Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên và là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây đi qua các nước Myanma, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Ngoài ra, Đà Nẵng còn là trung điểm của 4 di sản văn hóa thế giới nổi tiếng là Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Trong 15 năm qua, Đà Nẵng đã liên tục thay đổi gương mặt của mình. Chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt như thế trong nhu cầu tự làm mới mình. Sự phát triển của Đà Nẵng vừa là nhu cầu tự thân, vừa là để đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu có sứ mệnh liên đới trách nhiệm đối với miền Trung trong giai đoạn mới của đất nước.
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Vị trí địa lý
Thành phố Đà Nẵng phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm Thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam, cách thành phố Huế 108km về hướng Tây Bắc. Đây là một thành phố vừa có núi cao, sông sâu, đồi dốc trung du xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.
Trong phạm vi khu vực và quốc tế, thành phố Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là Cảng biển Tiên Sa. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế, thành phố Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.
Diện tích tự nhiên: 1.283 km²
Đơn vị hành chính: thành phố Đà Nẵng có 6 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và 2 huyện: Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa
Nguồn lực phát triển:
Dân số: 951.929 người (2011)
Mật độ dân số: 742 người/km² (2011)
Lực lượng lao động: 480.880 người (2011).
Khí hậu:
Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12, mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 25°C. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.870,9 mm. Độ ẩm trung bình hàng năm 82%. Đặc biệt Đà Nẵng có rừng Bà Nà ở độ cao gần 1.500m, nhiệt độ trung bình khoảng 20°C.
Địa hình:
Địa hình thành phố Đà Nẵng đa dạng, có cả đồng bằng, trung du, miền núi; chiếm phần lớn diện tích là đồi núi và ở độ cao 700 - 1.500m; độ dốc lớn (74%); là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và phần lớn nằm bên cạnh bờ biển.
Cơ sở hạ tầng:
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có đủ 4 loại đường giao thông thông dụng là: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
- Đường bộ: Tổng số km đường trên địa bàn Thành phố (không kể các hẻm, kiệt và đường đất) là 382,583 km. Trong đó: quốc lộ 70,865 km; tỉnh lộ 99,716 km; đường huyện 67 km; đường nội thị 181,672 km. Chiều rộng trung bình của mặt đường là 08m. Mật độ đường bộ phân bố không đều, ở trung tâm là 3 km/km², ngoại thành là 0,33 km/km².
- Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy ngang qua thành phố Đà Nẵng có chiều dài khoảng 30 km, với các ga Đà Nẵng, Thanh Khê, Kim Liên, Hải Vân Nam. Trong đó, ga Đà Nẵng là một trong những ga lớn của Việt Nam.
- Đường hàng không: Sân bay hàng không quốc tế Đà Nẵng có diện tích là 150 ha (diện tích cả khu vực là 842 ha), với 2 đường băng, mỗi đường dài 3.048m, rộng 45m; có khả năng cho hạ cách các loại máy bay hiện đại như B747, B767, A320. Hàng tuần, tại sân bay Đà Nẵng đó khoảng 84 chuyến bay nội địa, 6 chuyến bay quốc tế đến Hồng Kông và Thái Lan.
- Đường biển: Nằm ở trung độ cả nước, vấn đề giao thông đường biển của Thành phố khá thuận lợi. Từ đây, có các tuyến đường biển đi đến hầu hết các cảng lớn của Việt Nam và trên thế giới. Với 02 khu cảng hiện có là cảng Tiên Sa và cảng Sông Hàn nằm ở vị trí khá thuận lợi, trang thiết bị hiện đại và một đội ngũ công nhân lành nghề, Cảng Đà Nẵng đảm bảo thực hiện tốt việc vận chuyển hàng hóa đến các nơi khác trên thế giới. Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển quan trọng của miền Trung - Tây Nguyên và là cửa ngõ phía đông của hành lang kinh tế Đông - Tây.
Điện lực Đà Nẵng đã hòa mạng với điện lưới quốc gia qua trạm biến áp 500kV Hòa Cầm, đảm bảo ổn định nguồn điện cung cấp cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt...
Hệ thống cấp nước trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cấp, đầu tư xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Tổng công suất phục vụ đạt 193.000 m³.
Viễn thông: Đà Nẵng là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế, là một trong ba điểm kết cuối quan trọng nhất của mạng trung kế đường trục quốc gia và điểm kết nối trực tiếp quốc tế
Giáo dục: Trong lĩnh vực đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và dạy nghề, Đà Nẵng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mở các cơ sở, nên số lượng trường đào tạo không ngừng tăng, thu hút khá đông sinh viên, học sinh từ các tỉnh lân cận đến học nghiệp vụ và học nghề. Hiện nay, Đà Nẵng có 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp (THCN), 59 trung tâm dạy nghề. Đại học Đà Nẵng là đại học đa ngành và đa cấp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ đạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Y tế của thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh và rộng khắp theo hướng xã hội hóa với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế. Số lượng bệnh viện, giường bệnh tăng nhanh, hầu hết các bệnh viện đều đạt trình độ chuyên môn khám chữa bệnh cao, từ đó góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm y tế của khu vực miền Trung.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Tài nguyên khoáng sản
* Cát trắng: tập trung ở Nam Ô, trữ lượng khoảng 5 triệu m³
* Đá hoa cương: ở Non Nước, nhưng để bảo vệ khu di tích nổi tiếng Ngũ Hành Sơn, loại đá này đã được cấm khai thác.
* Đá xây dựng: đây là loại khoáng sản chủ yếu của thành phố, tập trung ở khu vực phía Tây, Bắc và Tây Nam thành phố.
* Đá phiến lợp: tập trung ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc. Đây là loại đá filit màu xám đen, có thể tách thành từng tấm với kích thước (0,5 x 10) x 0,3-0,5m. Trữ lượng khoảng 500.000m³.
* Cát, cuội sỏi xây dựng: cát lòng sông Vĩnh Điện, Túy Loan, sông Yên, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Cu Đê, cuội sỏi Hòa Bắc, Hòa Liên.
* Laterir: đến nay đã có 03 mỏ được nghiên cứu sơ lược: La Châu, Hòa Cầm, Phước Ninh là sản phẩm phong hóa của các đá phiến hệ tầng Bol-Atek.
* Vật liệu san lấp: chủ yếu là lớp trên mặt của các đá phiến hệ tầng Bol-Atek bị phong hóa, có nơi lớp này dày đến 40-50m. Tập trung chủ yếu ở Hòa Phong, Hòa Sơn, Đa Phước.
* Đất sét: trữ lượng khoảng 38 triệu m³.
* Nước khoáng: ở Đồng Nghệ, lưu lượng tự chảy khoảng 72m³/ngày.
* Đặc biệt, vùng thềm lục địa có nhiều triển vọng về dầu khí.
Tài nguyên rừng
Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn Thành phố là 67.148 ha, tập trung chủ yếu ở phía Tây và Tây Bắc thành phố, bao gồm 3 loại rừng: Rừng đặc dụng: 22.745 ha, trong đó đất có rừng là 15.933 ha; Rừng phòng hộ: 20.895 ha, trong đó đất có rừng là 17.468 ha; Rừng sản xuất: 23.508 ha, trong đó, đất có rừng là 18.176 ha.
Rừng ở Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở cánh Tây huyện Hòa Vang, một số ít ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tỷ lệ che phủ là 49,6%, trữ lượng gỗ khoảng 3 triệu m3. Phân bố chủ yếu ở nơi có độ dốc lớn, địa hình phức tạp.
Rừng của Thành phố ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch. Thiên nhiên đã ưu đãi ban cho Thành phố các khu bảo tồn thiên nhiên đặc sắc như: Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Khu văn hóa lịch sử môi trường Nam Hải Vân.
• Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà:
Tổng diện tích tự nhiên là 8.838 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 8.800 ha bao gồm đất có rừng: 6.942 ha (rừng tự nhiên 5.976 ha, rừng trồng 966 ha), đất chưa có rừng 1.858 ha. Đây là khu rừng có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nối liền với vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), rừng đặc dụng Nam Hải Vân và dãy rừng tự nhiên phía bắc và tây bắc tỉnh Quảng Nam, tạo nên một dãy rừng xanh độc nhất Việt Nam liên tục trải dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào. Rừng tự nhiên Bà Nà – Núi Chúa có kết cấu thành loài đặc trưng cho sự giao lưu giữa hai luồng thực vật phía bắc và phía nam, đồng thời cũng đặc trưng cho khu đệm giao lưu giữa hai hệ động vật Bắc Trường Sơn và Nam Trường Sơn. Ngoài ra, đây còn là vùng khí hậu mát mẻ, trong lành, đầu nguồn các dòng sông, đóng vai trò đáng kể trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái của thành phố Đà Nẵng.
• Khu văn hóa lịch sử môi trường Nam Hải Vân:
Tổng diện tích tự nhiên là 10.850 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 9.764 ha (rừng tự nhiên 2.993,4 ha, rừng trồng 2.565,4 ha), đất chưa có rừng là 4.205ha). Rừng đặc dụng Nam Hải Vân tiếp giáp với vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Bà Nà – Núi Chúa, cùng tạo ra một hành lang đủ lớn để bảo tồn và phát triển các loài động vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Về mặt môi trường, Hải Vân tạo ra sự khác biệt rõ rệt về khí hậu, thời tiết giữa hai sườn phía nam (Đà Nẵng) và phía bắc (Thừa Thiên Huế), che chắn thành phố Đà Nẵng giảm bớt sự tác động trực tiếp của gió bão hàng năm, đồng thời điều tiết mức độ nhiễm mặn của sông Cu Đê. Hải Vân còn có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử: đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử Nam tiến mở rộng bờ cõi của dân tộc Việt và có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
• Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà:
Tổng diện tích tự nhiên là 4.439 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 4.180 ha, bao gồm đất có rừng là 3.431 ha (rừng tự nhiên 2.806 ha, rừng trồng 625 ha), đất chưa có rừng là 748 ha. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh. Nguồn gen thực vật nhiệt đới của Sơn Trà rất đa dạng, phong phú với số lượng cá thể lớn có khả năng cung cấp giống cây bản địa phục vụ trồng rừng như: chò chai, dẻ cau, dầu lá óng... Điều đặc biệt là Sơn Trà còn có những loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó voọc chà vá có thể được xem là loài thú sinh trưởng đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ. Mặt khác Sơn Trà còn là nguồn cung cấp nước ngọt cho Thành phố và là nơi có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử nên rất có giá trị về du lịch. Ngoài ra, Sơn Trà còn là bức bình phong che chắn gió bão cho Thành phố.
Tài nguyên nước:
+ Biển
Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 30 km, có vịnh Đà Nẵng nằm chắn bởi sườn núi Hải Vân và Sơn Trà, mực nước sâu, thuận lợi cho việc xây dựng cảng lớn và một số cảng chuyên dùng khác; và nằm trên các tuyến đường biển quốc tế nên rất thuận lợi cho việc giao thông đường thủy. Mặc khác Vịnh Đà Nẵng còn là nơi trú đậu tránh bão của các tàu có công suất lớn.
Vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km², có các động vật biển phong phú trên 266 giống loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao gồm 16 loài (11 loài tôm, 02 loại mực và 03 loại rong biển)... với tổng trữ lượng là 1.136.000 tấn hải sản các loại và được phân bố tập trung ở vùng nước có độ sâu từ 50-200m (chiếm 48,1%), ở độ sâu 50m (chiếm 31%), vùng nước sâu trên 200m (chiếm 20,6%). Hàng năm có khả năng khai thác trên 150.000 -200.000 tấn hải sản các loại.
Biển Đà Nẵng có nhiều bãi tắm đẹp và cảnh quan kỳ thú như: Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô,...trong đó bãi biển Mỹ Khê - Non Nước được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh. Đặc biệt, quanh bán đảo Sơn Trà là vòng cung bờ biển tuyệt đẹp trải dài hàng chục km với những bãi san hô lớn, thuận lợi trong việc phát triển các loại hình kinh doanh du lịch biển. Ngoài ra vùng biển Đà Nẵng đang được tiến hành thăm dò dầu khí, chất đốt...
+ Sông: Đà Nẵng có hai sông chính đổ ra vịnh Đà Nẵng, đó là sông Hàn (diện tích lưu vực 5.180km²) và sông Cu Đê (diện tích lưu vực 472km²), là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, Thành phố có hơn 546 ha mặt nước, hồ đầm có khả năng nuôi trồng thủy sản, và điều hòa môi trường sinh thái.
Tài nguyên đất
Với diện tích 1.255,53 km² (chủ yếu là đất đồi núi và đảo, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa với diện tích 305 km²); Thành phố có các loại đất khác nhau: cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu và đất xám, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng... Trong đó, quan trọng là nhóm đất phù sa ở vùng đồng bằng ven biển thích hợp với thâm canh lúa, trồng rau và hoa quả ven đô; đất đỏ vàng ở vùng đồi núi thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, dược liệu, chăn nuôi gia súc và có kết cấu vững chắc thuận lợi cho việc bố trí các cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật.