Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ngày 8/3/2010 UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO). Văn phòng này sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối trong việc hỗ trợ nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh hoàn tất các thủ tục liên quan để có thể triển khai dự án như: thành lập doanh nghiệp, chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thuê đất, giải phóng mặt bằng…
GIỚI THIỆU MÔ HÌNH “MỘT CỬA LIÊN THÔNG” – VĂN PHÒNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NINH THUẬN (EDO)
Trên cơ sở nghiên cứu mô hình Ban Phát triển kinh tế (EDB) của Singapore và ý tưởng tư vấn của Tập đoàn Monitor, ngày 8-3-2010, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 207/2010/QĐ-UB thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu cải thiện mô hình “Một cửa liên thông” hiện đang áp dụng, đưa các thủ tục hành chính về một đầu mối và đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian ở các khâu, tạo niềm tin, sức hấp dẫn và điều kiện thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư.
Với hình thức tổ chức là đơn vị sự nghiệp công, Văn phòng Phát triển kinh tế vừa trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. EDO là một mô hình hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện với nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO); tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, vận động tài trợ nhằm giới thiệu, xúc tiến các dự án đầu tư, dự án vận động tài trợ của tỉnh với các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, các nhà tài trợ, qua đó thu hút vốn đầu tư vào tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và vận hành hệ thống thông tin về tiềm năng cơ hội đầu tư, quy hoạch, đất đai, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, vận động tài trợ của tỉnh để cung cấp, giới thiệu cho các nhà đầu tư, nhà tài trợ; tham mưu cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương về địa điểm đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án các thành phần kinh tế, làm đầu mối hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, xử lý chuyển các cơ quan chức năng liên quan giải quyết theo thẩm quyền và trả kết quả cho nhà đầu tư theo cơ chế “Một cửa liên thông”; làm đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ các nhà tài trợ trong quá trình tìm hiểu thông tin, triển khai chương trình, dự án tài trợ tại tỉnh; tham mưu cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, thu hút quản lý các chương trình, dự án ODA và NGO trên phạm vi toàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư, nhà tài trợ giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tài trợ tại tỉnh.
Nói cách khác, EDO ra đời với vai trò là nơi giao dịch duy nhất cho các nhà đầu tư và đối tác hỗ trợ phát triển trên địa bàn tỉnh; củng cố và điều phối hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thu hút, quản lý nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển. Các nhà đầu tư từ khi đến tỉnh chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tầt các thủ tục liên quan như thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư liên quan đến xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép khác để có thể triển khai dự án.
Các thủ tục đầu tư sẽ được EDO, có sự tham gia làm việc của cán bộ kiêm nhiệm ở các sở, ban, ngành liên quan, tiếp nhận và xử lý trả kết quả cho nhà đầu tư tại EDO. Các quy trình thủ tục sẽ được kết hợp thực hiện đồng thời, theo hướng đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn từ 30-50% so với quy định, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Riêng đối với các thủ tục đơn giản như cấp mã số thuế, giới thiệu địa điểm đầu tư, trích lục sơ đồ vị trí, đăng kí kê khai thuế… sẽ thực hiện tại EDO và trả kết quả ngay trong ngày làm việc. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, nhà tài trợ trong quá trình thực hiện thủ tục, triển khai dự án đầu tư, tài trợ sẽ được xử lý kịp thời thông qua cơ chế họp giao ban định kỳ của Ban chỉ đạo EDO.
Với tinh thần thân thiện, đồng hành với nhà đầu tư trong tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh, thời gian qua, số doanh nghiệp đăng kí hoạt động kinh doanh, đầu tư vào Ninh Thuận ngày càng tăng với quy mô lớn hơn, nhất là sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2009 vừa qua đã tạo làn sóng đầu tư mới. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước cũng như các Tập đoàn có thương hiệu ở nước ngoài đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư, mở ra nhiều triển vọng cho những năm tới, nhất là tập trung khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh về du lịch biển, khai thác và chế biến đá granitte, sản xuất giống thủy sản, dịch vụ du lịch-thương mại, phát triển năng lượng sạch, lĩnh vực xã hội hóa…
II/ Về chính sách ưu đã đầu tư: Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời Ninh Thuận chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định sau:
1. Địa bàn thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư:
Áp dụng theo phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 108/2006/NĐ-CP), tỉnh Ninh Thuận có 06 huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư: Thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.
3. Ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước:
3.1. Đơn giá thuê đất, thuê mặt nước của mỗi dự án được ổn định trong 5 năm và được tính theo giá đất do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành theo mục đích sử dụng đất thuê của từng vị trí.
3.2. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước: Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, cụ thể như sau:
4. Ưu đãi về thuế: Nhà đầu tư có dự án đầu tư trên địa bàn các huyện của tỉnh, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.
4.1- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Thực hiện theo Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 124/2008/NĐ-CP), cụ thể:
a) Được áp dụng mức thuế suất ưu đãi cao nhất 10% trong thời hạn 15 năm đối với:
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn 06 huyện của tỉnh.
- Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực:
+ Công nghệ cao theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
+ Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
+ Sản xuầt sản phẩm phần mềm.
* Được áp dụng mức thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục- đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
b) Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiêp:
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:
+ Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư quy định tại điểm a, mục này;
+ Doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn 06 huyện của tỉnh.
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
* Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Lưu ý: Thuế TNDN có hai mức ưu đãi là 10% và 20%, tuy nhiên Ninh Thuận chỉ có mức 10% vì không có địa bàn có diiều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Việc miễn, giảm thuế chỉ áp dụng cho cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư (không áp dụng cho đầu tư mở rộng).
4.2- Về thuế nhập khẩu: Thực hiện ưu đãi theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó dự án đầu tư vào địa bàn 6 huyện; dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.