“Ám ảnh” với chiếc xe đạp tre được giới thiệu tại một cuộc triển lãm và hội thảo khoa học ở nước ngoài, Phạm Minh Trí quyết định về Việt Nam theo đuổi giấc mơ đưa chiếc xe thân thiện với môi trường này tham gia bản đồ “phương tiện chuyển động thế giới”, dù bị nhiều người nhìn với ánh mắt dành cho người điên.
Cái lý của “người điên”
Lòng vòng mãi ở quận 12, TP.HCM, chúng tôi mới tìm thấy xưởng sản xuất xe đạp bằng tre của anh Phạm Minh Trí. Trong gian nhà do chính anh bỏ công thiết kế và xây dựng, anh cùng 4 người thợ cũng ở lứa tuổi 8X hàng ngày vẫn miệt mài chế tạo, lắp ghép những chiếc xe đạp bằng tre đi trong thành phố hay xe đua theo yêu cầu của các khách hàng ở tận nước Úc và châu Âu xa xôi.
“Mọi việc bắt đầu không dễ dàng khi bạn bè đều nghĩ tôi bị điên. Không ai trong số họ muốn cùng tôi thực hiện ý tưởng này. Không ít người tỏ ra nghi ngại hỏi rằng, xe này có đạp được không. Họ còn hỏi mua các khung xe của tôi về chỉ để… trang trí”, anh Trí tâm sự và cho biết, người Việt còn hoài nghi với xe đạp tre vậy, nhưng trên thế giới, chiếc xe đạp tre đầu tiên được cấp bằng sáng chế ở Anh do Công ty Bamboo Cycle giới thiệu đến công chúng từ năm 1894.
Doanh nhân Phạm Minh Trí
Cộng hòa Ghana được coi là “cái nôi” của xe đạp tre, gắn liền với tên tuổi của một kỹ sư người Mỹ là Craig Calfee Calfee. Đặc tính dẻo dai, đàn hồi, bền, chắc, dễ kiếm và thân thiện với môi trường của tre đã khiến hoạt động sản xuất xe đạp tre không chỉ khả thi ở Ghana, mà còn đang lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Đến nay, xe đạp tre đang dần được đón nhận ở nhiều thị trường trên thế giới, như thể đây là lựa chọn tối ưu vừa có thể tiết giảm chi phí để mua xe đạp nhôm hay kim loại vừa bảo vệ được môi trường.
Nói về cái duyên với xe đạp tre, anh Trí cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành ô tô tại Việt Nam, anh tiếp tục học thạc sĩ chuyên sâu về vật liệu và mô phỏng tại Đại học Berlin (Đức - một đất nước được ví là “một siêu quốc gia” trong ngành công nghiệp tự động). Năm 2009, sau khi nhìn thấy xe đạp tre tại một cuộc triển lãm và hội thảo khoa học do trường tổ chức, anh bị “ám ảnh” bởi loại xe này.
“Tại sao người ta làm được mà mình không làm được, trong khi tại Việt Nam, tre là ‘người bạn thân thiết’ từ xa xưa. Là một người có hiểu biết nhất định về cơ khí, chế tạo, lắp ráp, tôi tin rằng, mình đã làm đúng và có cơ sở. Khởi nghiệp không phải là bất chấp tất cả, mà phải có những nền tảng cơ bản nhất về lĩnh vực mà mình theo đuổi”, anh Trí chia sẻ.
Anh Trí tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch đưa khuôn đúc vào hoạt động bởi điều này sẽ làm giảm tần suất tiếp xúc với hóa chất và bụi của công nhân. |
Trong quá trình hoàn thành việc học và làm việc ở Bộ phận Thiết kế vật liệu tại Hãng ô tô ở Stuttgart (Đức), anh Trí có điều kiện tiếp xúc với các loại mẫu và vật liệu chế tạo. Sau đó, anh vẽ ra sườn xe, đưa vào chương trình thiết kế mô phỏng tính toán các chỗ chịu lực, rồi thay vật liệu và lên kế hoạch, về Việt Nam thực hiện.
Khó khăn lớn nhất đối với anh lúc đó là phải tìm ra đúng nguyên liệu theo tính toán, nếu không, những khớp nối không đủ độ đàn hồi, không chịu được lực và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Rồi còn phải tìm xem, trong hàng trăm, hàng ngàn loại tre ở Việt Nam, đâu là vật liệu đáp ứng được yêu cầu để sản xuất xe đạp. Sau khi tìm hiểu và sàng lọc, anh lựa ra 18 loại tre có tính ứng dụng để thử nghiệm và cuối cùng chọn tầm vông tại vùng Thất Sơn, An Giang làm khung xe.
“Loại tre này có đặc tính cơ lý tốt, không quá đặc cũng không quá rỗng, độ dày khoảng 5-7 mm. Đặc biệt, độ dẻo đai, đàn hồi và khả năng hấp thụ chấn động tự nhiên của tầm vông rất tốt để làm khung xe. Đây cũng là yếu tố giúp người sử dụng xe đạp tre ở những đoạn đường gồ ghề mà không bị xóc”, anh Trí cho biết.
Ngoài ra, vì mỗi loại keo đều có đặc tính và thông số khác nhau, nên anh phải nhập khẩu đúng loại keo epoxy để tạo nên sự kết hợp giữa keo và sợi được hoàn hảo và an toàn nhất. Là dân kỹ thuật, nên anh phải cẩn thận ở mọi công đoạn, tính toán chuẩn xác ngay từ đầu, sao cho những chiếc xe sau khi hoàn thành phải đồng nhất 100% về chất lượng.
“Chi phí cũng là thứ quan trọng phải tính đến. Với số vốn ban đầu chỉ khoảng 40 triệu đồng, tôi nghĩ xe bán rồi sẽ xoay vòng vốn, nhưng sự thật không phải vậy. Vì là dân kỹ thuật, nên tôi không thể làm sơ sài, do đó, chi phí R&D cực kỳ cao, khoảng 1 tỷ đồng. Thực sự đến giờ chưa bù đắp được chi phí đó, nhưng về lâu dài, đó là điều cần thiết, tạo nên sự riêng biệt, độc đáo so với các sản phẩm khác trên thị trường”, anh Trí chia sẻ.
“Bình dân hóa” xe đạp tre
Sau khi đốn hạ, thân tre được sấy khô và nhiệt luyện để ngăn ngừa nứt vỡ, rồi được ghép nối với nhau bằng sợi gai dầu, bên ngoài bọc bằng nhựa tổng hợp. Khung xe được làm bằng tre, trong khi các bộ phận khác như vỏ xe, dè xe, chắn sên, tay lái… vẫn có thể làm bằng tre, nếu khách hàng có yêu cầu.
Sau khi chế tạo được 20 chiếc xe đạp tre, anh Trí mới tìm ra bí quyết làm ra chiếc sườn bằng tre rắn chắc. Vì một số đặc tính khớp nối giữa yên với thân xe, kẹp gắn với đĩa, bánh xe và cổ xe vẫn chưa thay thế hoàn toàn bằng loại nguyên liệu tự nhiên này được. Với lợi thế của dân kỹ thuật, anh đã chế tạo chiếc máy thử nghiệm tác động lực trước khi xuất xưởng, để đảm bảo khung sườn chịu được trọng lượng và lực tác động trong lúc di chuyển, thể hiện trách nhiệm của người sản xuất với sản phẩm của mình.
Khách hàng đầu tiên của anh Trí là một công ty tại Đức và đang là đối tác phân phối sản phẩm của anh tại thị trường này. Hiện tại, sản phẩm này khá kén người sử dụng do giá thành khá cao, có lẽ do việc sản xuất xe đạp tre, dù không đòi hỏi phải đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng, nhưng tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức của những người thợ, riêng thời gian làm một khung xe là khoảng 35-40 tiếng. Nếu chỉ tính khung xe thì giá cũng từ 9 triệu đến 13 triệu đồng tùy loại. Còn mỗi chiếc xe hoàn thiện có giá từ 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng tùy từng dòng sản phẩm và phụ tùng đi kèm.
Mức giá trên còn khá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam, nhưng chỉ bằng 1/2 đến 1/3 so với sản phẩm cùng loại trên thế giới. Minh Trí hy vọng, cùng với thời gian, giá xe đạp tre sẽ hạ dần cho phù hợp với túi tiền của người dân. Đến nay, xe của Công ty Xe đạp tre Việt đều đạt tiêu chuẩn ISO 4210 của SGS (Thụy Sỹ) và DIN (Đức) và Công ty đã xuất hơn 200 chiếc đến các nước châu Âu. Hiện Công ty có các mẫu xe cổ điển, thành thị, xe leo núi, xe đua… và tương lai sẽ đưa ra những dòng sản phẩm bán công nghiệp sử dụng khuôn đúc để giảm thời gian làm thủ công, từng bước giảm giá thành và tiếp cận với nhiều người Việt hơn.
“Tôi phải nghiên cứu mỗi ngày 8 giờ, liên tục trong 3 tuần mới có thể hoàn chỉnh mô hình khuôn đúc mới này. Nhưng khoảng thời gian đó quả là đáng giá đến từng phút một. Hy vọng, việc đưa khuôn đúc vào sử dụng sẽ cho ra đời dòng xe đạp tre có giá khoảng 6 triệu đồng/chiếc, phù hợp với nhân viên văn phòng. Xe vẫn sẽ nhẹ, đủ khả năng tải trọng lượng của chủ nhân khi đạp xe ngay cả trên địa hình dốc đá và có độ bền hơn 20 năm”, anh Trí chia sẻ.
Anh Trí tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch đưa khuôn đúc vào hoạt động bởi điều này sẽ làm giảm tần suất tiếp xúc với hóa chất và bụi của công nhân. “Mỗi công nhân của Công ty đều được huấn luyện 3-4 tháng mới đủ khéo tay để làm một khung xe. Tuy nhiên, không thể để họ cứ mãi hít thở trong môi trường có hóa chất hay bụi như hiện nay được. Khuôn đúc được thiết kế với hệ thống lọc gió để làm sạch không khí, giảm được khoảng 80% lượng khí bụi. Dù sẽ tốn nhiều chi phí, nhưng đó mới là cách làm phát triển bền vững”, anh Trí cho biết.
Công ty Xe đạp tre Việt vừa cho ra mắt một số mẫu xe không sử dụng xích như các xe thông thường mà sử dụng dây curoa. Dây curoa này không cần dầu như xích xe đạp bình thường, nên rất thân thiện với môi trường. Song song đó, anh còn đang hợp tác cùng các khu du lịch để cho khách du lịch thuê xe khi đến tham quan.
Chia tay anh khi chiều muộn, nhìn anh vội vã quay lại xưởng sản xuất, tôi mới thấy ý nghĩa của câu nói “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ” và thầm cảm phục “người điên” này.
Trao đổi nhanh với Minh Trí Khách mua xe đạp tre có gì “khác lạ” không, thưa anh? Đa số họ là người nước ngoài và muốn thể hiện cá tính riêng. Vì thế, các chi tiết nhỏ như màu sơn lên thanh tre, màu giỏ xe, các bộ phận không làm bằng tre… cũng phải thuận lòng với yêu cầu của họ. Nhưng không sao, họ càng yêu cầu khó, chúng tôi càng có động lực để nâng cao tay nghề của mình. Mục tiêu trong 3-5 năm tới của Công ty Xe đạp tre Việt là gì? Là không phá sản. Khách hàng thị trường này đang dần bão hòa, đòi hỏi tôi phải thiết kế ra sản phẩm có đặc trưng riêng như phát triển sản phẩm bán công nghiệp khuôn đúc và bán khoảng 30 chiếc/tháng. Động lực chính để anh sản xuất xe đạp tre là gì? Hãy tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời khi chúng ta đạp xe trong một bầu không khí tinh khiết và tươi mát. Nó sẽ mang đến một niềm vui khó tả, nếu chiếc xe đạp của bạn cũng là một phần của thiên nhiên. |
Hồng Phúc