Được mệnh danh là thành phố năng động và thân thiện, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ quan trọng của phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nằm ngay trung tâm của miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, là đô thị đông dân nhất cũng như giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, với nhiều khu công nghiệp hiện đại. Đồng thời, nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, TP. Hồ Chí Minh trở thành đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây…
HỘI TỤ NHIỀU NGUỒN LỰC
Đất đai, tài nguyên, khoáng sản đa dạng
TP. Hồ Chí Minh nằm trong toạ độ địa lý khoảng 10°10’ – 10°38 vĩ độ bắc và 106°22’ – 106°54 ’ kinh độ đông . Phía bắc giáp tỉnh Bình Dương, tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh, đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Nai, đông nam giáp tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, tây và tây nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang.
TP. Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730 km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn /năm. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng chục đường bay chỉ cách trung tâm thành phố 7km.
TP. Hồ Chí Minh có tổng diện tích tự nhiên 2.095,2 km² và được phân chia thành 24 quận, huyện; với 322 phường, xã, thị trấn. Khu vực nội thành gồm 19 quận: 1,3,4,5,6,8,10,11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú (nội thành cũ) và các quận 2,9,7,12, Thủ Đức, và Bình Tân (nội thành mở rộng); với diện tích 493,96km² và bao gồm 254 phường. Khu vực ngoại thành gồm 5 huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, với diện tích 1.601,28km², bao gồm 58 xã và 5 thị trấn.
Đất đai TP. Hồ Chí Minh được hình thành trên hai tướng trầm tích: Pleixétoxen và Haloxen. Trong đó, trầm tích Pleixétoxen (phù xa cổ) chiếm phần hết phía bắc – tây bắc và đông bắc Thành phố gồm phần lớn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, bắc Bình Chánh, quận Thủ Đức , bắc-đông bắc quận 9 và đại bộ phận khu vực nội thành cũ, với đặc điểm là địa hình đồi gò hoặc lượn sóng dưới tác động của nhiều yếu tố tự nhiên như sinh vật, khí hậu và hoạt động của con người, qua quá trình xói mòn và rửa trôi…, đã phát triển thành nhóm đất xám, với quy mô hơn 45.000ha, chiếm 23,4% diện tích đất trên địa bàn. Trầm tích Haloxen (trầm tích phù sa trẻ) có nguồn gốc ven biển, vũng vịnh, sông biển, lòng sông và bãi bồi…, đã hình thành nên nhiều loại đất khác nhau: nhóm phù sa có diện tích 15.100ha, (7,8%), nhóm đất phèn 40.000ha (21,2%) và đất phèn mặn 45.00ha (23,6%); ngoài ra, có khoảng hơn 400ha (0,2%) giống cát gần biển và đất feralite vàng nâu bị sói mòn trơ sỏi đá ở vùng đồi gò.
Bên cạnh nguồn tài nguyên đất, TP. Hồ Chí Minh có nguồn tài nguyên nước dồi dào như: sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính của Thành phố với diện tích lưu vực khoảng 45.000km², hàng năm cung cấp khoảng 38,6 tỷ m³ nước; trữ lượng nước ngầm khai thác an toàn khoảng 0,8 triệu m³/ngày đêm; 2 hệ thống kênh rạch chính: hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Sài Gòn với hai nhánh chính là rạch Bến Cát và kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Bến Lức và kênh Đôi-kênh Tẻ như rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom, rạch Tân Hóa-Lò Gốm; ngoài ra, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 200.000 giếng khoan trong hộ dân và 1.000 giếng khoan công nghiệp, khai thác trên 400.000m³ nước ngầm/ngày đêm…
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Thành phố chủ yếu là vật liệu xây dựng như: sét gạch ngói, cát, sạn, sỏi; nguyên liệu cho gốm sứ và chất trợ dụng; than bùn… Tuy nhiên chỉ có một số khoáng sản có thể đáp ứng một phần cho nhu cầu của Thành phố: nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, sành sứ thủy tinh, nguyên nhiên liệu… Các khoáng sản khác như kim loại đen, kim loại màu (trừ nhôm), than đá… đều không có triển vọng hoặc chưa được phát hiện.
Nguồn nhân lực dồi dào
Theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2014, dân số TP. Hồ Chí Minh có khoảng 7,955 triệu người, trong đó dân cư phân bổ không đồng đều, tập trung đông ở các quận và thưa ở các huyện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dân cư TP. Hồ chí minh có xu hướng dịch chuyển từ nội thành ra ngoại thành, các quận mới, đây là xu thế phù hợp với yêu cầu giãn dân và quá trình đô thị hóa.
Với dân số đông, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, lực lượng lao động của Thành phố luôn tăng đều hàng năm, từ 3,6 triệu người năm 2001 lên 4,16 triệu người năm 2005, 4,32 triệu người vào năm 2006 và hơn 5 triệu người vào năm 2014, chiếm 68% dân số.
Hệ thống đào tạo phát triển
Về cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng (ĐH & CĐ) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến năm 2014 có 69 trường và phân hiệu, chiếm tỷ lệ 20% tổng số các trường ĐH và CĐ trong cả nước với loại hình tổ chức khá đa dạng; trong đó 41 trường ĐH và CĐ công lập với đủ các ngành, 5 trường ĐH & CĐ bán công và số còn lại là trường ĐH và CĐ dân lập. Số lượng các ngành học của các trường ngày càng được củng cố mang đậm nét truyền thống của từng trường với tổng số gần 80 ngành đào tạo.
Số lượng trường ĐH và CĐ trên địa bàn Thành phố tăng nhanh, theo xu hướng phát triển kinh tế, nhất là trong vòng những năm gần đây. Hệ thống các cơ sở đào tạo ĐH và CĐ của Thành phố hiện nay không chỉ phục vụ đào tạo nhân lực riêng cho Thành phố mà còn phục vụ đào tạo nhân lực chủ yếu cho các tỉnh phía Nam.
Do nhu cầu đào tạo rất lớn của lao động, các trường ĐH và CĐ ngoài việc đào tạo chính quy – tại chức như lâu nay, còn mở rộng nhiều hình thức đào tạo như: đào tạo chính quy không tập trung, bán thời gian, đào tạo theo nhu cầu người sử dụng, tự học có hướng dẫn, đào tạo chuyển cấp liên thông (từ cao đẳng lên đại học), đào tạo bổ sung (đào tạo lấy bằng đại học thứ 2), liên kết, liên doanh trong nước, với các nước trên thế giới... Kết quả là gia tăng nhanh khối lượng đào tạo, nâng cao trình độ người lao động phục vụ cho công cuộc CNH-HĐH.
Nhìn chung, công tác đào tạo trên địa bàn Thành phố trong 40 năm qua phát triển theo chiều hướng ngày càng gia tăng số lượng, năm sau cao hơn năm trước, loại hình đào tạo cũng đa dạng, cơ sở vật chất phần nào được đầu tư và mở rộng thêm. Song cơ cấu về nhiều mặt còn chưa phù hợp theo yêu cầu phát triển, nhất là giữa tỷ lệ ĐH, CĐ với trung cấp và công nhân kỹ thuật còn mất cân đối nghiêm trọng. Hiện nay, hầu hết các ngành rất thiếu trung cấp và công nhân kỹ thuật, đặc biệt công nhân lành nghề.
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) ngày càng nâng cao
Thành phố có tiềm lực lớn về hoạt động KH-CN, trên địa bàn có 130 đơn vị hoạt động KH-CN. Trong đó, 87% số đơn vị và 10% số lao động thuộc địa phương quản lý. Điều này cho thấy hoạt động KH-CN không chỉ phục vụ trên địa bàn Thành phố mà còn phục vụ cho nhiều tỉnh thành phía Nam cũng như cả nước và đây cũng là khó khăn lớn nhất cho công tác quản lý KH-CN, nhất là việc khai thác sử dụng đội ngũ lao động KH-CN.
Nhìn chung, hoạt động KH-CN trên các lĩnh vực nghiên cứu khá phong phú, đa dạng, chủ yếu nghiên cứu ứng dụng và đang hướng vào các trọng tâm công nghệ chế biến tài nguyên như: khoáng sản, dầu khí, hợp chất tự nhiên; nghiên cứu vật liệu mới (vật liệu kim loại, vật liệu polyme, vật liệu silicat …, vật liệu xúc tác cho các quá trình chế biến dầu mỏ, dầu thực vật…, các công nghệ chống ô nhiễm, chống ăn mòn, chống rỉ); công nghệ chế tạo máy móc thiết bị; công nghệ nano; công nghệ điện tử - tin học-viễn thông ứng dụng vào các quá trình tự động hóa sản xuất ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Đây là cơ sở và tiền đề cho sự ra đời các khu công nghệ - kỹ thuật cao trên địa bàn Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai. Các viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu của các bộ, ngành và Thành phố, đã và đang nghiên cứu giải quyết những yêu cầu bức xúc của kỹ thuật-công nghệ sản xuất và quản lý kinh tế của các ngành trên địa bàn thành phố và vùng lãnh thổ ở phía Nam – Tây nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Cơ sở hạ tầng hiện đại
Với vị trí địa lý đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giao thông vận tải quan trọng của cả nước, với hệ thống giao thông ngày càng phát triển cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không.
- Đường bộ: Hệ thống đường bộ tại TP. Hồ Chí Minh dày đặc, nhưng do sự gia tăng dân số quá nhanh và quy hoạch chưa được hợp lý nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, Thành phố đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng như: đường Võ Văn Kiệt (Đại lộ Đông-Tây), đường hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm, Cầu Phú Mỹ, đường Xuyên Á, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và TP. Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, đường Trường Chinh, đường cao tốc đi Trung Lương, đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Bên cạnh đó, Thành phố còn có một số dự án lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai như: các đường vành đai 1,2,3; đường trên cao Thị Nghè – sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bình Triệu… và đặc biệt dự án đường cao tốc Bắc – Nam với tổng số vốn đầu tư dự kiến lên tới 30 tỷ USD; khi các dự án này hoàn thành sẽ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước. Ngoài ra, hiện nay, chính quyền Thành phố không ngừng quan tâm đầu tư mạng lưới và hệ thống xe buýt như là một phương tiện vận tải quan trọng phục vụ việc đi lại của nhân dân.
- Đường sắt: Ga Sài Gòn tại TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông quan trọng và nhộn nhịp nhất Việt Nam, phục vụ các tuyến vận tải Bắc – Nam. Do mật độ giao thông nội thị cao, nên Thành phố hiện đang triển khai việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (metro) và đường sắt trên cao (monorail). Hiện nay, nhiều đối tác nước ngoài (Nhật, Pháp, Đức, Nga) đang muốn đầu tư vào các tuyến metro và monorail nói trên.
- Đường hàng không: TP. Hồ Chí Minh có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện đang là sân bay lớn nhất Việt Nam và đồng thời là một trong những sân bay quốc tế lớn của khu vực Đông Nam Á, có năng lực phục vụ 23,5 triệu khách/năm và 600 ngàn tấn hàng hóa thông qua mỗi năm. Hiện tại có 3 hãng hàng không nội địa và 43 hãng hàng không quốc tế
- Đường thủy: TP. Hồ Chí Minh hiện có hệ thống cảng bao gồm 10 cảng sông, cảng biển chuyên doanh (7 cảng biển và 3 cảng sông) với tổng diện tích mặt bằng khoảng trên 3 triệu m² và gần 7.000m cầu cảng. Tổng mức hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển khoảng trên 40 triệu tấn và hệ thống cảng sông khoảng 1 triệu tấn. Hệ thống cảng Sài Gòn giao lưu với các cảng trong nước và thế giới với năng lực hoạt động trên 10 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn từ 15.000 đến 20.000 tấn.
Song hành với việc phát triển mạng lưới giao thông, các lĩnh vực: bưu chính viễn thông-công nghệ thông tin, hệ thống cấp điện, cấp nước, y tế của Thành phố cũng ngày càng phát triển đồng bộ.
- Bưu chính viễn thông-công nghệ thông tin: TP. Hồ Chí Minh là trung tâm bưu chính-viễn thông lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy, lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn Thành phố ước đạt hơn 16,22 triệu thuê bao. Trong số đó có 1,168 triệu thuê bao điện thoại cố định, số còn lại là điện thoại di động, đạt tỷ lệ bình quân 180 máy/100 dân. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 26.922 tỷ đồng.
- Cấp điện: Do những nỗ lực đầu tư cải tạo và mở rộng mạng lưới điện không ngừng nên trong 5 năm 2010 – 2015 lượng điện cung cấp cho Thành phố tăng bình quân 10,6%/năm. Hiện nay, mạng lưới điện của TP. Hồ Chí Minh đã có thể cung cấp đủ nhu cầu điện cho gần 100% dân số nội thành và trên 90% dân số ngoại thành.
- Cấp nước: Hiện nay, hệ thống cấp nước của TP. Hồ Chí Minh chỉ mới cung cấp nước sạch cho 86,5% dân số Thành phố. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả trên là do tốc độ gia tăng dân số ở Thành phố quá nhanh trong những năm gần đây. Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai 5 dự án về cấp nước cũng như tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn nước, nhằm nâng công suất cung cấp nước sạch của nhân dân lên 1,2 triệu m³/ngày đêm. Ngoài ra, để tăng nhanh quy mô và khả năng cấp nước cho Thành phố; từ năm 2003, chính quyền Thành phố đã ban hành quy chế xã hội hóa cấp nước với mục đích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư tham gia phát triển nguồn, chống thất thoát nước.
- Y tế: Hệ thống y tế của TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, không chỉ đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân Thành phố mà còn tiếp nhận chữa trị cho khoảng 60% bệnh nhân đến từ các tuyến tỉnh. Trong đó, mạng lưới y tế cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cấp, đầu tư mới về mọi mặt, đặc biệt là trang thiết bị và nhân sự. Nhiều trung tâm y tế quận, huyện đã được trang bị các máy móc kỹ thuật cao, các trạm y tế ở các phường, xã cũng được đầu tư các trang thiết bị theo danh mục của Bộ Y tế ban hành đến năm 2010 đạt chuẩn quốc gia về trang thiết bị tại trạm y tế phường, xã.
Cùng với hệ thống y tế công lập, trong những năm gần đây hệ thống y tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh, góp phần làm giảm áp lực tại các bệnh viện công lập lớn. Đến cuối năm 2015, số cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thành phố khoảng trên 10.000 cơ sở, các cơ sở y tế tư nhân đặc biệt là các bệnh viện (trên 20 bệnh viện) đã đầu tư phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị… Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh còn có 5 nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng bệnh viện tại Thành phố, cùng với sự gia tăng của số giường bệnh và bệnh viện đội ngũ cán bộ y tế cũng tăng lên nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 9/2015, Thành phố đạt 15 bác sĩ trên 1 vạn dân, đạt 33,7 điều dưỡng trên 1 vạn dân, số giường bệnh trên 1 vạn dân là 42 giường.
(Nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)