Trầm cảm khiến gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm, gấp 4 lần số ca tai nạn giao thông tử vong. Đây cũng là một trong 5 căn bệnh được WHO cảnh báo gây cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực Châu Á.
Thông tin trên được cho biết tại tọa đàm "Thực trạng sức khỏe - hạnh phúc của người Việt Nam và giải pháp kiến tạo nếp sống khỏe - sống an", do Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam tổ chức tại TPHCM.
96% người Việt mang gánh nặng bệnh tật kép
Cụ thể, theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) năm 2022, Việt Nam có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 77 trên tổng số 150 quốc gia. Còn theo thống kê của Tổng Cục dân số, phụ nữ Việt có tuổi thọ trung bình 77,1 nhưng có đến 11 năm sống với bệnh tật. Còn nam giới có tuổi thọ trung bình 74,4 tuổi và 8 năm mắc bệnh. Có đến 96% người Việt mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO ghi nhận năm 2012, có 350 triệu người đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh rối loạn lo âu, trầm cảm mỗi năm. Thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017, có gần 40.000 người Việt tự tử mỗi năm, gấp 4 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25% sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
WHO đã cảnh báo về 5 căn bệnh cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực Châu Á, đó là các căn bệnh lo âu, căng thẳng, trầm cảm, tự sát, rối loạn sau chấn thương và rối loạn chất gây nghiện.
Trầm cảm là căn bệnh phổ biến và là gánh nặng bệnh lý đứng thứ 2 của toàn thế giới, chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng lớn gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.
Làm thế nào để vượt qua trầm cảm?
Tại buổi tọa đàm, vận động viên Phan Thanh Nhiên, người Việt Nam trẻ nhất 2 lần chinh phục đỉnh Everest (đỉnh núi cao nhất thế giới) chia sẻ, trong lần đầu tiên chinh phục "nóc nhà thế giới" khi mới 22 tuổi, anh đã bị thiếu oxy nặng khi sắp đến đỉnh, đã nghĩ đến cái chết. Lúc này, tiền tài danh vọng với anh không còn ý nghĩa gì mà chỉ còn ao ước giữ được sức khỏe, mạng sống.
Anh Nhiên cũng chia sẻ đã từng bị trầm cảm rất nhiều. Lúc đó, giải pháp của anh là tìm về thiên nhiên và cố tập thể thao thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Khi tập đủ điều độ, cơ thể anh cũng tự nhiên trở về trạng thái bình thường. Từ kinh nghiệm bản thân, anh khuyên các bạn trẻ nên chú ý rèn luyện, hạn chế tối đa việc thức khuya, hút thuốc, uống rượu bia.
Người Việt Nam trẻ nhất 2 lần chinh phục đỉnh Everest cho biết đã từng bị trầm cảm rất nhiều nhưng biết cách để vượt qua (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Đặng Trọng Ngôn, người sáng lập hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện trên nền tảng số đầu tiên tại Việt Nam cho biết, đời sống thể chất - cảm xúc - tâm hồn - trí tuệ luôn là nền tảng hạnh phúc của mỗi con người. Để có một cuộc sống hạnh phúc, trước hết cần có một cơ thể khỏe mạnh.
Nếu không có điều kiện trực tiếp đến các bệnh viện, trung tâm trị liệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến trầm cảm, người dân có thể tìm hiểu trên các chuỗi video, audio bài tập vận động, rèn luyện hơi thở, các bài dẫn thiền, nhạc chữa lành được các chuyên gia xây dựng.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh việc trầm cảm, người dân hãy xây dựng cho mình một lối sống khoa học, khi về nhà cần buông bỏ hết mọi công việc căng thẳng để tương tác với những người thân trong gia đình. Mỗi ngày cần bỏ ra 30-45 phút tập luyện thể dục thể thao để kích thích cơ thể tiết ra những chất như serotonin, dopamine giúp cơ thể hưng phấn, vui vẻ hơn.