Trong cạnh tranh thu hút đầu tư, sự khác biệt tạo nên lợi thế, còn chính sách thông thoáng sẽ là chất xúc tác để gia tăng hiệu quả. Gia Lai đang nắm trong tay cả hai yếu tố đó.
Diện mạo TP. Pleiku đang thay đổi từng ngày theo nhịp phát triển của miền đất Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Tân
Tiềm năng đặc biệt
Trước hết, tiềm năng dễ nhận thấy rõ nhất đó chính là diện tích, bởi Gia Lai có diện tích đứng thứ 2 cả nước, sau Nghệ An với hơn 15.000 km². Với lợi thế đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa trong sự đa dạng, nên Gia Lai là địa phương rất phù hợp với nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện nay Gia Lai có trên 1,4 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng diện tích canh tác mới chỉ chiếm hơn 510.000 ha. Như vậy, quỹ đất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn rất nhiều để các nhà đầu tư có thể khai thác thế mạnh này để thực hiện các dự án có quy mô lớn về mô hình trang trại, cũng như các dự án nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
So với nhiều địa phương khác, Gia Lai có một đặc điểm rất khác biệt. Đó chính là toàn tỉnh được chia thành 3 vùng địa hình rõ ràng: vùng đồi núi, cao nguyên, thung lũng đồng bằng. Cả 3 vùng địa hình nằm xen kẽ nhau và tạo nên đặc trưng khí hậu riêng của mỗi khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô công nghiệp, ngành nông nghiệp công nghệ cao với các loại sản phẩm rau quả xứ lạnh, phát triển các loại cây trồng hiệu quả cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè… gắn với ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp.
Gia Lai cũng là địa phương có nguồn khoáng sản đa dạng và phong phú, trong đó nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao như: bô xít, vàng, đá granit, đá vôi, sét, cát xây dựng… Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ngành công nghiệp khai khoáng ở Gia Lai hầu như chưa phát triển, thiếu nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, về khoa học công nghệ để có thể khai thác được các thế mạnh này.
Một lợi thế khác không thể không nhắc đến của Gia Lai, đó là rừng. Theo khảo sát, toàn tỉnh Gia Lai hiện nay có trên 800.000 ha đất lâm nghiệp, với nhiều loài lâm sản quý cùng sự đa dạng chủng loại động, thực vật nhờ sự đa dạng về khí hậu. Hiện nay, diện tích đất rừng sản xuất vẫn còn hàng trăm ngàn ha, phù hợp phát triển vùng cây nguyên liệu giấy…
Về tiềm năng du lịch, Gia Lai sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, thiên nhiên kỳ thú, địa danh nổi tiếng như Biển Hồ, núi Chư H’Rông, Vườn Quốc gia Kon Ka King - di sản Asian, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng…; các di tích văn hoá - lịch sử cách mạng như Nhà lao Pleiku, Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo (di tích căn cứ địa của Tây Sơn Nguyễn Huệ), làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp) và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sở hữu nhiều tiềm năng lớn như thế, nhưng cho tới nay, du lịch Gia Lai vẫn như một “cô gái đẹp chưa thức giấc”.
Lợi thế về hạ tầng “mềm”
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông của Tây Nguyên liên tục được đầu tư nâng cấp hoàn thiện đồng bộ như các tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, đường Trường Sơn Đông…, Cùng với đó, Sân bay Pleiku cũng đã được nâng cấp mở rộng đủ khả năng đón các loại máy bay hiện đại đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai và khu vực lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên. Việc “rút ngắn khoảng cách” đã góp phần mở cánh cửa mới để Gia Lai đón các nhà đầu tư tiềm năng đến với tỉnh.
Không chỉ được đầu tư về “hạ tầng cứng”, Gia Lai còn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư cho “hạ tầng mềm”.
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2016, Gia Lai đã tiến hành triển khai dịch vụ hành chính công và Trung tâm Xúc tiến đầu tư Gia Lai thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được áp dụng triển khai thực hiện mô hình này với “dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư”… với biểu giá dịch vụ được niêm yết công khai, minh bạch; thời gian chờ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thời gian khắc dấu, công bố mẫu dấu đã được rút ngắn đáng kể.
“Điều này giúp giảm chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy mới được triển khai từ tháng 5/2016, nhưng việc áp dụng đã được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và yêu cầu nhân rộng”, ông Thành chia sẻ.
Không chỉ đi đầu trong việc tiến hành cải cách, rút ngắn các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh, Gia Lai đã ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở một số ngành nghề thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp, quảng bá phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng… Theo đó, các chính sách bao gồm hỗ trợ về san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; hỗ trợ chi phí lập dự án đầu tư và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm, chợ công nghệ quốc tế…
Có thể nói, với những tiềm năng thế mạnh riêng biệt, sự đổi mới “hạ tầng cứng” lẫn “hạ tầng mềm”, Gia Lai đang dần trở thành một mảnh đất lành, đón những nhà đầu tư “đầu đàn” trở về quần tụ.
Ngọc Tân / baodautu