. Ảnh: Chie Nguyễn.
Sau hai giờ leo núi, du khách sẽ đặt chân lên đỉnh Bà Đen với vẻ đẹp hoang dại của cỏ tranh, tre, trúc và bạt ngàn cỏ lau liêu xiêu trong gió. Từ trên đỉnh núi, toàn cảnh những cánh đồng bát ngát sẽ hiện ra, nổi bật lên trên là núi Cậu phía Đông và núi Heo, núi Phụng nằm ngay bên cạnh. Ngoài thú vui chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ, đến đây du khách còn có dịp khám phá đặc sản núi Bà Đen như thằn lằn và ốc núi.
Những đĩa thằn lằn chiên giòn cuốn chung với rau giá lụa, đọt cóc, đọt rau nhái chấm mắm me mới nghe đã nổi gai ốc nhưng khi thưởng thức lại thơm, ngon, giòn, béo vô cùng. Trong khi đó, ốc núi Bà Đen là loại chỉ sống trong ốc đá, ăn lá thuốc Nàng Hai nên khi chế biến thành các món nướng, xào me, xào tỏi, xào sa tế thường có vị thuốc, mùi thơm nức và bổ dưỡng.
Theo Kim Anh