Đắk Nông được thành lập từ ngày 01/01/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH 11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI, trên cơ sở chia cắt tỉnh Đắk Lắk (cũ) thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN
Vị trí địa lý: Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam vùng Tây Nguyên, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp Campuchia với 130 km đường biên giới. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.513 km²
Địa hình: Địa hình của tỉnh Đắk Nông đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao. Địa hình có hướng thấp dần từ Đông sang Tây và từ Bắc sang Nam.
Địa hình thung lũng là vùng đất thấp phân bố dọc sông Krông Nô, Sêrêpôk, thuộc khu vực các huyện Cư Jút, Krông Nô. Điạ hình tương đối bằng phẳng, có độ dốc từ 0-3°, thích hợp với phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Địa hình cao nguyên chủ yếu ở Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Song, độ cao trung bình trên 800 m, độ dốc trên 15°. Đây là khu vực có đất bazan là chủ yếu, rất thích hợp với phát triển cây công nghiệp lâu năm, lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc.
Địa hình núi phân bố trên địa bàn huyện Đắk R'Lấp. Đây là khu vực địa hình chia cắt mạnh và có độ dốc lớn. Đất bazan chiếm phần lớn diện tích, thích hợp với phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, tiêu.
Khí hậu: Khí hậu tỉnh Đắk Nông vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể.
Nhiệt độ trung bình năm 22-23°C, nhiệt độ cao nhất 35°C, tháng nóng nhất là tháng 4. Nhiệt độ thấp nhất 14°C, tháng lạnh nhất vào tháng 12. Có những năm nhiệt độ bất thường nắng nóng, dễ gây cháy rừng, khô hạn thiếu nước ảnh hướng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Lượng mưa trung bình năm từ 2200-2400 mm, lượng mưa cao nhất 3000mm. Tháng mưa nhiều nhất vào tháng 8, 9; mưa ít nhất vào tháng 1, 2. Độ ẩm không khí trung bình 84%. Độ bốc hơi mùa khô 14,6-15,7 mm/ngày, mùa mưa 1,5-1,7 mm/ngày.
Hướng gió thịnh hành mùa mưa là Tây Nam, hướng gió thịnh hành mùa khô là Đông bắc, tốc độ gió bình quân 2,4 -5,4 m/s , hầu như không có bão nên không gây ảnh hưởng đối với các cây trồng dễ gãy, đổ như cà phê, cao su, tiêu v.v.
Tổ chức hành chính: Toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã gồm các huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Đắk R'Lấp và Đắk GLong, Tuy Đức và thị xã Gia Nghĩa. Trung tâm tỉnh lỵ là Gia Nghĩa.
Dân số: Dân số trung bình năm 2009 là 492.029 người.
Mật độ dân số: 75,55 người/km²
Lực lượng lao động: số người trong độ tuổi lao động khoảng 307 ngàn người, chiếm trên 62% dân số
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Tài nguyên đất: Theo báo cáo số liệu kiểm kê đất năm 2009 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đến ngày 01-01-2009, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh có 651561.5 ha. Trong đó:
- Đất nông nghiệp: có diện tích là 573175.95 ha, chiếm 87,9% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn diện tích. Đất cây hàng năm chủ yếu là đất trồng lúa, ngô và cây công nghiệp ngắn ngày, ngoài ra diện tích đất nương rẫy còn khá lớn.
- Đất lâm nghiệp: tổng diện tích là 323992.49 ha. Tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 49,2%.
- Đất chuyên dùng: diện tích 17701.55 ha, chiếm 2,7% tổng diện tích tự nhiên.
- Đất khu dân cư: diện tích 4101.26 ha chiếm 0,63% tổng diện tích tự nhiên.
- Đất chưa sử dụng: diện tích đến 01/01/2009 còn 37654.15 ha, chiếm 5,78% diện tích tự nhiên, trong đó đất sông suối và núi đá không có cây rừng là 666.53 ha. Còn lại khoảng 36987.62 ha đất bằng, đất đồi núi và mặt nước chưa sử dụng, trong đó chủ yếu là đất đồi núi có 36141.93 ha, diện tích đất bằng chưa sử dụng còn rất hạn hẹp.
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt do nguồn nước mưa cung cấp, tương đối dồi dào, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của khí hậu cao nguyên, lại nằm ở phía Tây, cuối dãy Trường Sơn nên vào mùa khô mưa ít, nắng nóng kéo dài làm khô hạn, nhiều lúc thiếu nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư.
Nguồn nước ngầm, phân bố ở hầu khắp cao nguyên bazan và các địa bàn trong tỉnh, có trữ lượng lớn ở độ sâu 40-90m. Đây là nguồn cung cấp nước bổ sung cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, được sử dụng phổ biến cho sinh hoạt, làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Tuy nhiên trên một số địa bàn núi cao thuộc các huyện Đắk R'Lấp, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa nguồn nước ngầm hạn chế. Nước ngầm được khai thác chủ yếu thông qua các giếng khoan, giếng đào, nhưng do nguồn nước nằm ở tầng sâu nên muốn khai thác cần có đầu tư lớn và phải có nguồn năng lượng.
Tài nguyên rừng: Diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 323992.49 ha, độ che phủ toàn tỉnh đạt 49,2%. Rừng tự nhiên được phân bố đều khắp các huyện, tập trung chủ yếu ở vùng núi cao, có tác dụng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi sinh.
Chia theo mục đích sử dụng: đất có rừng sản xuất (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng) có 256687.59 ha, chiếm 79,2% diện tích đất lâm nghiệp, phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh; đất có rừng phòng hộ 39027.19 ha, chiếm 12,04%, chủ yếu tập trung ở các huyện Đắk R'Lấp, Đắk Glong, Đắk Mil, Đắk Song; đất có rừng đặc dụng 28277.71ha, tập trung chủ yếu ở Đắk Glong, Krông Nô, đây là khu rừng được sử dụng vào mục đích bảo tồn sinh thái, khai thác du lịch. Rừng trồng chủ yếu tập trung ở vùng các vùng gò đồi và núi thấp, khu vực gần dân cư.
Rừng tự nhiên ở Đắk Nông có nhiều hệ động vật và thực vật phong phú và đa dạng. Rừng phát triển tốt, những khu rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ quí và cây đặc sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị khoa học. Trong rừng còn nhiều động vật quí hiếm như voi, gấu, hổ v.v. được ghi trong sách đỏ của nước ta và sách đỏ thế giới; có nhiều loại dược liệu quí là nguồn nguyên liệu dồi dào để chế thuốc chữa bệnh trong y học dân tộc. Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Tà Đùng có những khu rừng nguyên sinh với nhiều cảnh quan, thác nước đẹp tạo nên quần thể du lịch hấp dẫn.
Tài nguyên khoáng sản: Theo số liệu điều tra sơ bộ cho thấy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có một số loại khoáng sản, đáng kể là:
Bô xít: phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk GLong, Đắk R'Lấp, Đắk Song nhưng tập trung chủ yếu ở thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk GLong. Trữ lượng dự đoán 3,4 tỉ tấn, trữ lượng thăm dò 2,6 tỉ tấn, hàm lượng Al2O3 từ 35-40%. Trên bề mặt của mỏ quặng có lớp đất bazan tốt, hiện có rừng hoặc cây công nghiệp dài ngày. Khó khăn cho việc khai thác hiện nay là chưa có đường giao thông, thiếu năng lượng, nguồn nước để rửa quặng và vốn đầu tư.
Khoáng sản quí hiếm: khu vực xã Trường Xuân huyện Đắk Song là nơi có nguồn tài nguyên đặc biệt quí hiếm là vàng, đá quí ngọc bích, saphia trắng. Ngoài ra còn có volfram, thiếc, antimon trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk GLong, Cư Jút.
Ngoài ra còn có các tài nguyên khá phong phú là nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét phân bố rải rác trên địa bàn một số huyện, có thể khai thác công nghiệp, sản xuất gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kinh tế-xã hội cũng như xây dựng dân dụng cho khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh. Sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp phân bố tập trung ở huyện Đắk Glong, Gia Nghĩa; puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic; đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt v.v.
Nguồn nước khoáng có ở Đắk Mil được khoan thăm dò tháng 6/1983 sâu 180 m khả năng khai thác rất lớn, khoảng 570 m³/ngày đêm và khí C02 đồng hành khoảng 9,62 tấn/ngàyđêm. Hiện tại chỉ mới khai thác khí C02.
Tài nguyên du lịch: Trên địa bàn tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như các khu rừng nguyên sinh, các thác nước và các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo. Các thác nước đẹp, hùng vĩ, còn nguyên sơ nằm giữa rừng già như thác Trinh Nữ, Dray Sáp, thác Diệu Thanh, thác Gấu, thác Chuông, thác Ngầm (trong lòng núi), thác Liêng Nung, ĐắkG’lun v.v. Những khu du lịch sinh thái và dã ngoại trong vùng nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha) và thảo nguyên nhỏ trảng Ba Cây rộng trên 3 km² phục vụ du lịch thể thao, cưỡi ngựa, sắn bắn, cắm trại.
Các buôn làng đồng bào dân tộc ít người với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu ...là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, nhân văn. Đặc biệt là dân tộc M'Nông có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, có các sử thi, các lễ hội. Đây là yếu tố có thể khai thác phát triển du lịch.
Những tiềm năng du lịch trên cho phép đẩy mạnh phát triển du lịch với các loại hình đa dạng như: du lịch sinh thái tham quan thác nước, suối, hồ, đập, vườn, rừng; du lịch vui chơi giải trí: leo núi, sắn bắn, đua ngựa; du lịch văn hóa: tham gia các lễ hội của các đồng bào dân tộc, lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, v.v.
+ Tiềm năng thủy điện: sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có tiềm năng thủy điện dồi dào. Hệ thống sông Sêrêpôk có trữ năng kinh tế được đánh giá khoảng 2,6 tỉ KWh. Hệ thống suối đầu nguồn của các sông Đồng Nai, Krông Nô, Sêrêpôk có thể xây dựng nhiều công trình thủy điện lớn với tổng công suất khoảng 1.500 MW như thủy điện DrayH'Linh II, thủy điện Đức Xuyên 92 MW, thủy điện Buôn Tua Srah 85 MW, thủy điện Đắk Tíh 140 MW, thủy điện Đắk NTao, thủy điện Đắk Sô, thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 v.v. đã và đang tiến hành đầu tư.
Ngoài ra, mạng lưới suối nhỏ trên khắp địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các buôn làng vùng cao khó khăn trong việc xây dựng điện lưới.
KẾT CẤU HẠ TẦNG
Giao thông: Mạng lưới giao thông của tỉnh Đắk Nông chỉ có đường bộ, chưa có đường sắt và hàng không. Trong những năm gần đây hệ thống đường bộ trong tỉnh được quan tâm đầu tư hơn, một số trục quốc lộ và tỉnh lộ được nâng cấp. Đến cuối năm 2009 tổng chiều dài đường bộ trên toàn tỉnh là 3.413 km, mật độ đường đạt 0,5 km/km² và 8.89 km/10³ người. Đến nay đã trải nhựa các trục từ tỉnh đến trung tâm huyện. Về kết cấu mặt đường láng nhựa 291,3 km chiếm 8,5%, bê tông nhựa, bê tông xi măng 184,5 km chiếm 5,4%, cấp phối và đất 2.973,7 km chiếm 86,1%. Trong đó:
- Quốc lộ: Có 3 tuyến với tổng chiều dài 311km (chiếm 9,1%), phần lớn đã được trải nhựa nhưng vẫn còn 91 km đường đất. Đó là các tuyến:
+ Quốc lộ 14: Đoạn qua tỉnh dài 155 km, chạy qua địa bàn 5 huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk R’Lấp, nối tỉnh Đắk Nông với các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam đã được nhựa hóa toàn bộ rất thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa giữa tỉnh nhà với các tỉnh khác.
+ Quốc lộ 14C: Đoạn chạy qua tỉnh dài 98 km, qua các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’Lấp và Tuy Đức. Trước đây là đường quốc phòng, phần lớn là đường đất, hiện đã được đầu tư và xây dựng đường nhựa.
+ Quốc lộ 28: Nối tỉnh Đắk Nông với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung, đoạn qua tỉnh dài 58 km. Hiện nay quốc lộ 28 đã được nâng cấp và trải thảm nhựa, xe đi lại thông suốt, chỉ còn một số đoạn đường đất và một số cầu chưa được xây dựng vĩnh cửu nên mùa mưa đi lại khó khăn.
- Tỉnh lộ: Gồm 6 tuyến với tổng chiều dài 318 km, còn 192 km đường đất chiếm 60,4% gồm các tuyến:
+ Tỉnh lộ 1(TL 687): Kiến Đức – Tuy Đức dài 36km
+ Tỉnh lộ 2 (TL 682): Đức Mạnh- Đắk Song dài 24 km
+ Tỉnh lộ 3 (TL 683): Đắk Mil – Krông Nô dài 40km
+ Tỉnh lộ 4 (TL 684) : Gia Nghĩa – Cư Jút dài 111 km
+ Tỉnh lộ 5 (TL 685) : Kiến Đức – Cai Chanh dài 45 km
+ Tỉnh lộ 6 (TL 686) : Đắk Búk So – Quảng Sơn dài 62 km
Đến nay đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng mới được trải nhựa và bê tông hóa có 17,6%, chủ yếu đoạn qua các thị trấn huyện, trung tâm xã.
Điện: Đắk Nông có hệ thống lưới điện phát triển khá nhanh. Tính đến nay, lưới điện quốc gia đã có mặt tại 8/8 huyện, thị, 100% số xã có điện trong đó trên 68% số hộ toàn tỉnh được cấp điện.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số nhà máy thủy điện đã đưa vào hoạt động như nhà máy thủy điện Đắk Nông, Đắk Ru, Quảng Tín, Buôn Tua Srah, Đray Hling… và một số nhà máy thủy điện đang trong giai đoạn xây dựng như thủy điện Đồng Nai 3+4 (lòng hồ và 1 tổ máy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông), thủy điện Đắk RTíh, và một số công trình thủy điện vừa và nhỏ rất phong phú.
Nước: Đến năm 2009 toàn tỉnh có 111 công trình thủy lợi, chủ yếu là công trình có quy mô nhỏ, chưa có công trình nào đầu tư qua cấp Bộ. Tổng năng suất lưới thiết kế là 9.235 ha cà phê và lúa màu khác. Nhưng trên thực tế các công trình hiện có chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, riêng lúa mới tưới được 3.000 ha. Diện tích gieo trồng còn lại nhân dân sử dụng nước tự chảy của suối nhỏ từ đầu nguồn, bằng nước ngầm, một số ít tưới bằng giếng khơi. Do năng lực tưới tiêu của công trình thủy lợi còn ít nên hạn chế khả năng tăng vụ mở rộng diện tích lúa nước, chưa chủ động được nước tưới, năng suất cây trồng bấp bênh. Nhiều diện tích cà phê chưa được tưới. Những hộ trồng cà phê khó khăn về vốn chủ yếu vẫn trông chờ vào nước trời.
(Nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)