ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có tổng diện tích tự nhiên 6.025km2, bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, nam giáp tỉnh Phú Yên, tây giáp tỉnh Gia Lai, đông giáp Biển Đông; cách Thủ đô Hà Nội 1.065km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 649km, cách Thành phố Đà Nẵng 300km, cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) qua Lào 300km.
Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam (trên cả 3 tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt và đường hàng không nội địa), là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Với sân bay Phù Cát, việc đi lại giữa Bình Định với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất trên 1 giờ. Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế.
Bình Định gồm 1 thành phố tỉnh lỵ Quy Nhơn, 1 thị xã (An Nhơn) và 09 huyện (An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phú Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh). Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại 1, diện tích 284,28km2, dân số trên 284.000 người, được Chính phủ xác định là đô thị trung tâm phía nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cùng với Đà Nẵng và Huế là những trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
KHÍ HẬU
Bình Định nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình: 27,4°C (cao nhất: 39,1°C, thấp nhất: 15,5°C). Độ ẩm trung bình: 80%. Tổng số giờ nắng trung bình năm: 2.223 giờ (cao nhất: 2.333 giờ, thấp nhất: 2.133 giờ). Lượng mưa trung bình năm: 1.935 mm (cao nhất: 2.467,4 mm, thấp nhất: 1.339,7 mm). Thủy triều: 154cm (cao nhất: 260cm, thấp nhất: 44cm).
NHÂN LỰC VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Dân số hiện nay của Bình Định vào khoảng 1,5 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 55%.
Trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa lĩnh vực với 40 ngành khác nhau, hiện có trên 15.000 sinh viên theo học và mỗi năm có hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp. Trường Đại học Quang Trung có 13 ngành học.
Trường Cao đẳng Bình Định, Trường Cao đẳng nghề, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng nghề NN & PTNT Trung bộ cùng các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề….
Đang xúc tiến thành lập Học viện võ thuật Tây Sơn Bình Định, 2 trường cao đẳng, 1 trường dạy nghề và 1 Trung tâm gặp gỡ quốc tế khoa học đa ngành.
Các cơ sở đào tạo nói trên hàng năm đào tạo hàng ngàn cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho tỉnh và khu vực.
CƠ SỞ Y TẾ
Hệ thống cơ sở y tế của tỉnh gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh (hạng I, 900 giường), 2 bệnh viện đa khoa khu vực cấp tỉnh, 1 bệnh viện đa khoa thành phố, 1 bệnh viên đa khoa tư nhân, các bệnh viện chuyên khoa và các trung tâm y tế huyện, nhiều phòng khám đa khoa tư nhân, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
HỆ THỐNG GIAO THÔNG
1. Đường bộ
Quốc lộ 1A qua tỉnh dài 118km, xuyên suốt chiều dài của tỉnh.
Quốc lộ 1D dài 33km (19km trên địa bàn Bình Định) nối thành phố Quy Nhơn với huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên trên tuyến Quốc lộ 1A.
Quốc lộ 19 tại tỉnh dài 70km nối liền Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan dài 107km, là con đường du lịch, dịch vụ.
Đang xây dựng tuyến đường phía Tây của tỉnh dài 112km từ An Nhơn đi Hoài Nhơn.
Toàn tỉnh có hàng trăm km đường tỉnh lộ, phần lớn là bê tông nhựa và xi măng cùng hàng ngàn km đường giao thông nông thôn liên huyện, xã đã bê tông hóa.
2. Đường sắt
Đường sắt quốc gia qua tỉnh dài 150km, xuyên suốt chiều dài của tỉnh.
Bình Định có ga Diêu Trì (một trong 10 ga lớn của Việt Nam, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn và cảng biển khoảng 12km) và các ga thuộc tuyến huyện. Ngoài các đôi tàu của Đường Sắt Việt Nam trên tuyến Bắc Nam còn có đôi tàu chất lượng cao hàng ngày chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Quy Nhơn (SQN) và ngược lại.
3. Cảng biển
- Cảng quốc tế Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn của Việt Nam. Cảng có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, mức nước sâu, kho bãi rộng, có độ sâu 8,50m, thuỷ triều trung bình 1,56m, luồng rộng 80m (luồng sẽ mở rộng thành 120m, nạo vét sâu 11,5m). Đảm bảo tàu trọng tải 30.000 tấn ra vào an toàn. Năng lực hàng thông qua cảng Quy Nhơn đạt khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Cảng Quy Nhơn cách quốc lộ 1A 10 km, cách các cảng Đà Nẵng 175 hải lý, cảng Nha Trang 90 hải lý, cảng Vũng Tàu 280 hải lý, cảng Hải Phòng 455 hải lý. Từ cảng Quy Nhơn có thể đi thẳng các cảng biển lớn trong khu vực Châu Á.
- Cảng Thị Nại nằm gần kề cảng Quy Nhơn, có tổng độ dài cầu tàu là 268m, mực nước sâu từ 4 - 6m, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn. Năng lực hàng thông qua cảng đạt khoảng 0,5 triệu tấn/năm.
- Cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội công suất 12 triệu tấn đang được xây dựng.
4. Hàng không
Bình Định có Sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 30km, hàng ngày đều có các chuyến bay của Vietnam Airline và Mekong Airline đi Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đang xây dựng hạ tầng phục vụ bay đêm tại sân bay Phù Cát.
CẤP ĐIỆN
Bình Định có đủ hệ thống lưới điện các loại: đường dây cao áp, đường dây hạ áp cùng các trạm biến áp phân phối.
Toàn bộ phường, xã trong tỉnh có điện, trong đó 158 phường, xã có điện lưới quốc gia và 1 xã đảo Nhơn Châu dùng điện diesel.
CẤP NƯỚC
Công suất cấp nước của thành phố Quy Nhơn: 45.000 m3/ngày đêm, sẽ nâng cấp lên 48.000 m3/ngày đêm.
Công suất cấp nước cho Khu công nghiệp Phú Tài: 8.500 m3/ngày đêm.
Công suất cấp nước cho Khu kinh tế Nhơn Hội: 12.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1, đang xây dựng).
Công suất cấp nước của 9 thị trấn trong tỉnh: 21.300 m3/ngày đêm.
Bên cạnh đó, đến nay toàn tỉnh Bình Định đã sửa chữa, nâng cấp và xây dựng được 356 công trình thủy lợi các loại gồm: 153 hồ chứa nước, 107 đập tràn, 96 trạm bơm. Tổng dung tích chứa 552,94 triệu m3.
BƯU CHÍNH - VIỄN THÔNG
Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc.
Tính đến nay, tổng số máy điện thoại trên toàn tỉnh gần 1,7 triệu máy (trong đó, có khoảng 1,4 triệu máy điện thoại di động và khoảng 240 ngàn máy điện thoại cố định), đạt mật độ 115 máy/100 dân (tăng 25% so với năm 2009)
TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
Tại tỉnh có đủ hệ thống ngân hàng gồm: 18 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần, 27 quỹ tín dụng cơ sở, hàng trăm phòng giao dịch và điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
KHOÁNG SẢN
- Các chủng loại đá và đá granite dùng làm vật liệu xây dựng cao cấp (trong đó đá granite đỏ và vàng chỉ Bình Định mới có), trữ lượng khoảng 700 triệu m3 tập trung chủ yếu gần các trục đường giao thông.
- Ilmenite: Với trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn, tập trung ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn.
- Bauxit ở Vĩnh Thạnh, có trữ lượng 150 triệu tấn quặng nguyên khai.
- Cát và cát trắng: phân bổ dọc bờ biển và trong các thung lũng, bãi bồi của lòng sông cạn với khối lượng 14 triệu m3.
- Toàn tỉnh có 5 điểm suối khoáng: Hội Vân, Chánh Thắng (Phù Cát), Định Quang, Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh), Long Mỹ (Quy Nhơn). Riêng nước khoáng nóng Long Mỹ có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể khai thác 50 triệu lít/năm.
- Cao lanh: tập trung ở huyện Phù Cát và Long Mỹ (Quy Nhơn), trữ lượng khoảng 25 triệu tấn.
- Đất sét: với trữ lượng khoảng 13,5 triệu m3, tập trung ở các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn...
- Vàng: tiềm năng vàng gốc của các điểm vàng với trữ lượng khoảng 22 tấn, tập trung ở các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.
RỪNG
Bình Định có 185.884 ha rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ khoảng 10 triệu m3, 64.850 ha rừng trồng. Đất có khả năng lâm nghiệp khoảng 250.734 ha, có thể phát triển thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và giấy. Tài nguyên dưới tán rừng và hệ động thực vật rừng phong phú.
THỦY SẢN
Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134km, diện tích vùng lãnh hải khoảng 2.500 km2 và trên 40.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế cùng với nguồn lợi hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao và các đặc sản quý hiếm như: cá thu, cá ngừ đại dương, tôm, mực, yến sào, tôm hùm, cua huỳnh đế... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Số lượng tàu thuyền đánh cá gắn máy hiện có trên 8.108 chiếc với tổng công suất gần 577.646CV (trong đó đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ chiếm 55%) và lực lượng ngư dân giàu kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động trên ngư trường trong cả nước. Khả năng khai thác hàng năm 120.000 tấn hải sản.
Diện tích mặt nước lợ tự nhiên: 7.600 ha (trong đó đầm Thị Nại: 5.060 ha, đầm Đề Gi: 1.600 ha, vùng cửa sông Tam Quan: 400 ha...), và hàng ngàn ha đất nông nghiệp nhiễm mặn năng suất lúa bấp bênh, đất cát ven biển có khả năng chuyển đổi để phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm bạc, cá mú, cá hồng, cá chua, sò huyết, ngao, hàu, cua, rong câu chỉ vàng....
Diện tích mặt nước ngọt tự nhiên 5.176 ha, bao gồm các đầm hồ tự nhiên, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ nhỏ, ruộng trũng... (trong đó có đầm Châu Trúc 1.200ha). Khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt như rùa, ba ba, chình mun, tôm càng xanh, các loại cá.
Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh hiện có 6 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản với tổng công suất 35 tấn/ngày với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 30 triệu USD.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 4 cảng cá gồm: Cảng cá Nhơn Châu, Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn; 17 cơ sở, khả năng đóng mới hàng năm là 800 chiếc tàu cá 45 CV trở lên và sửa chữa hàng ngàn lượt chiếc, trong đó có một số cơ sở có khả năng đóng được tàu 500 - 700 CV và đã ứng dụng công nghệ bọc vỏ tàu bằng composite.
DU LỊCH
Bình Định là miền đất võ, là nơi xuất phát và là thủ phủ của phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ 18 với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng áo vải Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Là quê hương và nơi nuôi dưỡng tài năng các danh nhân Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan; quê hương của các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, bài chòi.
Bình Định từng là cố đô của Vương quốc Chămpa với di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm (7 cụm, 14 tháp) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hài hòa, hấp dẫn như Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dài.... Tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Bình Định có 105 khách sạn (4 khách sạn - resort 4 sao, 2 khách sạn 3 sao), tổng số trên 2.446 phòng, trong đó 1.536 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số resort, khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao đang được quy hoạch xây dựng. 9 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
Bình Định có 231 di tích, trong đó Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng 33 di tích và UBND tỉnh xếp hạng 55 di tích.
Các lễ hội truyền thống: Chiến thắng Đống Đa, Chiến thắng Talốc - Taléc; Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu; Chiến thắng Đồi 10; Lễ hội cư dân miền biển; Lễ hội đâm trâu...
Làng nghề: Rượu Bàu Đá, Mộc mỹ nghệ, Gốm, Nón ngựa Gò Găng, Làng rèn Phương Danh, Bún Song Thằng, Bánh tráng nước dừa, Bánh tráng mè...
Ẩm thực: Bánh hỏi thịt heo, bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá, bún Song Thằng, nem Chợ Huyện, bánh tráng nước dừa...
(Nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)