Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, là vùng đất nổi tiếng về cà phê, cao su và lễ hội. Đến Đắk Lắk là đến với rừng núi, sông hồ và những ngọn thác hùng vĩ hòa cùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một “ Kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể” của nhân loại.
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN:
Vị trí: Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm ở khu vực trung tâm của vùng; phía Bắc giáp với tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp với Vương quốc Campuchia, phía Tây Nam giáp tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Diện tích: 13.125,37 km²
Khí hậu: Khí hậu tỉnh Đắk Lắk vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng và chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau (khí hậu mát và lạnh, độ ẩm thấp), mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 (khí hậu ẩm và dịu mát, tập trung 90% lượng mưa hàng năm, rất thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển). Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.600 - 2.000mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Nhiệt độ trung bình năm 22 - 23°C, nhiệt độ cao nhất 37°C (tháng nóng nhất là tháng 4); nhiệt độ thấp nhất 14°C (tháng lạnh nhất vào tháng 12).
Địa hình: Địa hình tỉnh Đắk Lắk có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên xen giữa núi cao và núi cao trung bình, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc, độ cao trung bình từ 500 – 800m so với mặt nước biển. Ở giữa là cao nguyên Buôn Ma Thuột rộng lớn trải dài từ Bắc xuống Nam trên 90km và từ Đông sang Tây khoảng 70km, bề mặt có dạng đồi lượn sóng, độ dốc từ 3 – 80, độ cao trung bình 450 - 500 m, diện tích khoảng 371 km², chiếm 28,4% diện tích toàn tỉnh, phần lớn diện tích cao nguyên này là đất đỏ bazan màu mỡ.
Tổ chức hành chính: Hiện Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính, bao gồm: TP. Buôn Ma Thuột (đô thị loại I là trung tâm tỉnh lỵ), Thị xã Buôn Hồ và 13 huyện: Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M'Gar, Ea H'leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Krông Buk, Krông Păk, Lắk, M’Đrắk, Krông Ana, Krông Năng
Dân số: 1.733.113 người (tính đến năm 2009), gồm 41 dân tộc anh em sinh sống.
Mật độ dân số: 132,04 người/km²
Lực lượng lao động: 1.052.150 người (chiếm 60,7% dân số)
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN:
Tài nguyên đất:
Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng tài nguyên đất rộng lớn, đất đai ở đây khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (dễ khai thác, đầu tư cải tạo thấp, độ an toàn sinh thái cao). Nhóm đất đỏ có diện tích 324.679 ha chiếm 24,81% diện tích tự nhiên, phần lớn nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su v.v. Ngoài ra còn có nhiều loại đất khác như đất xám, đất nâu, đất nâu thẫm, đất phù sa, thích nghi với nhiều loại cây trồng khác nhau như cây lương thực thực phẩm, công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và một số cây lâu năm khác... Đây là điều kiện khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng.
Tài nguyên nước:
Đắk Lắk có 2 hệ thống sông chính là sông Sêrêpôk và lưu vực sông Ba.
- Hệ thống sông Sêrêpôk chảy theo hướng tây bắc đổ vào sông Mê Kông, với chiều dài chảy qua địa bàn tỉnh 341km, tổng diện tích lưu vực là 30.100km², gồm 2 nhánh chính: sông Krông Ana và Krông Nô. Hiện tại sông Sêrêpôk đem lại tiềm năng to lớn về thủy điện, với tổng trữ năng trên 1.000MW.
- Hệ thống lưu vực sông Ba có diện tích lưu vực 13.900km², nằm về phía đông bắc tỉnh và có hai phụ lưu chính chảy trong phạm vi của tỉnh là sông Krông Hin và sông Krông Năng. Hai sông này bắt nguồn từ dãy núi cao và chảy qua các vùng có lượng mưa lớn và phong phú.
Ngoài ra, nguồn tài nguyên nước ở Đắk Lắk còn được bổ sung bởi gần 500 hồ tự nhiên và nhân tạo, độ sâu từ vài đến 25m và gần 1.000 con suối. Đây là những khu vực chứa nước trên cao nguyên phục vụ cho các nhu cầu dân sinh kinh tế như tưới tiêu, du lịch tham quan, nuôi trồng thủy sản và điều hòa sinh thái, bảo vệ môi trường.
Tài nguyên rừng:
Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về rừng với gần 1 triệu ha đất nông, lâm nghiệp, trong đó gần 620.000 ha có rừng, độ che phủ của rừng là 50%. Ở đây có vườn quốc gia Yôk Đôn rộng trên 115.500 ha, là khu vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Đắk Lắk còn có 4 rừng đặc dụng là: vườn quốc gia Chư Yang Sin (huyện Krông Bông – Lắk), khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar (huyện Lắk) và rừng lịch sử văn hóa môi trường Hồ Lắk (huyện Lắk), khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), mỗi khu có diện tích từ 20-60 nghìn ha.
Đắk Lắk không chỉ có núi non trùng điệp với những thảm rừng đa sinh thái (rừng kín lá rộng, rừng thường xanh quanh năm, rừng lá kim á nhiệt đới, rừng kín nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới, rừng thưa, rừng hỗn giao tre nứa, thảm cỏ tự nhiên).với hơn 3 nghìn loài cây, 93 loài thú, 197 loài chim, mà còn là cao nguyên đất đỏ phù hợp với việc phát triển cây công nghiệp dài ngày.
Tài nguyên khoáng sản:
Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản phục vụ cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng như:
- Caolin được dùng trong nguyên liệu gốm sứ có trữ lượng P là 36,9 triệu tấn (mỏ ở M'Đrắk 33,9 triệu tấn, mỏ Ea Knôp của huyện Ea Kar 3 triệu tấn), phân bố chủ yếu ở M'Đrắk, Ea Kar.
- Fenspat có 2 mỏ với tổng trữ lượng 2,74 triệu tấn (mỏ Krông Hnăng ở M'Đrắk có trữ lượng 0,74 triệu tấn, mỏ Iak Bo của huyện Ea Kar có trữ lượng 2 triệu tấn. Fenspat được khai thác và cung cấp cho các cơ sở sản xuất gốm sứ .
- Cát, cuội sỏi xây dựng phân bố ở các thềm sông suối, các vùng trũng trong sông suối tại các huyện Krông Ana, Lắk, Krông Bông, Krông Pắk, Ea H'leo, Buôn Ma Thuột. Riêng mỏ Bắc Chư Pông (Ea H'Leo) đã xác định có trữ lượng khoảng 8 triệu m³ cát sỏi.
- Đá khai thác phục vụ cho xây dựng có đá granit ở Ea H'leo, Krông Bông, trữ lượng ước tính gần 1 tỷ m³; đá bazan...hiện đang được khai thác, tuy nhiên mức độ khai thác chưa hợp lý và rất lãng phí.
- Than bùn với 20 khu vực chứa than bùn, phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh. Các mỏ than bùn điển hình như: Ea Pôk, Buôn Ja Wầm, Cuôr Đăng, Krông Ana, Ea Ktur, ...
Ngoài các loại khoáng sản kể trên, Đắk Lắk còn có thể khai thác một số loại khoáng sản khác như quặng chì, kẽm, fluorit...
Tài nguyên du lịch:
Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển mạnh du lịch với các loại hình đa dạng như:
- Du lịch sinh thái, cảnh quan: Thác Dray Nur, thác Gia Long, Dray H'Linh, Krông Kmar, vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, hồ Lắk, hang đá Đăk Tuor, hồ Ea Sup thượng…
- Du lịch văn hóa, lịch sử: Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà bảo tàng dân tộc Đắk Lắk, sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột.
- Du lịch lễ hội: Lễ hội cồng chiêng, đua voi, đâm trâu, lễ hội của các dân tộc thiểu số…
KẾT CẤU HẠ TẦNG:
Giao thông:
Đắk Lắk có hệ thống đường bộ và đường hàng không tương đối phát triển, bao gồm nhiều tuyến quốc lộ quan trọng, vừa nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và thông ra biển, vừa thông thương với vùng đông bắc Campuchia.
Đường bộ:
Toàn tỉnh hiện có 397,5km đường quốc lộ, trong đó:
- Quốc lộ 14 dài 126km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đắk Nông
- Quốc lộ 26 dài 119km, từ ranh giới tỉnh Khánh Hòa đến TP. Buôn Ma Thuột
- Quốc lộ 27 dài 84km, từ TP. Buôn Ma Thuột đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng
- Quốc lộ 14C dài 68,5km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đắk Nông.
Cùng với việc Chính phủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các công trình đầu tư nhằm khai thác lợi thế của tuyến giao thông này như việc đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông sẽ hình thành nhánh của con đường xuyên Á bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) - Myanmar - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y tạo mối quan hệ thương mại quốc tế giữa các tỉnh đông bắc Thái Lan, nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông nội tỉnh được đầu tư mở mới và nâng cấp thuận lợi có thể thông thương đến biên giới Campuchia.
Hiện nay, Đắk Lắk đã có tuyến xe buýt đến tất cả các điểm thuộc thành phố Buôn Ma Thuột và từ thành phố Buôn Ma Thuột đi đến trung tâm hầu hết các huyện trong tỉnh và đi đến thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Đắk Lắk đang và sẽ tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có; hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết, đảm bảo mật độ mạng lưới đường trên 0,6 km/km2; phấn đấu đến năm 2020, nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị; 50% số km đường xã được cứng hóa.
Đường hàng không:
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột là cảng cấp 4E cho loại máy bay A321 lên xuống, công suất nhà ga 150.000 hành khách/năm, hàng ngày có các chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ngược lại bằng máy bay cỡ trung A320, hiện nay có 02 hãng hàng không khai thác: Việt Nam Airlines và Mê Kông Airlines. Nhà ga sân bay đang được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại phục vụ du khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk. Năm 2010, cảng hàng không Buôn Ma Thuột phục vụ 300.000 hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm. Dự kiến, đến năm 2020 sẽ phục vụ 800.000 hành khách/năm.
Đường sắt:
Theo quy hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 160km, toàn tuyến có 8 ga, đoạn nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 85km và có 5 ga. Tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma thuột sẽ phục vụ cho việc lưu thông vận tải hàng hóa và hành khách không chỉ cho riêng tỉnh Đăk Lăk mà còn cho các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, liên kết Tây Nguyên với các cảng biển Duyên Hải miền Trung. Ngoài ra tuyến đường sắt Vũng Rô - Đắk Lắk - Đắk Nông - cảng Thị Vải, phục vụ tốt nhu cầu khai thác bô xít ở Đăk Nông và vận tải hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên cũng đang được nghiên cứu đề xuất xây dựng.
Điện:
- Mạng lưới điện: Hệ thống mạng lưới điện Đắk Lắk đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên toàn tỉnh. Hiện nay, Đắk Lắk đã hoàn thành cấp điện đạt tỷ lệ 94% thôn, buôn có điện; 95% số hộ được dùng điện; 100% số xã có lưới điện quốc gia; mức tiêu thụ bình quân đạt 437kwh/người/năm.
- Hệ thống thủy điện: Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện, trên địa bàn có các đầm hồ lớn như hồ Lắk (huyện Lắk), sông Sêrêpôk có trữ lượng thủy điện khoảng 2.636 triệu KW. Hiện tại, tỉnh có 23 công trình thuỷ điện nhỏ đã được đầu tư xây dựng với tổng công suất lắp máy 14.280KW đang hoạt động. Các công trình thủy điện lớn là Buôn Kuốp (280MW), Buôn Tua Srah (86MW), Sêrêpôk III (220MW) và Sêrêpôk IV (70MW) đã được khởi công xây dựng và đưa một số tổ máy đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch đến 2020, Đắk Lắk sẽ cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các ngành sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của dân cư. Phấn đấu đến năm 2015 là 100% số hộ dân trong toàn tỉnh có điện. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục tích cực xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất vừa và nhỏ để bổ sung một phần nguồn điện cho hệ thống điện của tỉnh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương. Dự kiến, trong giai đoạn năm 2010 – 2020, tỉnh sẽ xây dựng thêm một số trạm 110KV để tăng tính liên tục cung cấp điện; xây dựng một số đường dây trung áp từ trạm 110KV để cấp điện cho các khu công nghiệp; tiếp tục hoàn chỉnh lưới điện 110KV tại các vùng phụ tải.
Nước:
Đắk Lắk có hệ thống xử lý và cấp nước tập trung đủ cung cấp cho sinh hoạt của người dân tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ (huyện Krông Buk), các thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), Quảng Phú (huyện Cư M’Gar); các hệ thống cấp nước khác phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 55 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 204.560 giếng đào, 9.128 giếng khoan, 18.846 bể chứa; cấp nước đô thị đạt định mức 80 lít/người/ngày cho 60% dân số; cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân cư nông thôn đạt khoảng 70 - 72% dân số. Dự kiến đến năm 2020, 100% dân số của tỉnh sẽ được sử dụng nước sạch.
Ngoài ra, tỉnh cũng tranh thủ thu hút các nguồn vốn ODA, NGO; kết hợp nhà nuớc và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, nhà máy nước, trạm cấp nước và được thu tiền sử dụng nước của các hộ gia đình; khuyến khích thành lập các hợp tác xã kinh doanh nước sinh hoạt; thực hiện giá khuyến khích lắp đặt và sử dụng nước, hoặc cho vay trả chậm đối với các hộ nghèo.
Hệ thống thủy lợi:
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 607 công trình thủy lợi các loại, trong đó có khoảng 489 hồ chứa, 69 đập dâng, 01 đê bao và một số trạm bơm lưới. Tổng dung tích trữ nước từ các công trình thủy lợi khoảng gần 421 triệu m³ (chưa kể hồ Easúp). Hàng năm đảm bảo cung cấp nước tư¬ới cho 18.000ha lúa và 40.600ha cà phê (năm 2010 đảm bảo đủ nước tưới cho trên 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới và đến năm 2020 đạt 90%).
Bưu chính viễn thông:
- Hệ thống viễn thông trên toàn tỉnh đã được số hóa, nhiều thiết bị hiện đại đã được đưa vào sử dụng.
- 100% số xã có hệ thống thông tin thông suốt, mật độ thuê bao điện thoại tính cả cố định và di động đạt 105 máy/100 người dân, riêng thuê bao cố định đạt 15,7 thuê bao/100 dân; 5,31 thuê bao internet/100 người dân
(Nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)