An Giang là tỉnh có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, rừng núi, tài nguyên khoáng sản, những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hóa lúa nước cổ xưa, đặc biệt là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các nước ASEAN đất liền, có đường biên giới dài gần 100km với 5 cửa khẩu được phép thông quan hàng hóa, gồm: 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, An Giang còn có nguồn nước mặt dồi dào, thuận lợi trong việc sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Vị trí địa lý: Tỉnh An Giang thuộc vùng ĐBSCL, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, là trung tâm kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Phnompenh, là cửa ngõ giao thương có từ lâu đời giữa vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh với các nước tiểu vùng sông Mekong; phía đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía tây bắc giáp Vương quốc Campuchia có đường biên giới dài gần 100km với 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, phía nam và tây nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông nam giáp tỉnh Cần Thơ.
Diện tích: 3.536km²
Khí hậu: An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau); nhiệt độ trung bình năm khoảng 27°C; lượng mưa trung bình năm khoảng 1.130mm, có năm lên tới 1.700 - 1.800mm; độ ẩm trung bình 80% - 85% và có sự dao động theo chế độ mưa theo mùa. Khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
Địa hình: Có 2 dạng địa hình chính ở An Giang là đồng bằng và đồi núi. Đồng bằng ở đây do phù sa sông Mê Kông trầm tích tạo nên, bao gồm: đồng bằng phù sa khá bằng phẳng, có độ nghiêng nhỏ, độ cao tương đối thấp và đồng bằng ven núi có nhiều bậc thang ở những độ cao khác nhau.
Tổ chức hành chính: Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm: 1 thành phố (Long Xuyên), 2 thị xã (Châu Đốc và Tân Châu) và 8 huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, với 156 đơn vị xã, phường, thị trấn.
Dân số: 2.155.000 người (tính đến năm 2014)
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Tài nguyên đất:
An Giang có 37 loại đất khác nhau, hình thành 6 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất phù sa trên 151.600ha (chiếm 44,5% đất tự nhiên) rất thích nghi đối với các loại cây trồng; nhóm đất phù sa có phèn trên 93.800ha (chiếm 27,5% đất tự nhiên); nhóm đất phát triển tại chỗ và đất phù sa cổ gần 24.724ha (chiếm 7,3% diện tích đất tự nhiên), còn lại là đất phèn và các nhóm khác.
Tài nguyên rừng:
An Giang có trên 583ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây tán rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, ngoài ra còn có 3.800ha rừng tràm. Sau một thời gian diện tích rừng bị thu hẹp, trong những năm gần đây tỉnh đã chú ý nhiều tới việc gây lại vốn rừng. Động vật rừng An Giang cũng khá phong phú và có một số loài quí hiếm.
Tài nguyên thủy sản:
An Giang có 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền và sông Hậu thuộc hệ thống sông Cửu Long với nguồn lợi thủy sản không nhỏ, cùng với hệ thống kênh, rạch, ao, hồ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá bè, ao hầm, nuôi thủy sản trên chân ruộng.
Tài nguyên khoáng sản:
So với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, An Giang có tài nguyên khoáng sản khá phong phú như: đá granít, đá cát kết, sét gạch ngói, cao lanh, than bùn, vỏ sò, ngoài ra còn có các loại puzolan, fenspat, bentonite, cát, sỏi...
Tài nguyên khoáng sản là lợi thế của tỉnh so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, nhất là đá, cát, đất sét... là nguyên liệu cho việc sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu cho vùng. Tuy nhiên trong quá trình khai thác hiện nay, tỉnh cũng xem xét cân đối trong việc khai thác với việc bảo vệ sinh thái, môi trường.
Tiềm năng du lịch:
An Giang là tỉnh có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, có rừng núi, có tài nguyên khoáng sản, những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hóa lúa nước cổ xưa. Do vậy, An Giang được xem là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan và du lịch hành hương.
Hiện nay, phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, do đó tỉnh đang được tập trung đầu tư, khai thác để phát triển nhanh các khu di tích văn hóa lịch sử như: núi Sam (thị xã Châu Đốc); núi Cấm (huyện Tịnh Biên), đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn) và khu lưu niệm Bác Tôn. Ngoài ra, tỉnh còn có các khu điểm du lịch khác là khu du lịch hồ Soài So, khu du lịch Núi Tô (Tri Tôn), khu du lịch Núi Giài, khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); cùng các lễ hội như: Dolta, đua bò của người Khmer diễn ra từ ngày 29/8 - 1/09 âm lịch hằng năm; Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer; lễ hội Ramadan của người Chăm diễn ra từ ngày 01/9-30/9…
Nguồn nhân lực:
Dân số tỉnh An Giang năm 2014 khoảng 2.155 ngàn người, trong đó nữ chiếm 50,69%, tỷ lệ nông thôn chiếm 71,6%/dân số; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2009 là 1,2%, số người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng.
Hàng năm tỉnh An Giang đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 35 ngàn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2009 chiếm 30,28%/tổng số lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 20,33%, thu nhập bình quân của người lao động khoảng 1.800.000 đồng/người/tháng.
Với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực như: trường Đại học An Giang đào tạo nhiều ngành, hiện có trên 10 ngàn sinh viên, đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn bậc đại học, cao đẳng; Trường Trung học Y tế; Trường Cao đẳng Nghề An Giang; 2 Trường Trung cấp nghề (Thị xã Châu Đốc, Dân tộc nội trú Tri Tôn); các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và huyện, thị…, hàng năm tỉnh đào tạo khoảng 3.500 người tốt nghiệp bậc đại học và cao đẳng, 3.500 người bậc trung học dạy nghề và 53 người bậc sau đại học.
Ngoài ra, tỉnh còn có lực lượng lao động được đào tạo tại các trường đại học và trung học dạy nghề từ TP. HCM, TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long... về làm việc tại An Giang ước tính khoảng 8.000 lao động.
(Tổng hợp)