Gia Lai được đánh giá là tâm điểm kết nối Tây Nguyên với Vùng duyên hải miền Trung và Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV). Vị trí này giúp tỉnh mở ra cơ hội liên kết phát triển vùng.
Gia Lai sở hữu tiềm năng đa dạng, thuận lợi cho phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trong ảnh: Biển Hồ Gia Lai
Tiềm năng phát triển đặc thù
Tại những hội thảo kinh tế gần đây, các chuyên gia đều có chung nhận định, để miền Trung, Tây Nguyên có bước phát triển mang tính đột phá, bên cạnh phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng dọc, thì nhất thiết phải tối ưu hóa trục giao thông ngang, mục đích là tạo sự liên kết từ Tây sang Đông, khai thác hiệu quả khu vực kinh tế Tây Nguyên và rộng hơn là phát huy hiệu quả vai trò là cánh cửa phía Đông của Tam giác phát triển CLV.
Cũng như các địa phương khác của khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sở hữu đầy đủ những điều kiện hỗ trợ phát triển từ tài nguyên khoáng sản, đất đai, rừng, du lịch… Đây cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc của các dân tộc. Lợi thế lớn nhất của Gia Lai chính là điều kiện hạ tầng khá thuận lợi, với những tuyến đường huyết mạch kết nối với vùng Duyên hải miền Trung năng động qua Quốc lộ 19, Quốc lộ 25 và Quốc lộ 78 với Campuchia. Những lợi thế đó đã được khai thông và mở ra cơ hội phát triển lớn cho Gia Lai. Năm 2021, tình hình kinh tế tuy có nhiều thách thức do dịch bệnh và thiên tai, nhưng Gia Lai vẫn duy trì sự ổn định trong thu hút đầu tư và triển khai dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và năng lượng tái tạo.
Chung sức tạo nên kỳ tích mới cho Gia Lai
Trải qua 2 năm gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, nhưng được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, Gia Lai đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhờ đó tỉnh đã đạt kết quả tăng trưởng dương năm 2021 và quý I/2022, cùng những tín hiệu vui trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo…
Dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát tốt, nhân dân đồng thuận. Với những tiềm năng, thế mạnh riêng biệt, định hướng phát triển rõ ràng, phù hợp, cùng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, Gia Lai đang sẵn sàng đón chào các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nhiều cơ hội lớn.
Trong bối cảnh Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đang khẩn trương thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều chính sách ưu đãi, tiếp sức mạnh mẽ cho các địa phương, đây là cơ hội quan trọng để tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư chung sức tạo nên những kỳ tích mới, khác biệt trên quê hương Gia Lai.
.Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai
Xét về điều kiện phát triển, Gia Lai có 90 km đường biên giới chung với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Cảng hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và ngược lại. Trên địa bàn có một số nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.
Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm, cửa ngõ đi ra biển của các tỉnh trong khu vực. Đây là điều kiện để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy lợi thế vốn có, nhằm tăng năng lực sản xuất và hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá để nền kinh tế phát triển đúng hướng, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực, thúc đẩy các tỉnh khác cùng phát triển.
Chính quyền tỉnh Gia Lai cũng khẳng định rõ vai trò của liên kết giữa các địa phương. Qua liên kết, các địa phương có thể hỗ trợ nhau hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần khắc phục và xây dựng lại cơ chế trong liên kết vùng, giúp các địa phương thống nhất, hoạt động đồng bộ, chia sẻ lợi ích chung, tạo ra thương hiệu để thu hút đầu tư.
Nhiều chuyên gia đã khẳng định, phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù nhằm huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tăng cường liên kết với các khu vực và trung tâm đô thị lớn. Điều này đã được hiện thực hóa thông qua những tuyến tuyến giao thông chính được đầu tư nâng cấp như Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 liên kết Tây Nguyên với các khu vực khác, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng đặc thù của địa phương, đầu năm 2022, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ những tiềm năng để phát triển nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp như cà phê, dược liệu, phân bón...
Theo Tỉnh ủy Gia Lai, địa phương có thể phát triển các dự án điện mặt trời, quy mô công suất đạt 7.500 MW, các dự án điện gió quy mô công suất lên đến 11.950 MW. Đặc biệt, với lĩnh vực du lịch, Gia Lai có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển của khu vực Tây Nguyên, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh; nhiều di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu, đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sẵn sàng đón sóng đầu tư
Tiềm năng lớn, lợi thế đặc thù là những yếu tố cần, nhưng để hiện thực hóa cơ hội thành sự phát triển mang tính đột phá thì Gia Lai phải có định hướng mang tính chiến lược, rõ ràng. Điều này được ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai khẳng định rõ trong quan điểm thu hút đầu tư của địa phương, đó là thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai trở thành tỉnh động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển CLV.
Mục tiêu thu hút đầu tư của Gia Lai cũng được định vị rõ ràng là tập trung vào các lĩnh vực tỉnh đang có tiềm năng lớn như hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống cây trồng, trồng rừng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, hạ tầng logistics, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, các khu đô thị mới...
Mục tiêu của Gia Lai trong giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn thu hút đầu tư là 40.000 tỷ đồng. Nông nghiệp công nghệ cao: 1.500 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Công nghiệp chế biến 8.700 tỷ đồng. Năng lượng tái tạo thu hút đầu tư mới đưa vào hoạt động 3.000 - 3.500 MW. Du lịch thu hút 1,7 triệu lượt khách, doanh thu 900 tỷ đồng.
Mục tiêu đến 2030, Gia Lai trở thành Trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm sản của Tây Nguyên và 13 tỉnh thuộc Tam giác phát triển CLV. Thu hút 1.500 MW năng lượng tái tạo. Du lịch thu hút 4,2 triệu lượt khách.
Gia Lai đặt nhiều kỳ vọng cho sự phát triển nhanh, với tổng mức đầu tư xã hội đạt 40.000 tỷ đồng vào năm 2030. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, phát triển nhanh nhưng phải bền vững trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. “Đảng và Nhà nước đã nói rất nhiều là không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế đơn thuần”, ông Hồ Văn Niên khẳng định tại Hội nghị chuyên đề về quy hoạch của Tỉnh ủy gần đây.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tiềm năng và lợi thế đặc thù của Gia Lai đã được minh chứng thông qua kết quả thu hút đầu tư, theo đó, tính đến hết năm 2020, Gia Lai thu hút được 570 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến 800.000 tỷ đồng.
“Riêng năm 2020, tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 10%, phần còn lại là của doanh nghiệp. Gia Lai đã đạt tốc độ tăng trưởng 9,71%, thu ngân sách 8.000 tỷ đồng”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, kết quả này đạt được trong giai đoạn dịch bệnh và thiên tai diễn ra liên tục là rất đáng ghi nhận đối với nỗ lực của Gia Lai. Đây là minh chứng sự thống nhất, nhất quán từ cấp ủy đến chính quyền địa phương trong định hướng thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Nói về triển vọng thu hút đầu tư trong thời gian tới, ông Thành cho rằng, cơ hội đã và đang mở ra rất lớn cho Gia Lai, tỉnh kỳ vọng sẽ đón làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và du lịch.
“Định hướng thu hút đầu tư vào Gia Lai đã được Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Nghị quyết 16-NQ/TU, trong đó có riêng chương trình thu hút đầu tư có trọng điểm, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và du lịch”, ông Thành thông tin.