Vị trí địa lý: Cà Mau là một tỉnh ven biển cực nam của Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nằm trọn trên bán đảo Cà Mau, phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phía nam giáp biển Đông và phía tây giáp vịnh Thái Lan. Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km và thuộc hành lang kinh tế ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ (từ Bạc Liêu - Gành Hào - Cà Mau - Năm Căn), có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển đảo.
Diện tích: 5.329 km², bằng 13,13% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và bằng 1,58% diện tích cả nước
Địa hình: Nhìn chung địa hình tương đối bằng phẳng và thấp, trong đất liền không có núi đá (ngoài biển cũng chỉ có một số cụm đảo gần bờ), cao phổ biến từ 0,5 - 1m so với mặt nước biển, các khu vực trầm tích sông hoặc sông - biển hỗn hợp có địa hình cao hơn; các khu vực trầm tích biển - đầm lầy hoặc đầm lầy có địa hình thấp hơn (trung bình và thấp trũng) chiếm tới 89%.
Khí hậu: Khí hậu tỉnh Cà Mau là khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt cao (nhiệt độ trung bình 26,5°C, nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm vào tháng 4 khoảng 27,6°C, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng Giêng khoảng 25°C). Nét đặc trưng là khí hậu phân mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Ẩm độ trung bình là 85,6%, nhưng mùa khô ẩm độ thấp hơn, vào tháng 3 ẩm độ chỉ khoảng 80%. Về cơ bản, khí hậu ôn hòa, ít khắc nghiệt hơn các vùng khác.
Dân số: tính đến 2013 là 1,22 triệu người. Cũng như cả nước và cả vùng, tỉnh Cà Mau có cơ cấu đa dân tộc, trong tỉnh có 20 dân tộc khác nhau, người Kinh chiếm chủ yếu, người Khmer chiếm gần 3% người Hoa chiếm 0,95%.
Mật độ dân số: 226,5 người/km²
Lực lượng lao động: 643.815 người, chiếm 57,5% dân số
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Tài nguyên đất:
Đất ở tỉnh Cà Mau được hình thành trên các trầm tích trẻ, tuổi holocene, trong đó: 34% diện tích tự nhiên của tỉnh được tạo thành do trầm tích sông hoặc sông biển hỗn hợp, 12% là trầm tích sông - đầm lầy, 13% trầm tích biển - đầm lầy, 36% là trầm tích biển và 2% là trầm tích đầm lầy, vì vậy trên 50% đất đai của tỉnh là đất phèn đến phèn nặng. Nhìn chung đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao nhưng do bị nhiễm phèn mặn nên đối với sản xuất nông nghiệp, đa số đất của tỉnh Cà Mau được xếp vào loại “đất có hạn chế” với những mức độ khác nhau.
Tài nguyên nước:
- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt của tỉnh Cà Mau chủ yếu là nguồn nước mưa và nguồn nước đưa từ biển vào, chứa trong hệ thống sông rạch tự nhiên, kênh thủy lợi, trong rừng ngập mặn, rừng tràm và các ruộng nuôi thủy sản.
- Nguồn nước ngầm: nước ngầm ở tỉnh Cà Mau có trữ lượng lớn, chất lượng đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
Tài nguyên rừng
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Cà Mau đến năm 2010 có diện tích đất lâm nghiệp là 108.025 ha, trong đó: đất rừng đặc dụng 17.830,7 ha, chiếm 16,51% đất lâm nghiệp; đất rừng phòng hộ 26.132,6 ha, chiếm 24,19% đất lâm nghiệp; đất rừng sản xuất 64.061,7 ha, chiếm 59,30% đất lâm nghiệp.
Rừng ở tỉnh Cà Mau bao gồm rừng ngập mặn ven biển (tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân) và rừng tràm ngập úng phèn (tập trung ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình).
Đây là 2 hệ sinh thái rừng đặc thù ở vùng ĐBSCL, có tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm U Minh hạ có vai trò cân bằng sinh thái vùng ven biển, điều hòa khí hậu và phòng hộ ven biển. Ngoài ra, trên cụm đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối có 583 ha rừng cây gỗ quý.
Tuy nhiên, giá trị thuần kinh tế của rừng Cà Mau không cao, nhất là rừng tràm do trữ lượng thấp, sản phẩm gỗ tràm khó tiêu thụ, nguy cơ cháy rừng rất cao. Tổng trữ lượng rừng Cà Mau đạt khoảng 2,2 triệu m³; trong đó trữ lượng rừng tràm khoảng 1,44 triệu m³ và trữ lượng rừng ngập mặn khoảng 770.000m³ (bình quân trữ lượng rừng chỉ đạt khoảng 22 m³/ha, riêng rừng ngập mặn bình quân chỉ đạt 12 m³/ha).
Tài nguyên khoáng sản
- Dầu khí: ở thềm lục địa Tây Nam (nhất là trong vùng vịnh Thái Lan) có tiềm năng lớn về dầu khí, có nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, quan trọng nhất là bể Malay - Thổ Chu, gồm nhiều lô thăm dò khai thác dầu khí (từ lô 36 đến lô 51, các lô A, lô B, vùng thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Malaysia PM-3CAA và vùng mới phân định giữa Việt Nam và Thái Lan), đây là những lô có trữ lượng và tiềm năng đáng kể về khí thiên nhiên. Tiềm năng dầu khí của bể Malay - Thổ Chu khoảng 380 triệu m³ dầu quy đổi (theo đánh giá của PetroVietNam), trữ lượng đã phát hiện khoảng 230 triệu m³, riêng trữ lượng khí đã phát hiện khoảng 212 tỷ m³, sản lượng khai thác khoảng trên 10 tỷ m³/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý của đất nước, là điều kiện để phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng (cụm dự án Khí điện đạm Cà Mau, khu công nghiệp Khánh An…).
- Cát ven biển: từ cửa Bồ Đề đến Mũi Cà Mau dài 36 km (huyện Ngọc Hiển) có bãi cát nằm sát ven biển với bề rộng bãi cát khoảng 1 km. Đây là bãi cát có trữ lượng không lớn, cát mịn và lẫn nhiều chất mùn bã, không có ý nghĩa khai thác công nghiệp lớn, mục đích chủ yếu là để phát triển du lịch bãi cát ven biển (bãi Khai Long).
- Than bùn: vùng than bùn U Minh hạ của tỉnh Cà Mau là một trong những vùng chứa than bùn lớn nhất Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực vườn quốc gia U Minh hạ (bao gồm rừng đặc dụng Vồ Dơi), Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ). Tổng diện tích có chứa than bùn còn lại (sau các vụ cháy rừng lớn năm 1982 và năm 2002) là 5.640 ha. Đây là đầm than rộng, khá đồng nhất về điều kiện hình thành cũng như về chất tạo than nên chất lượng than bùn U Minh hạ ổn định, có thể sử dụng sản xuất chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và acid Humic, than hoạt tính. Do bị cháy nhiều lần, trữ lượng than bùn đã giảm nghiêm trọng, hiện còn khoảng 14,1 triệu tấn (giảm gần 12 lần so với năm 1976), trong đó trữ lượng đã thăm dò là 4,8 triệu tấn. Nguồn tài nguyên này cần sớm được nghiên cứu khai thác sử dụng hợp lý và có hiệu quả.
Tài nguyên biển
Cà Mau là một trong số 28 tỉnh ven biển của cả nước và là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển. Có 6/9 huyện thành phố (trừ thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, huyện Cái Nước) và 23/101 xã, phường, thị trấn của tỉnh tiếp giáp với biển; 59,8% dân số của tỉnh đang sinh sống tại các huyện ven biển, riêng ở các xã, thị trấn ven biển chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Biển đã và sẽ tạo ra vị thế phát triển cho tỉnh Cà Mau thông qua các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến thủy sản, vận tải biển và đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh đang và sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với việc khai thác, bảo vệ tài nguyên biển.
Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254km (không kể bờ 3 cụm đảo), bằng 34,46% chiều dài bờ biển của toàn vùng biển Tây Nam Bộ và bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước. Vùng biển Cà Mau là vùng biển nông và là vùng biển bồi, điều kiện khí tượng thủy văn thường ổn định hơn các vùng biển khác, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển. Dọc theo bờ biển, có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển (gồm các cửa: Hương Mai, Khánh Hội, Đá Bạc, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Bảy Háp, Ông Trang, Rạch Tàu, Bồ Đề, Rạch Gốc, Hố Gùi, Gành Hào…) đã hình thành một số cụm kinh tế ven biển, các làng cá có khá đông dân cư sinh sống.
Trong vùng biển của tỉnh Cà Mau có 3 cụm đảo gần bờ là cụm đảo Hòn Khoai (diện tích 577 ha, đỉnh cao nhất 318 m), cụm đảo Hòn Chuối (diện tích 14,5 ha, đỉnh cao nhất 165 m) và cụm đảo Hòn Đá Bạc (diện tích 6,3 ha, đỉnh cao nhất 24 m). Đặc biệt cụm đảo Hòn Khoai có khả năng phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế biển và có vị trí quan trọng về bảo vệ an ninh quốc phòng do có vị trí án ngữ ở cửa vịnh Thái Lan, nằm ở giữa vùng biển Đông và vịnh Thái Lan. Trong cụm đảo Hòn Khoai có Hòn Đá Lẻ (toạ độ 8022’8’’N, 104052’4’’E) là một trong những điểm chuẩn để tính đường cơ sở trên biển của nước ta (điểm A2).
- Đa dạng về hệ sinh thái: vùng biển Tây Nam Bộ nói chung và vùng biển Cà Mau nói riêng là vùng biển có nguồn tài nguyên và hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Các hệ sinh thái biển và ven biển có giá trị quan trọng như điều hòa khí hậu, là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi nhiều loài thủy sinh, nhiều hệ sinh thái có năng suất sinh học cao như rừng ngập ven biển, vùng bãi bồi ven biển, vùng cửa sông… Vùng ven biển của tỉnh Cà Mau thuộc loại giàu tiềm năng bảo tồn như vùng bãi bồi, các khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia Mũi Cà Mau.
Trong hệ sinh thái ven biển của tỉnh Cà Mau, có vườn quốc gia Mũi Cà Mau (thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn) với diện tích 41.861 ha, đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên (hệ sinh thái cửa sông, ven biển) có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường. Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm (22 loài thực vật ngập mặn, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát và 133 loài động vật phiêu sinh).
- Nguồn lợi thủy hải sản: vùng biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng thủy hải sản lớn và đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm biển, mực, một số loài cá có giá trị như cá thu, cá mú, cá chim… Ngoài khai thác đánh bắt thủy hải sản, lợi thế vùng biển đã tạo cho tỉnh Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn lớn nhất nước; mặt nước vùng bãi triều ven biển, ven đảo cũng là tiềm năng lớn để phát triển nuôi thủy hải sản. Vùng biển Cà Mau có thể giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động làm nghề khai thác hải sản, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp cơ khí đóng mới sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp chế biến xuất khẩu, các dịch vụ phục vụ khai thác thủy hải sản…
Tài nguyên du lịch:
- Du lịch sinh thái: với diện tích rừng ngập mặn và rừng tràm rộng lớn, có Khu dự trử sinh quyển mũi Cà Mau, 02 vườn quốc gia (Mũi Cà Mau và U Minh hạ), có các vườn chim tự nhiên là những điều kiện để tỉnh Cà Mau phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, du lịch rừng ngập mặn Cà Mau đang được đầu tư theo dự án du lịch chuyên đề quốc gia. Nhờ đó, sản phẩm du lịch sinh thái của tỉnh Cà Mau ít bị trùng lặp với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL (chủ yếu là sinh thái miệt vườn).
- Du lịch biển: với chiều dài bờ biển 254 km, có một số bãi cát ven bờ (Giá Lồng Đèn, Khai Long), có cồn bồi lắng cửa sông, các cụm đảo gần bờ Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc là tiềm năng để khai thác du lịch biển đảo.
- Du lịch lịch sử nhân văn: ở tỉnh Cà Mau có một số khu di tích lịch sử như Hồng Anh thư quán, đình Tân Hưng, khu căn cứ Lung Lá Nhà Thể, căn cứ Xẻo Đước, khu chứng tích tội ác Mỹ ngụy Hải Yến - Bình Hưng. Đây là những công trình văn hóa du lịch, đang được đầu tư tôn tạo. Nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa dân gian, lễ hội Nghinh ông, hoạt động mua bán chợ nổi trên sông… là những yếu tố có thể khai thác trong hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, các tài nguyên du lịch của tỉnh hiện chủ yếu còn ở dạng tiềm năng, để sớm khai thác có hiệu quả đòi hỏi phải đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ, các doanh nghiệp cần có những ý tưởng mới về các sản phẩm du lịch, mô hình kinh doanh du lịch...
KẾT CẤU HẠ TẦNG
Điện:
Hệ thống lưới điện, nhất là lưới điện nông thôn phát triển nhanh: Lưới truyền tải, trong 7 năm 2001 - 2007 đã đầu tư phát triển mới 650 km lưới điện trung thế, trong đó có đường dây 110KV Vị Thanh - Cà Mau và Cà Mau - Cái Nước (dài 179 km); lưới điện trung thế đã tạo được một số mạch vòng tại khu vực trung tâm thành phố Cà Mau và các huyện lân cận. Tổng dung lượng các trạm trên lưới truyền tải là 483 MVA (gồm trạm 220KV Cà Mau, trạm 110KV Cái Nước, trạm 110KV An Xuyên). Công suất các trạm nguồn 110 - 220KV đủ lớn đáp ứng nhu cầu hiện tại và cho một vài năm tới của tỉnh, nên việc cấp điện ổn định và chất lượng điện áp tốt hơn. Về lưới điện phân phối, đã xây dựng 3.400 km lưới điện hạ thế, nâng tổng chiều dài lưới điện phân phối hiện có đến cuối năm 2007 lên 4.973 km, tổng dung lượng các trạm hạ thế là 138.740 KVA. Tỷ lệ thất điện năng đã giảm còn khoảng 12%. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đến cuối năm 2009 đạt 91,5%.
Giao thông
Hiện nay có 2 tuyến Quốc lộ do Trung ương quản lý (Quốc lộ 1A và Quốc lộ 63) với tổng chiều dài chạy qua địa bàn tỉnh là 108km, trong đó Quốc lộ 63 đã nâng cấp xong năm 2005, Quốc lộ 1A đang đầu tư đến Năm Căn (giai đoạn I), ngoài ra còn có tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam, nối liền tỉnh Kiên Giang đến Cà Mau đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư. Tỉnh quản lý 22 tuyến giao thông đường bộ từ tỉnh đến trung tâm các huyện và trung tâm một số cụm kinh tế với tổng chiều dài 525 km (đã đầu tư nâng cấp trên 230 km đường về trung tâm huyện, đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng).
Hệ thống đường thủy có 11 tuyến do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 251 km, đạt tiêu chuẩn đường sông cấp III và 13 tuyến do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 358 km, đạt tiêu chuẩn đường sông cấp IV. Ngoài ra còn có hàng nghìn km đường thủy kết hợp kênh rạch thủy lợi.
Nhà ga hàng không Cà Mau đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng, hiện đang khai thác tuyến Cà Mau - Thành phố Hồ Chí Minh với loại máy bay ATR72 (mỗi ngày một chuyến).
Về hệ thống bến bãi: tại thành phố Cà Mau có 2 bến xe khách, 2 bến tàu thủy và 1 bến xếp dỡ hàng hóa với tổng diện tích sử dụng các bến gần 35.000m²; tại trung tâm các huyện đều có bến tàu thủy, một số huyện hình thành được bến xe ô tô. Hệ thống bến cảng để phục vụ vận tải, sản xuất công nghiệp và hậu cần nghề cá như cảng Năm Căn, cảng cá Cà Mau, cảng cá Sông Đốc và cảng của cụm dự án Khí điện đạm (tại vàm Cái Tàu) đang được đầu tư xây dựng.
Bưu chính viễn thông:
Cà Mau có tổng đài vi ba số, dung lượng lớn và tổng đài kỹ thuật số ở các huyện, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và thế giới, bình quân 4,5 máy/100 dân
(Nguồn: www.camau.gov.vn)