Không thể cầm cự qua đợt Covid-19, chị Kim Thanh phải tìm người nhượng lại căn hộ đang làm Airbnb tại Quán Thánh, Hà Nội.
Đã rao tìm chủ mới cho căn hộ kinh doanh Airbnb hôm 15/3, nhưng chị Thanh vẫn chưa thấy người hỏi thăm. "Dịch này ảnh hưởng toàn cầu nên ai cũng đói kém. Giờ mà nhận nhượng lại thì chắc cũng ôm nhà 2-3 tháng để không, nên người có tiền cũng chần chừ đợi tình hình", chị thừa nhận.
Căn hộ đang kinh doanh của chị Thanh rộng 80 m2, với 3 phòng ngủ. Trong tháng 2/2020, tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức 80%, với nguồn khách từ Airbnb và số ít của Agoda. Tuy nhiên, sang tháng này, du lịch gần như đóng băng và dịch bệnh lan rộng nên chị quyết định tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn.
Chủ căn hộ chấp nhận giảm 2 triệu tiền nhà mỗi tháng cho các tháng 5, 6, 7 nhưng chị Thanh nhẩm tính không thể cầm cự nổi. "Tiền thuê nhà vẫn cao mà cả tháng không có khách thì cũng chết. Tôi cũng đang rao cho thuê lại dài hạn nhưng không khả thi lắm vì phần lớn mọi người đang có xu hướng về quê tránh dịch hoặc thu nhập giảm nên không có tiền thuê", chị nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ 0h ngày 18/3, người nước ngoài sẽ bị dừng cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam. Những trường hợp được miễn thị thực hoặc có giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, chuyên gia, doanh nghiệp, lao động tay nghề cao... khi nhập cảnh phải có giấy xác nhận không dương tính nCoV.
Trang quản lý khách đặt phòng tháng 3/2020 qua Airbnb của anh Minh Tú trống trơn. Ảnh: Hoàng Huy
"Khách du lịch đã hủy hết đặt phòng vì không xin được visa và cũng sợ đi lại mùa dịch bệnh. Hầu hết homestay đều đóng cửa để không", anh Minh Tú, chủ một căn Airbnb trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM nói. Doanh thu tháng trước của anh giảm 60%.
Chủ căn hộ mà anh Tú thuê để làm Airbnb cũng chấp nhận giảm tiền thuê tạm thời nhưng anh nói vẫn rất khó khăn. Anh đang định cho thuê dài hạn để cầm cự qua mùa dịch. Không chỉ anh, tình hình ảm đạm chung khiến hàng loạt chủ homestay, Airbnb đồng loạt rao cho thuê phòng dài hạn với chào mời khẩn thiết như "rẻ động trời", "rẻ sập sàn", "giá hỗ trợ mùa Covid-19 nên đừng trả thêm nữa".
"Nếu quý này hết dịch thì chắc cũng phải đến tháng 9 thị trường mới sôi động trở lại. Còn nếu quý sau mới hết dịch thì cầm chắc là cả năm nay phải gánh lỗ", anh Tú nhận xét.
Thị trường kinh doanh homestay tại Hà Nội, TP HCM bùng nổ từ những năm 2017, khi làn sóng du lịch trực tuyến, du lịch tự túc của giới trẻ nổi lên cùng lúc với thị trường căn hộ chung cư sôi động, nguồn cung dồi dào.
Trong một nghiên cứu giữa năm ngoái, Jones Lang LaSalle (JLL) đánh giá, bằng việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho khách du lịch, mô hình dịch vụ mới như Airbnb và homestay đã chiếm được phần trăm thị phần đáng kể trong ngành khách sạn và lưu trú.
Tuy nhiên, giới kinh doanh lĩnh vực này thừa nhận mức độ cạnh tranh ngày một cao. Tại các thành phố lớn, do nguồn cung dồi dào, nhiều chủ homestay chạy theo một "cuộc đua xuống đáy", liên tục phá giá, khiến biên lợi nhuận ngày càng mỏng, nhất là với những người không sở hữu bất động sản mà phải đi thuê để kinh doanh. Do vậy, chỉ cần có biến động về lượng khách quốc tế thì nhiều người sẽ lập tức phải rời cuộc chơi. Hiện tại, giới kinh doanh vượt qua điêu đứng bằng 3 cách.
Theo đó, những chủ homestay sở hữu sẵn nhà thì chi phí gần như bằng 0. Họ chấp nhận "rảnh rỗi" cho qua dịch để làm ăn tiếp. Nhóm phải đi thuê mặt bằng thì kẻ thắng là người vốn mạnh, quyết tâm giữ lại dự án, rao cho thuê dài hạn để chờ qua mùa dịch khởi động lại. Những người chưa tích lũy được vốn nhiều thì đành tìm cách sang nhượng để chốt lỗ, chia tay thị trường.
Những con đường vốn đông đúc khách du lịch tại Hội An vắng lặng vào ngày 18/3. Ảnh: Xuân Tân
Đồng sở hữu một homestay thoáng đãng nhìn ra vườn với gần chục phòng tại phường 3, Đà Lạt, Lâm Đồng, chị Nguyên Hạnh cho biết tháng 2/2020 chỉ vừa huề vốn. Tháng này, chị ước tính sẽ lỗ vì 90% khách đã hủy đặt chỗ và hầu như không có khách mới, dù homestay chỉ nhắm vào phân khúc giới trẻ nội địa.
Chị cho biết có thể "gồng" được thêm 3 tháng không khách và định thuê thêm mặt bằng để mở chi nhánh mới, nhân lúc các chủ bất động sản có giảm nhẹ về giá. "Quan trọng lúc này là có tiền và bình tĩnh. Ai sống qua được mùa dịch này thì sẽ có cơ hội lớn, vì thị trường đã sàng lọc bớt đối thủ cạnh tranh mà nhu cầu lại cao, khi mọi người được ra ngoài và đi lại sau nhiều tháng 'bất động'", chị nói.
Lúc này, trên một nhóm cộng đồng của hơn 37.000 người kinh doanh Airbnb tại Việt Nam, bên cạnh các bài rao bán lại dự án, tủ bàn ghế, đồ gia dụng thanh lý thì các thành viên còn lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách kêu gọi ủng hộ lẫn nhau các mặt hàng như đồ ăn, máy đo thân nhiệt.
Trước đó, hôm 14/3, Airbnb ra quyết định cho khách đặt phòng từ ngày 14/3 trở về trước, với các phòng nhận trong giai đoạn 14/3-14/4, được phép hủy, hoàn toàn bộ tiền mà không phải chịu phí hay mức phạt nào.
Động thái được người dùng ủng hộ mạnh mẽ nhưng lại làm thêm gánh nặng cho người kinh doanh. Một số chủ kinh doanh tại Mỹ thậm chí còn dọa kiện vì Airbnb đơn phương can thiệp vào chính sách phạt tiền cho chủ nhà thiết lập từ trước, khiến họ trắng tay khi khách hủy đặt phòng mà không gỡ gạc được gì.
"Chúng tôi biết nhiều chủ nhà sống phụ thuộc vào kinh doanh từ Airbnb. 50% trông cậy nguồn thu nhập này để trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp. Chúng tôi đang nghiên cứu một số ý tưởng để hỗ trợ và sẽ sớm có tin tức", Brian Chesky, Nhà đồng sáng lập và CEO của Airbnb hứa hẹn khi công bố chính sách mới.