Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, mạng lưới dạy nghề đã có mặt ở khắp các khu vực từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Mấy tháng qua, chị Lâm Thị Hoa, 33 tuổi ở huyện Chư Pưh rất phấn khởi bởi từ khi học xong lớp dệt thổ cẩm, Hoa đã có thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng từ việc dệt, may các sản phẩm như: túi, khăn, áo bằng chất liệu này. Không chỉ chị Hoa mà rất nhiều lao động nữ khác đã nhận thấy việc học nghề là hoàn toàn đúng đắn, vừa nâng cao trình độ, vừa có thêm được việc làm lúc nông nhàn.
Nhiều lao động nữ ở nông thôn, miền núi đã có thêm thu nhập từ các mô hình đào tạo nghề - Ảnh: Minh Châu
Với 17 cơ sở dạy nghề công lập, hàng trăm cơ sở, điểm dạy nghề tư nhân và các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở Gia Lai đến nay đã cơ bản được đáp ứng, phù hợp với nguyện vọng và tập quán của các đối tượng khác nhau, góp phần tích cực trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp – dịch vụ của tỉnh, đồng thời cung cấp lao động cho các thị trường lao động ngoài nước, các khu công nghiệp trên địa bàn ở các ngành nghề như hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, chăn nuôi thú y, trồng và bảo vệ thực vật…
Trong quá trình học, cùng với việc được trang bị kiến thức, học viên đã được các cơ sở đào tạo tăng cường các giờ thực hành để sau khi hoàn thành khóa học, học viên có khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện năng suất lao động, giảm bớt chi phí trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hoạt động đào tạo nghề cũng có những điều chỉnh cho phù hợp.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2015, toàn tỉnh Gia Lai đã đào tạo được gần 25,8 nghìn lao động thì trong đó, lao động nông thôn là trên 19,8 nghìn người, lao động là người dân tộc thiểu số trên 16,5 nghìn người. Lao động theo học các nghề nông nghiệp, sau khi được đào tạo tỷ lệ có việc làm là khoảng 74%. Dù phần lớn vẫn tiếp tục theo đuổi ngành nghề cũ nhưng năng suất lao động đã được nâng lên, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 5-20%, thu nhập tăng từ 10-30% như nghề trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, cà phê, hồ tiêu.
Đáng chú ý, để lao động nông thôn sau khi đào tạo có được việc làm ổn định, cứ vào ngày mồng 10 hằng tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm, duy trì tỷ lệ lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ở mức 72%.
Một số nghề được tập trung đào tạo gắn với đối tượng là lao động người dân tộc thiểu số đã khẳng định sự phù hợp khi không chỉ thu hút ngày một đông học viên theo học mà còn giúp tạo việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho bà con.
Chẳng hạn như mô hình đào tạo nghề dệt thổ cẩm kết hợp cắt may đã giúp cho nhiều lao động nữ có thêm thu nhập từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ lao động học nghề dệt thổ cẩm tự tạo được việc làm, tăng thêm thu nhập đạt 92%. Một số nghề như nghề xây dựng, sửa máy nông nghiệp cũng dễ dàng tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1 triệu đồng so với lúc chưa học nghề.
Nghề xây dựng dân dụng cũng được nhiều lao động nông thôn lựa chọn - Ảnh: Minh Châu
Mặc dù vậy nhưng trước thực tế nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn chưa chú trọng tới việc học nghề, vẫn còn tình trạng không kiếm được việc làm sau khi được đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đơn vị còn nhiều bất cập cùng với chất lượng dạy nghề của các cơ sở trên địa bàn chưa đồng đều… thời gian tới, Gia Lai xác định tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Vận động lao động nông thôn là đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia học nghề.
Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đầu tư bổ sung các hạng mục, trang thiết bị còn thiếu cho các cơ sở dạy nghề gắn với đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của người học, tăng cường thời gian rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm trong thực tập, thực hành.
Cùng với việc lập bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề tập trung vào việc nghiên cứu thị trường lao động để lựa chọn ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề, thu hút nhiều hơn các cơ sở ngoài công lập cùng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào các khâu từ xây dựng nội dung, chương trình đào tạo đến phân công các lao động lành nghề cùng tham gia giảng dạy, tạo điều kiện để học viên thực tập tại các doanh nghiệp, “đặt hàng” đào tạo để có đầu ra đạt chất lượng làm việc ngay tại các doanh nghiệp./.
Minh Châu / dangcongsan.vn