Kết quả khảo sát mới đây của Savills Hotel cho thấy thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam đang có quá trình phục hồi tích cực.
Cụ thể, nhằm đánh giá tình hình kinh doanh của ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19, Savills Hotel đã tiến hành khảo sát 635 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4 và 5 sao tại Việt Nam. Kết quả cho thấy có 493 cơ sở lưu trú, tương đương 78% đã mở cửa đón khách.
Trong đó đa phần các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cung cấp đầy đủ tiện ích đi kèm, chỉ một số ít cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần để cắt giảm chi phí. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 22% cơ sở vẫn tạm ngừng hoạt động cho đến khi khách quốc tế quay trở lại.
Xét theo khu vực, Hà Nội, TP HCM, Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương có tỷ trọng khách sạn và khu nghỉ dưỡng hoạt động trở lại cao nhất với gần 100%. Tiếp sau là các khu vực như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết... với khoảng hơn 70%.
Một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Mũi Né, Phan Thiết. Ảnh: Quỳnh Danh.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel Châu Á Thái Bình Dương nhận định việc mở cửa trở lại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng để đón khách được xem là một bước đi dũng cảm của các chủ đầu tư Việt Nam so với các thị trường trong khu vực. Phần lớn cơ sở lưu trú ở Hà Nội và TP.HCM đều mở cửa hoạt động trở lại nhằm giữ chân nhân sự chủ chốt và tránh mất thị phần trong trường hợp thị trường có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch.
Các cơ sở tại thị trường ven biển dường như có thái độ thận trọng hơn khi mở cửa trở lại, điển hình như Phú Quốc hay Quảng Nam với tỉ lệ mở lại lần lượt là 58% và 55%. Mức tăng công suất cho thuê chủ yếu đến từ các địa điểm du lịch có thể tiếp cận bằng xe nhà Hồ Tràm Long Hải, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, những khách sạn cao cấp và hạng sang tại các thành phố lớn có công suất sụt giảm xuống chỉ còn một chữ số, trong đó một số cơ sở chỉ đạt mức 5% do chủ yếu phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế. Một số cơ sở lưu trú có lượng khách dài hạn nên có thể duy trì công suất ở mức cao hơn.
Thị trường nội địa mặc dù chiếm 83% tổng lượng khách du lịch trong năm 2019 nhưng đây được xem là nhóm khách nhạy cảm hơn về ngân sách chi tiêu. Nhóm khách này thường hướng đến các khách sạn và khu nghỉ dưỡng với mức ngân sách tầm trung. Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti nhận định một số khu nghỉ dưỡng cao cấp vẫn có thể thu hút được khách nội địa nếu có các chương trình ưu đãi hấp dẫn và phù hợp.
Ghi nhận, hầu hết khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi đa dạng. Nhóm phân khúc cao cấp thường đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển,... nhằm thu hút khách du lịch trong nước. Những động thái này được xem là chiến lược tốt giúp các cơ sở lưu trú nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch trong thời gian tới.
Ông Mauro nhận xét sự giảm mạnh của lượng khách du lịch đã khiến cho giá phòng trung bình trong tháng 4 vừa qua, đặc biệt là phân khúc phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế bị sụt giảm đáng kể. Cụ thể, giá phòng trung bình tháng 4 đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.