Với mức chi phí 2 triệu USD/năm của Việt Nam trong việc quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế, tờ Forbes nhận định con số này là rất thấp và chỉ bằng một lượng nhỏ so với các quốc gia khác đang dẫn đầu về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia.
Hình ảnh du khách quốc tế ngồi xích lô tham quan phố cổ do phóng viên AFP ghi lại
Theo Forbes, ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển nhanh hơn các nước láng giềng cùng khu vực trong khi chi phí đầu tư cho việc quảng bá du lịch đến với các du khách quốc tế là rất thấp.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngân sách quảng bá du lịch hàng năm của nước ta chỉ ở mức 2 triệu USD. Forbes đánh giá, mức chi phí này là một con số vô cùng nhỏ.
Và đối với việc quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Tờ báo này còn lưu ý, mức chi phí 2 triệu USD/năm là không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những tờ báo quốc tế nổi tiếng như CNN.
Mặc dù, hiện tại du lịch đã và đang trở thành một ngành công nghiệp quan trọng đối với Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) xác định là mảng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Thái Lan đang dẫn đầu về lượng du khách quốc tế (Ảnh minh họa)
Đồng thời, Forbes cũng chỉ ra rằng, các quốc gia dẫn đầu về lượng khách du lịch quốc tế trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Và đối với các quốc gia này, khoản ngân sách 2 triệu USD/năm của Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch trên thị trường quốc tế chỉ bằng 2,9% ngân sách chi cho quảng bá du lịch của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% chi phí mà Malaysia đã bỏ ra ttrong việc tiếp thị du lịch quốc gia.
Vì vậy, ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam rất khó có cơ hội để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng “chịu chi”.
Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch của Việt Nam không hẳn là suy giảm, ngành công nghiệp này đã liên tục tăng trưởng trung bình khoảng 6,5% trong vòng 5 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng, Forbes nhận định.
Dù vậy, ngành du lịch Thái Lan và Singapore đã tăng lần lượt là 12% và 10% so với cùng kỳ. Thậm chí, lĩnh vực du lịch của Lào cũng đã tăng 15% - gấp đôi tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam.
Vì vậy, Forbes nhận định, nếu Việt Nam không thể tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên của mình và đầu tư nhiều hơn cho việc quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế, ngành du lịch của nước ta sẽ bị vượt qua bởi nhiều nước láng giềng trong khu vực.
Nguyễn Thắm / BizLIVE