Từ 1-10-2019, thực phẩm đóng gói sẵn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải thực hiện ghi nhãn mác bằng tiếng Trung. Điều này, liệu có gây khó khăn gì cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
Việc ghi nhãn bằng tiếng Trung Quốc không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh là sản phẩm trái cây được bày bán tại một siêu thị. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, đơn vị này chưa nhận được thông báo nêu trên, nhưng khẳng định việc áp dụng ghi tiếng Trung trên nhãn mác bao bì sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn sẽ không gây khó khăn gì cho doanh nghiệp.
Theo ông Văn, việc quốc gia nhập khẩu yêu cầu ghi thông tin trên bao bì sản phẩm bằng tiếng của quốc gia đó đã được các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Trường Giang nói riêng thực hiện từ lâu.
“Chẳng hạn, xuất khẩu vào các thị trường như Ả Rập Xê Út, Pakistan hay Ấn Độ…, thì mình cũng phải ghi tiếng của những quốc già này rồi”, ông dẫn chứng và cho rằng với các thị trường như châu Âu, Mỹ, thì cũng đã áp dụng, nhưng ghi bằng tiếng Anh.
Ông Văn của Trường Giang cho biết, hiện tại sản phẩm của đơn vị này xuất sang Trung Quốc bên cạnh ghi tiếng Anh, thì tên sản phẩm (cá tra) và tên công ty nhập khẩu được ghi bằng tiếng Trung Quốc trên nhãn mác bao bì.
Chính những lý do trên, ông Văn tái nhấn mạnh doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn gì. “Trước đây, chúng tôi cũng đã làm rồi, thành thử nếu thay đổi cũng không có gì khó khăn hết”, ông nói và cho rằng chỉ cần điều chỉnh đôi chút về mặt kỹ thuật khi in, trên bao bì thể hiện thông tin bằng tiếng Trung theo yêu cầu được phía Trung Quốc đưa ra.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu cũng nhấn mạnh, việc áp dụng như trên sẽ không có khó khăn gì cho doanh nghiệp. “Trung Quốc có thay đổi cũng không gặp khó khăn cho doanh nghiệp vì người ta yêu cầu sao mình làm vậy”, bà nói.
Mục đích yêu cầu nêu trên của Trung Quốc, theo bà Thu, nhằm chuẩn hóa sản phẩm. “Điều này, cũng giống như đi Mỹ, họ yêu cầu gì mình làm y chang vậy thôi”, bà nói và giải thích việc này giúp đưa vào hệ thống máy móc kiểm tra được dễ dàng hơn.
Trước đó, ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi thuộc Bộ Công Thương đã ký văn bản số 6398/BCT-AP về việc Trung Quốc sửa đổi quy định về quản lý, giám sát và ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu.
Theo đó, từ ngày 1-10-2019, việc xuất khẩu thực phẩm đóng gói sẵn vào Trung Quốc phải được ghi bằng tiếng Trung trên nhãn mác sản phẩm.
Nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm đảm bảo nhãn mác bằng tiếng Trung trên bao bì đóng sẵn của thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải phù hợp với các quy định pháp luật liên quan của quốc gia này; phù hợp với quy định hành chính và yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia; nếu thẩm tra không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ không được nhập khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đóng gói sẵn cần đảm bảo nhãn mác bao bì đóng gói sẵn của thực phẩm xuất khẩu được đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia/ vùng lãnh thổ nhập khẩu hoặc yêu cầu của hợp đồng thương mại.
Liên quan vấn đề nêu trên, vào năm 2017, phía Trung Quốc đã có thông báo 185/2017 trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dự kiến ban hành biện pháp kiểm tra và giám sát ghi nhãn thực phẩm bao bì đóng gói sẵn xuất nhập khẩu vào Trung Quốc, theo Vụ thị trường châu Á- châu Phi.
Vào ngày 9-1-2018, WTO cũng đã có thông báo G/TBT/N/CHN/1246 gửi đến các thành viên để góp ý.
Phí Trung Quốc cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu thực phẩm vào thị trường này cần chủ động phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu về việc ghi nhãn mác trên bao bì thực phẩm đóng gói sẵn.
Theo Trung Chánh
(TBKTSG Online)