Gia Lai là một trong 5 tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên, được xác định là có quĩ đất lớn, màu mỡ để phát triển kinh tế nông nghiệp một cách toàn diện, nhất là khả năng phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, tiêu, ca cao... và chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm có qui mô lớn.
Cán bộ tín dụng và tổ vay vốn thăm hỏi hộ vay tại địa bàn (Ảnh Internet)
Tuy nhiên, nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, số hộ nghèo lại rất phổ biến mà những nguyên nhân chính được xác định là trình độ canh tác của người dân còn thấp, việc áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất rất hạn chế và phần nữa là thiếu vốn.
Để giải quyết vấn đề trên, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã tích cực hỗ trợ người dân, tạo điều kiện ban đầu để họ thoát nghèo. Năm 2016 là năm đầu tiên Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai thực hiện cho vay hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Theo báo cáo rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy, Gia Lai còn 64.048 hộ nghèo, chiếm 19,71% tổng dân số, tăng hơn 8,3 lần so với cuối năm 2015. Là ngân hàng của người nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã bám sát số liệu điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 để bình xét cho vay đúng đối tượng. Từ nguồn vốn ủy thác của tỉnh cộng với nguồn vốn trung ương phân bổ, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã cho vay đến đối tượng hộ nghèo 364,2 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 184,7 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo 96,4 tỷ đồng. Doanh số cho vay hiện nay đã góp phần gia tăng dư nợ hộ nghèo toàn tỉnh lên 1.120 tỷ đồng/51.439 hộ dư nợ, tăng 132,3 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 32,7%/tổng dư nợ. Dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 610,6 tỷ đồng/23.692 hộ dư nợ, tăng 129,2 tỷ đồng so với đầu năm 2016, chiếm 17,8%/tổng dư nợ. Kết quả này cho thấy, tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đã đáp ứng 80 - 90% nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai cũng tạo điều kiện tối đa giúp bà con cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các chương trình cho vay xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; cho vay đi học; cho vay làm nhà ở; cho vay giải quyết việc làm. Với mô hình “hoạt động mở” thông qua nhiều kênh tiếp cận như hiện nay, nguồn vốn chính sách tuy chỉ đáp ứng nhu cầu ban đầu để phát triển sản xuất, giải quyết những nhu cầu tối thiểu cho những đối tượng trên nhưng rõ ràng, rất hữu ích cho công tác giảm nghèo, tạo ra cơ hội cho rất nhiều người dân có cuộc sống ổn định hơn, đồng thời giúp họ thay đổi về nhận thức nhiều mặt, kể cả điều kiện phòng chống các loại dịch bệnh bằng việc dùng nước sạch.
Theo kế hoạch ban đầu, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10% trong năm nay, tuy nhiên, do nhu cầu từ thực tế đã điều chỉnh kế hoạch tăng thêm 2%, nâng tỷ lệ tăng trưởng cả năm là 12% nhằm bổ sung vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 và khắc phục hạn hán của thời kỳ đầu năm.
Hoàng Anh Phượng / baocongthuong