I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý
Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ. Yên Bái có phạm vi giới hạn ở toạ độ địa lý từ 21°24’ - 22°16’ vĩ độ Bắc; 103°56’ - 105°03’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Yên Bái là 688.627,64 ha, bằng 2% diện tích tự nhiên của cả nước và bằng 10,4% diện tích vùng Đông Bắc; xếp thứ 8 so với 11 tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc về quy mô đất đai. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (157 xã và 23 phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước…
Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, lại nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Trung Quốc – Việt Nam: Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo cho Yên Bái có điều kiện và cơ hội thuận lợi để tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội…không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Yên Bái có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng đã được khẳng định trong lịch sử đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Yên Bái đã và đang được xây dựng thành khu vực mạnh về kinh tế và trở thành khu vực phòng thủ vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Đặc điểm địa hình
Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc – Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
3. Khí hậu
Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22 - 23°C; lượng mưa trung bình 1.500 – 2.200 mm/năm; độ ẩm trung bình 83 – 87%, thuận lợi cho việc phát triển nông – lâm nghiệp. Dựa trên yếu tố địa hình khí hậu, có thể chia Yên Bái thành 5 tiểu vùng khí hậu. Tiểu vùng Mù Cang Chải với độ cao trung bình 900 m, nhiệt độ trung bình 18 – 200C, có khi xuống dưới 0°C về mùa đông, thích hợp phát triển các loại động, thực vật vùng ôn đới. Tiểu vùng Văn Chấn – nam Văn Chấn, độ cao trung bình 800 m, nhiệt độ trung bình 18 – 20°C, phía Bắc là tiểu vùng mưa nhiều, phía Nam là vùng mưa ít nhất tỉnh, thích hợp phát triển các loại động, thực vật á nhiệt đới, ôn đới. Tiểu vùng Văn Chấn – Tú Lệ, độ cao trung bình 200 – 400 m, nhiệt độ trung bình 21 – 32°C, thích hợp phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, chè vùng thấp, vùng cao, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Tiểu vùng nam Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Ba Khe, độ cao trung bình 70 m, nhiệt độ trung bình 23 – 24°C, là vùng mưa phùn nhiều nhất tỉnh, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả. Tiểu vùng Lục Yên – Yên Bình độ cao trung bình dưới 300 m, nhiệt độ trung bình 20 – 23°C, là vùng có mặt nước nhiều nhất tỉnh, có hồ Thác Bà rộng 19.050 ha, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, có tiềm năng du lịch.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.627,64 ha. Trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 585.088,51 ha, chiếm 85% diện tích đất tự nhiên; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 53.711,31 ha chiếm 8%; diện tích đất chưa sử dụng là 49827,82 ha chiếm 7%.
Trong tổng diện tích đất nông nghiệp thì đất sản xuất nông nghiệp là 109.319,12 ha; đất lâm nghiệp 474.120,99 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1.585,96 ha, còn lại là đất nông nghiệp khác. Trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp thì đất ở 5.066,88 ha; đất chuyên dùng 15.604,04 ha, còn lại là đất sử dụng vào mục đích khác. Trong tổng diện tích đất chưa sử dụng thì đất bằng chưa sử dụng là 713,06 ha; đất đồi núi chưa sử dụng là 45.620,90 ha, còn lại là núi đá không có rừng cây.
Đất Yên Bái chủ yếu là đất xám (chiếm 82,37%), còn lại là đất mùn alít, đất phù sa, đất glây, đất đỏ…
2. Tài nguyên rừng
Hết năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 418,495,47 ha, trong đó, rừng tự nhiên là 238.976,13 ha; rừng trồng là 179,7519,34ha; độ che phủ của rừng là 61,2 %.
Yên Bái có nhiều loại rừng khác nhau như: rừng nhiệt đới, á nhiệt đới, và núi cao. Trong khu vực rừng á nhiệt đới của tỉnh có nhiều loại cây lá kim (như: pơmu, thông nàng, thông tre lá lớn, sa mộc, sam mộc) xen lẫn cây lá rộng thuộc họ sồi dẻ, đỗ quyên. Ở độ cao trên 2000m, rừng hỗn giao giảm dần, pơmu mọc thành rừng kín cao tới 40-50m, đường kính thân có cây tới 1,5m. Cao hơn nữa là những cánh rừng thông xen kẽ các tầng cây bụi nhỏ rồi đến trúc lùn, cậy họ cói, cậy họ hoa hồng, cây họ thạch nam, cây họ cúc, cây họ hoàng liên xen kẽ. Lùi dần về phía đông nam, độ cao hạ dần, khí hậu ấm áp hơn làm cho lớp phủ thực vật rừng có điều kiện phát triển. Bên cạnh các loại gỗ quý (nghiến, trúc, lát hoa, chò chỉ, pơmu, cây thuốc quý (đẳng sâm, sơn tra, hò thủ ô, hoài sơn, sa nhân), động vật hiếm (hổ, báo, cầy hương, lợn rừng, chó sói, sơn dương, gấu, hươu, vượn, khỉ, trăn, tê tê, đàng đẵng, ếch dát, gà lôi, nộc cốc, phượng hoàng đất) cùng nhiều khu rừng cho lâm, đặc sản (cọ, măng, song, móc, nấm hương, mộc nhĩ, trẩu, quế, chè).
3. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản Yên Bái khá đa dạng, hiện đã điều tra 257 điểm mỏ khoáng sản, xếp vào các nhóm khoáng sản năng lượng, khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản kim loại và nhóm nước khoáng. Nhóm khoáng sản năng lượng gồm các loại than nâu, than Antraxit, đá chứa dầu, than bùn…; loại than nâu và than lửa dài tập trung ở ven sông Hồng, sông Chảy và các thung lũng bồn địa như Phù Nham (Văn Chấn). Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng gồm đá vôi, đá ốp lát, sét gạch ngói, cát sỏi…được phân bố rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh. Nhóm khoáng chất công nghiệp gồm đầy đủ các nguyên liệu công nghiệp từ nguyên liệu phân bón, nguyên liệu hoá chất, nguyên liệu kỹ thuật, đặc biệt là đá quý và bán đá quý được phân bố chủ yếu ở Lục Yên và Yên Bình. Nhóm khoáng sản kim loại có đủ các loại từ kim loại đen (sắt) đến kim loại nâu (đồng, chì, kẽm) và kim loại quý (vàng), đất hiếm phân bố chủ yếu ở hữu ngạn sông Hồng. Nhóm nước khoáng được phân bố chủ yếu ở vùng phía tây của tỉnh (Văn Chấn, Trạm Tấu), bước đầu được sử dụng tắm chữa bệnh.
III. Địa giới hành chính
Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc của tổ quốc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía đông bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.627,64 ha. Năm 2013, tổng dân số toàn tỉnh là 773.854 người. Mật độ dân số bình là 112 người/km²
Yên Bái bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (157 xã và 23 phường, thị trấn) trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước..
Tên | Diện tích (km²) | Dân số (2013) (người) | Xã/phường/thị trấn |
Thành phố Yên Bái | 106.74 |
97.840
| Các phường: Yên Thịnh, Đồng Tâm, Minh Tân, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà, Yên Ninh, Nam Cường, Hợp Minh. Các xã: Minh Bảo, Tân Thịnh, Tuy Lộc, Văn Phú, Văn Tiến, Giới Phiên, Phúc Lộc và Âu Lâu. |
Thị xã Nghĩa Lộ | 30.26 | 29.050 | Các phường: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia và Pú Trạng. |
Huyện Lục Yên | 808.98 | 105.961 | Thị trấn Yên Thế, các xã: Tân Phượng, Lâm Thượng, Khánh Thiện, Minh Chuẩn, Khai Trung, Mai Sơn, An Lạc, Tô Mậu, Khánh Hòa, Động Quan, Trúc Lâu, Phúc Lợi, Trung Tâm, An Phú, Phan Thanh, Minh Tiến. Tân Lập, Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Mường Lai, Xuân Minh, Yên Thắng, Tân Lĩnh |
Huyện Mù Cang Chải | 1197.73 | 53.112 | Thị trấn Mù Cang Chải, các xã: Kim Nọi, Hồ Bốn, Chế Tạo, Khao Mang, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Nậm Khắt, Mồ Dề, Nậm Có, La Pán Tẩn và Lao Chải. |
Huyện Trạm Tấu | 743.34 | 29.221 | Thị trấn Trạm Tấu và các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Hát Lừu, Trạm Tấu, Pá Hu, Làng Nhì, Tà Si Láng, Phình Hồ, Pá Lau và Túc Đán |
Huyện Trấn Yên | 628.58 | 81.656 | Thị trấn Cổ Phúc và các xã Vân Hội, Tân Đồng, Hưng Khánh, Đào Thịnh, Xã Hồng Ca, Việt Cường, Lương Thịnh, Hòa Cuông, Báo Đáp, Cường Thịnh, Minh Quán, Nga Quán, Quy Mông, Kiên Thành, Y Can, Minh Tiến, Việt Thành, Bảo Hưng, Việt Hồng, Minh Quân, Hưng Thịnh. |
Huyện Văn Chấn | 1207.59 | 149.671 | Thị trấn Sơn Thịnh, Nông Trường Liên Sơn, Nông Trường Nghĩa Lộ, Nông Trường Trần Phú và các xã: Suối Bu, Suối Giàng, Suối Quyền, Đồng Khê, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Đại Lịch, Phù Nham,Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Nghĩa Sơn, Sơn Lương, Nậm Lành, An Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh, Sơn A |
Huyện Văn Yên | 1390.44 | 120.120 | Thị trấn Mậu A và các xã Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lâm Giang, An Bình, Quang Minh, Đông An, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Tầm, Tân Hợp, Đông Cuông, Mậu Đông, Ngòi A, Yên Thái, Yên Hưng, Yên Hợp, Xuân Ái, Hoàng Thắng, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Đại Sơn, Đại Phác, Yên Phú. |
Huyện Yên Bình | 772.62 | 107.223 | Thị trấn Yên Bình, Thác Bà và các xã Phú Thịnh, Văn Lãng, Tích Cốc, Cảm Ân, Phúc Ninh, Bảo Ái, Mỹ Gia, Tân Nguyên, Yên Thành, Xuân Long, Phúc An, Cẩm Nhân, Vũ Linh, Ngọc Chấn, Yên Bình, Xuân Lai, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Hán Đà, Mông Sơn, Thịnh Hưng, Tân Hương, Đại Đồng, Đại Minh. |
IV. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông – lâm sản gắn với vùng nguyên liệu: trồng rừng và chế biến giấy, bột giấy, ván nhân tạo; trồng và chế biến quế, chè, cà phê; trồng và chế biến sắn, hoa quả; nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: đá quý, cao lanh, fenspat, bột cácbonnát canxi, sắt…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ thuật và các loại vật liệu xây dựng khác.
2. Tiềm năng du lịch
Yên Bái là một tỉnh miền núi, phong cảnh thiên nhiên đa dạng và đẹp: hang Thẩm Lé (Văn Chấn), động Xuân Long, động Thuỷ Tiên (Yên Bình), hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò; di tích mộ Nguyễn Thái Học, Căng Đồn, Nghĩa Lộ …Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc mang đậm một bản sắc văn hoá riêng, là điều kiện để kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
(Nguồn: www.yenbai.gov.vn)