I. Vị trí địa lý
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía tây giáp tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Giang, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây nam giáp tỉnh Hải Dương và tỉnh Hải Phòng, phía bắc giáp Trung Quốc với cửa khẩu Móng Cái.
II. Điều kiện tự nhiên
2.1. Địa hình
Địa hình Quảng Ninh mang tính chất là một vùng miền núi, trung du và ven biển, hình thành 3 vùng tự nhiên rõ rệt: vùng núi có diện tích gần 3.000 km², chiếm 41%; vùng hải đảo 619 km², khoảng 10,0%.
Chạy dọc vùng núi phía bắc là cánh cung bình phong Đông Triều – Bình Liêu nối liền với dãy Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc), có độ cao trung bình trên 500m, trong đó có một số đỉnh núi cao trên 1.000 m như Yên Tử (Uông Bí, 1.068 m), Am Vát (Hoành Bồ, 1.094 m), Cao Xiêm (Bình Liêu 1.330 m), Nam Châu Lãnh (Hải Hà, 1.506 m). Từ cánh cung phía bắc, độ cao thấp dần về phía nam rồi đổ ra biển hình thành hệ thống hàng nghìn hòn đảo và quần đảo lớn nhỏ trên biển tạo nên cảnh quan non nước đa dạng.
2.2. Khí hậu
Quảng Ninh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí trung bình trong năm từ 21 – 23°C, lượng mưa trung bình hàng năm 1.995mm, độ ẩm trung bình 82 – 85%.
Do tác động của biển, khí hậu Quảng Ninh nhìn chung mát mẻ, ấm áp, thuận lợi đối với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nhiều hoạt động kinh tế khác.
III. Tài nguyên
3.1. Đất đai
Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào với 601.000 ha, trong đó 50.364 ha đất nông nghiệp đang sử dụng, 146.019 ha đất lâm nghiệp với nhiều diện tích đất có thể trồng cỏ phù hợp cho chăn nuôi, khoảng gần 20.000 ha có thể trồng cây ăn quả.
3.2. Sinh vật
Tiềm năng đất lâm nghiệp của tỉnh khá lớn. Rừng để sản xuất, kinh doanh chiếm 80% (chủ yếu rừng trung bình và nghèo) với tổng trữ lượng 4,8 triệu m3 không đủ đáp ứng nhu cầu của tỉnh.
Rừng đặc sản hiện chỉ có 10.000 ha. Đất chưa thành rừng không còn lớn, có thể hình thành các vùng gỗ nguyên liệu và cây đặc sản quy mô lớn để cung cấp gỗ trụ mỏ, gỗ dân dụng và cung cấp cho nguyên liệu chế biến lâm sản của địa phương.
3.3. Khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản phong phú cũng là một yếu tố nổi trội của tỉnh, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Quảng Ninh khá giàu khoáng sản, nhưng nổi bật nhất là than đá với trữ lượng 3,5 tỷ tấn, cho phép khai thác 30 – 40 triệu tấn/năm. Than là nguồn tài nguyên tạo ra ngành công nghiệp chủ lực có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó Quảng Ninh còn có các loại nguyên liệu làm vật liệu như: đá vôi, đất sét, gạch ngói…rất phong phú và phân bố rộng khắp trong tỉnh.
Mỏ đá vôi Hoành Bồ trữ lượng gần 1 tỷ tấn cho phép sản xuất xi măng công suất vài triệu tấn/năm.
Các mỏ sét gạch ngói Giếng Đáy, Quảng Yên có trữ lượng 45 triệu tấn có thể khai thác quy mô lớn.
Các khoáng sản như cao lanh Tấn Mài, cao lanh Móng Cái, thủy tinh Vân Hải đều là các mỏ lớn của miền Bắc, có chất lượng cao, điều kiện khai thác thuận lợi, là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp phục vụ nhu cầu trong tỉnh, ngoài nước và xuất khẩu.
IV. Giao thông
Đường bộ: Mạng lưới đường chủ yếu của tỉnh là 3 tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường giao thông liên xã nối liền thành phố Hạ Long với 14 đơn vị hành chính (3 thị xã và 11 huyện) của tỉnh và với các nơi khác. Toàn bộ hệ thống đường bộ có khoảng 2.283km, trong đó:
- quốc lộ 396km, chiếm 17,6%;
- tỉnh lộ gồm 10 tuyến như đường 326, 330, 332, 333, 334, 336, 337, KL 340 và đường khác dài 141 km, chiếm 6,17%;
- huyện lộ với 60 tuyến dài 535,5 km, chiếm 23,9%;
- đường xã có 1.162 km, chiếm 51,4% tổng số km đường bộ của tỉnh;
- đường đô thị có 48,8 km. Mật độ đường (tính đến cấp huyện lộ) là 0,190 km/km2, cao hơn so với mật độ đường trung bình toàn quốc.
Quốc lộ 18A Đông Triều – Móng Cái dài 263 km, QL 18C (Tiên Yên – Hoành Mô dài 50 km) đã hoàn thành việc nâng cấp đoạn Mông Dương – Móng Cái. Quốc lộ 10 đi qua địa bàn tỉnh (ngã ba Biểu Nghi – bến phà Rừng dài 15 km) và quốc lộ 10 mới đi qua Uông Bí nối Quảng Ninh với các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Quốc lộ 4B từ Đình Lập – Mũi Chùa dài 27 km. Quốc lộ 279 từ Ngã ba Hà Khẩu – Hạ My dài 41 km.
Toàn tỉnh có trên 100 cầu lớn nhỏ,trong đó lớn nhất là cây cầu Bãi Cháy đi ngang vịnh Cửa Lục.
Nhìn chung, trừ QL 18A đoạn Đông Triều – Bãi Cháy mới được nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, còn lại các quốc lộ, tỉnh lộ phần lớn chỉ đạt tiêu chuẩn cấp V, VI, 1 làn xe. Mặt đường nhựa còn ít, chủ yếu là cấp phối, đường đất chiếm tỷ lệ cao, nhiều tuyến còn bị ách tắc về mùa mưa do ngập.
Đường thủy: Là một tỉnh có lợi thế về phát triển giao thông trên biển, hiện có mạng lưới đường thủy do Trung ương quản lý khoảng 396km, do địa phương quản lý 105 km.
- Các tuyến đường sông chính là: Bến Chanh – Thọ Xuân 200 km sông cấp 1, Phà rừng - Đông Triều 46 km sông cấp 1, Cửa Đài – Dân Tiến 18 km sông cấp 3,Vạn Hoa – Tiên Yên dài 24 km sông cấp 1.
- Hệ thống cảng biển gồm có:
+ Cảng nước sâu Cái Lân có khả năng đón tàu từ 3 – 5 vạn tấn, là cảng lớn của Quảng Ninh.
+ Cảng Hòn Nét – Hạ Long là cụm cảng trung chuyển hàng hóa cách bờ khoảng 6 hải lý với độ sâu 20 m nước cho tàu 10-15 vạn tấn cập cảng.
+ Cảng Hòn Gai hiện đã chuyển thành cảng du lịch Quốc tế.
+ Cảng Cửa Ông chuyên dùng để xuất than, năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng từ 3-5 triệu tấn phục vụ cho các mỏ than ở Cẩm Phả.
+ Cảng Nam Cầu Trắng dùng để xuất than cho các mỏ Hà Lầm, Hà Tu. Năng suất thông qua cảng 3,5 triệu tấn/năm.
+ Cảng chuyên dùng B12 chủ yếu để chuyển xăng dầu cho khu vực phía Bắc.
- Cảng sông có:
+ Cảng hàng hóa Vạn Gia (thị xã Móng Cái): là cửa ngõ sang Trung Quốc, có độ sâu khoảng 9-10 m cho tàu 10.000 tấn cập bến, là điểm chuyển tải thuận lợi. Năng lực thông qua cảng 2 triệu tấn/năm.
+ Cảng Mũi Ngọc (Đá Đỏ): có vị trí thích hợp xây dựng cảng đa chức năng, vừa là cảng hàng hóa vừa là cảng hành khách. Dự kiến xây dựng bến tàu 500 tấn cập bến bốc hàng và tàu khách có 100-500 ghế ra vào thuận lợi.
+ Cảng Mũi Chùa: là cảng nằm giữa khu vực Hồng Gia- Hải Ninh rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
+ Cảng du lịch Bãi Cháy: phục vụ vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
+ Cảng Bang: phục vụ công nghiệp xi măng ở Hoành Bồ và xuất than.
+ Cảng Cô Tô (huyện đảo Cô Tô): nối đất liền và huyện đảo, vừa phục vụ mục đích dân sinh, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đường sắt: Hiện tại Quảng Ninh mới chỉ có tuyến đường sắt từ Kép – Bãi Cháy dài hơn 166 km, tuyến đường này chỉ chủ yếu vận chuyển than và một lượng hàng hóa không đáng kể từ Bãi Cháy vào trong nội địa. Trong thời gian tới, sẽ xây dựng mới tuyến Hà Nội – Yên Viên – Hạ Long có chiều dài khoảng 180 km để tăng cường năng lực hàng hóa thông qua địa bàn kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và góp phần giải tỏa nhanh lượng hàng qua các cảng biển thuộc tỉnh.
Đường hàng không: Tại thành phố Móng Cái và Tiên Yên trước đây (thời thuộc Pháp) cũng đã từng có sân bay nhưng đến nay không còn sử dụng. Diện tích mặt bằng cho một sân bay nhỏ vẫn còn ở thị xã Móng Cái. Đang có dự án làm sân bay tại đảo Kế Bào huyện Vân Đồn.
(Nguồn: chinhphu.vn)