Vị trí địa lý: Gia Lai là tỉnh miền núi, nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia; phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Tây giáp Campuchia với 90km đường biên giới quốc gia, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Diện tích: 15.536,9 km²
Khí hậu: Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, được chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình từ 2.200 - 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 đến 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm từ 22-25ºC. Khí hậu Gia Lai thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc.
Địa hình: Địa hình Gia Lai có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, nghiêng từ Đông sang Tây với 3 kiểu địa hình chính: đồi núi, cao nguyên và thung lũng. Độ cao trung bình của Gia Lai 800 - 900m so với mặt nước biển, với đỉnh cao nhất là Kon Ka Kinh (1.748m) thuộc huyện K’Bang và nơi thấp nhất là vùng hạ lưu sông Ba (100m).
Tổ chức hành chính: Gia Lai có 17 đơn vị hành chính, bao gồm: TP. Pleiku (trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và thương mại của tỉnh), thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và 14 huyện: Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đắk Đoa, Đak Pơ, Đức Cơ, Ia Grai, Ia Pa, K'Bang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện, Chư Pưh.
Dân số: 1,36 triệu người (dân số trung bình năm 2013)
Mật độ dân số: 82 người/km²
Lực lượng lao động: 711.680 người
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN:
Tài nguyên đất:
Theo phân loại của FAO – UNESCO, đất đai của Gia Lai gồm 5 nhóm đất chính: đất phù sa, đất xám, đất đỏ vàng, đất đen dốc tụ và đất xói mòn trơ sỏi đá. Trong đó, nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất với 756.433ha (chiếm 48,69% tổng diện tích tự nhiên) và là nhóm đất với nhiều loại đất có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là loại đất đỏ trên đá bazan, tập trung ở các huyện trên cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng, rất thích hợp cho các loại cây trồng công nghiệp dài ngày, yêu cầu độ phì nhiêu cao như: cà phê, chè, cao su và các loại cây ăn quả.
Tài nguyên nước:
Tổng lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m³, được phân bố trên các hệ thống sông chính: sông Ba, sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpôk. Trữ lượng nước lớn của hệ thống ba sông trên cùng mạng lưới sông suối dày đặc với đặc điểm ngắn, dốc đã tạo cho Gia Lai thế mạnh phát triển ngành thủy điện (tổng công suất 3.383 MW); trong đó, sông Sê San là một trong ba sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất của Việt Nam, chiếm 11,3% tổng số tiềm năng thủy điện của cả nước (chỉ đứng sau sông Đà 44% và sông Đồng Nai 16,4%).
Tài nguyên rừng:
Gia Lai có 871.645ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất rừng là 719.314ha, trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích đất lâm nghiệp, 30% diện tích đất rừng và 38% trữ lượng gỗ. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm cả rừng tự nhiên và rừng trồng từ 160 – 180.000m³ sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến các sản phẩm từ gỗ và sản phẩm bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao
Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn cùng với sự đa dạng của địa hình, khí hậu nên số lượng và chủng loại động vật đa dạng vào bậc nhất Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái Tài nguyên Sinh vật, hệ thống động vật rừng Gia Lai gồm: 375 loài chim thuộc 42 họ, 18 bộ; 107 loài thú thuộc 30 họ, 48 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 2 bộ; 96 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng, động vật đất… Đặc biệt, trong rừng có những loài thú quý hiếm như: tê giác, bò tót, hổ, beo, gấu ngựa, cầy bay, sóc bay, chó sói đỏ, culi lùn, vượn đen, dơi đốm hoa; các loài chim như hạc cổ trắng, công, trở sao, gà lôi vằn, gà tiên mặt đỏ; các loài bò sát như: tắc kè, thằn lằn giun, trăn hoa…
Tài nguyên khoáng sản:
Gia Lai có nguồn tài nguyên khoáng sản rất đa dạng và phong phú, thuận lợi cho việc phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: quặng bô xít, vàng, các mỏ sắt, đá granít, đá vôi, sét và cát xây dựng.
Tài nguyên du lịch:
Tài nguyên du lịch tỉnh Gia Lai mang những nét đặc sắc riêng biệt, nổi bật là du lịch tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên và nhân tạo. Bên cạnh đó, Gia Lai còn có nguồn tài nguyên nhân văn và những công trình di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh như: Nhà lao Pleiku, khu Tây Sơn thượng đạo, di tích căn cứ địa của anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ; làng kháng chiến Stơr là quê hương của anh hùng Núp; cùng với các địa danh Pleime, Cheo Reo, Ia Răng đã đi vào lịch sử; các lễ hội dân gian, không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và các tài nguyên du lịch nhân văn khác như: kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật điêu khắc gỗ, âm nhạc, vũ điệu dân gian…
KẾT CẤU HẠ TẦNG
Giao thông:
Đường bộ: Gia Lai có điều kiện khá thuận lợi về giao thông đường bộ, với 3 trục quốc lộ: quốc lộ 14 nối Gia Lai với Kon Tum, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng về phía Bắc và Đắk Lắk, Đắk Nông, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ về phía Nam; quốc lộ 19 nối với cảng Quy Nhơn-Bình Định dài 180km về phía Đông và các tỉnh Đông Bắc Campuchia về hướng Tây; quốc lộ 25 nối với Phú Yên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Gia Lai còn có đường Hồ Chí Minh cũng đi qua địa bàn, các quốc lộ 14C, quốc lộ 25 nối Gia Lai với các tỉnh Tây Nguyên, đường Trường Sơn rất thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa đến cảng để xuất khẩu và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Ngoài ra, hiện nay, tất cả các tuyến đường từ tỉnh xuống các trung tâm huyện của Gia Lai đã nhựa hóa và 100% có đường từ huyện đến trung tâm xã..
Đường hàng không: Sân bay Pleiku (còn gọi là sân bay Cù Hanh) mỗi tuần có 7 chuyến bay từ TP. Pleiku đi thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng - Hà Nội và ngược lại.
Điện:
Với địa hình cao và nhiều sông suối, Gia Lai là một trong những nơi tập trung khá nhiều các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ như: Ialy (công suất 720MW), An Khê, Ayun Hạ, Sê San 1, Sê San 2, Sê San 3 (công suất 260MW), Sê San 4 (công suất 310MW). Trong đó, thủy điện Ialy là nhà máy thủy điện lớn nhất miền Trung, được phát qua trạm biến nâng Ialy -15,75/500KV, đấu vào trạm 500KV Pleiku qua đường mạch kép 2*ACSR 330*4, có chiều dài khoảng 20km, hàng năm cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 3,6 tỷ kWh.
Toàn bộ phụ tải của tỉnh Gia Lai được cấp điện chủ yếu từ 5 trạm 110KV trên địa bàn, có tổng công suất là 132MVA, P cực đại là 80MW, gồm có: trạm 110KV Biển Hồ (E 41); trạm 110KV Diên Hồng (E 42); trạm 110KV Chư Sê (E 50); trạm 110KV Ayun Pa (E 44) và trạm 110KV An Khê (E 43).
Nước:
Cấp nước của tỉnh chủ yếu lấy từ nguồn nước sông, hồ, suối và nguồn nước ngầm qua xử lý để sử dụng cho nước sinh hoạt các đô thị và dân cư. Tại TP. Pleiku, các thị xã, thị trấn đã có các nhà máy cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của dân. Tỷ lệ số hộ thành thị sử dụng nước sạch đạt 90%, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch đạt 75%.
Bưu chính viễn thông:
Mạng lưới bưu chính viễn thông của tỉnh đã được đầu tư hiện đại hóa đảm bảo thông tin liên lạc liên tục trong nước và quốc tế; đảm bảo cung cấp các dịch vụ với độ tin cậy cao. Toàn tỉnh có 379 điểm phục vụ, 1.025 trạm thu phát sóng (BTS) và 21.520 thuê bao internet. Đến nay, 100% xã, phường và thị trấn đã có điện thoại cố định, bình quân đạt 15,14 máy/100 dân.
Dịch vụ ngân hàng, tín dụng:
Các dịch vụ ngân hàng, tín dụng ngày càng nâng cao chất lượng, linh hoạt, an toàn và thuận tiện. Hệ thống các ngân hàng thương mại tại tỉnh hiện nay gồm có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 10 đơn vị ngân hàng thương mại cổ phần, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 6 quỹ tín dụng nhân dân và 1 phòng giao dịch của Công ty Tài chính Cao su các chi nhánh với 90 điểm giao dịch hoạt động. Các ngân hàng có khả năng huy động vốn và đáp ứng nhu cầu vốn bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ.
(Nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)